Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

TPHCM bắt nhịp cùng loạt hành động triển khai Nghị quyết 98

V.Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tính đến nay Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho TPHCM đã tròn một tháng có hiệu lực và thành phố cũng đã cho thấy sự bắt nhịp tốt và đã thực hiện được nhiều việc liên quan đến đời sống dân sinh. Điều này có được nhờ sự chủ động từ trước nhưng cũng là động lực lớn cho trung tâm kinh tế của cả nước giải quyết các vấn đề tiếp theo.

Đây là thông tin được Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ tại cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 8, tám tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 9 của TPHCM. Cuộc họp này cũng là điều kiện nhìn lại sự thay đổi, những việc đã làm được sau một tháng Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho TPHCM có hiệu lực.

TPHCM dần bắt nhịp với Nghị quyết 98

Phát biểu tại phiên họp, người đứng đầu chính quyền thành phố điểm lại, các bản nghị quyết đã được HĐND TPHCM ban hành để cụ thể hóa 3 nội dung trong Nghị quyết 98. Thời gian một tháng không nhiều kể từ khi triển nhưng TPHCM đã làm được nhiều việc do đã chủ động từ trước.

"Nội dung đầu tiên được triển khai là thành phố bố trí vốn đầu tư công cho chương trình giảm nghèo bền vững. Tôi cho rằng điều này rất ý nghĩa, mang lại lợi ích trực tiếp, thiết thực cho người dân TPHCM, đặc biệt là người nghèo được thụ hưởng", ông Phan Văn Mãi cho hay.

Bên cạnh đó, HĐND thành phố cũng thông qua nghị quyết bố trí ngân sách 2.900 tỉ đồng để thực hiện dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài. Nội dung tiếp theo là TPHCM tăng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 lên gần 100.000 tỉ đồng.

"Sau khi có Nghị quyết 98, thành phố đã thành lập các ban chỉ đạo, hội đồng tư vấn, ban hành các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch để cụ thể hóa trong thời gian sớm nhất, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân", Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.

TPHCM đã giải quyết được nhiều vấn đề sau một tháng Nghị quyết 98 có hiệu lực. Ảnh minh họa: VD

Đối với Thành phố Thủ Đức, cũng bắt đầu có những chuyển động cụ thể để hướng đến cơ chế hoạt động rõ hơn. Cụ thể, đơn vị hành chính này vừa thành lập 3 trung tâm trực thuộc và Ban Đô thị trực thuộc. Tại kỳ họp sắp tới, UBND TPHCM sẽ có nghị quyết trình HĐND về tổ chức bộ máy, các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Thành phố Thủ Đức. Ông Phan Văn Mãi cho rằng, đây là các điều kiện rất quan trọng để thành phố trực thuộc TPHCM có cơ chế hoạt động.

Theo lãnh đạo UBND TPHCM, trong 8 tháng đầu năm, công tác giải ngân đầu tư công vẫn là vấn đề của địa phương. Tính đến ngày 25-8, thành phố mới giải ngân được hơn 19.000 tỉ đồng, đạt 28% kế hoạch vốn được giao.

"Đáng ra đến cuối tháng 9, thành phố cần giải ngân 55% và cuối tháng 6 đạt 35%. Tuy nhiên hiện tại, thành phố chưa đạt mục tiêu của tháng 6. Nhiệm vụ của các tháng cuối năm còn rất nặng nề nếu muốn đạt được mục tiêu giải ngân 95% tổng vốn được giao theo kế hoạch", Chủ tịch UBND TPHCM băn khoăn.

Theo ông Phan Văn Mãi, công tác giải ngân đầu tư công thuộc trách nhiệm của 3 đầu mối là địa phương, các sở, ngành và Văn phòng UBND thành phố. Hiện nay, từ khi các đơn vị gửi hồ sơ đến khi có được giá để tính bồi thường mất khoảng một tháng.

Để đẩy giải quyết những tồn đọng này, Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng UBND TPHCM, Sở Tài chính cần theo sát công việc hơn nữa để rút ngắn thời gian này xuống còn 1 tuần. Ở chiều ngược lại, các chủ đầu tư cần đeo bám sở, ngành, quận, huyện để cùng gỡ rối từng việc nhằm đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng cho dự án.

Kinh tế 8 tháng đầu năm chuyển biến tích cực

Theo báo cáo của các sở ngành trong 8 tháng đầu năm hoạt động kinh tế của TPHCM đã đạt được những kết quả tích cực. Các chỉ số cơ bản như sản xuất công nghiệp, doanh thu dịch vụ tiêu dùng, xuất nhập khẩu, đầu tư công… cũng ghi nhận mức độ tăng trường cao.

Cụ thể, báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết hỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8 năm 2023 ước tính tăng 3,4% so với tháng trước, tăng 6,6% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng năm 2023, chỉ số IIP trên địa bàn Thành phố tăng 2,8% so với cùng kỳ. Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 8 tháng tăng 6,0% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành hóa dược tăng 18,2%; ngành cơ khí tăng 7,6%; ngành sản xuất hàng điện tử tăng 5,1%; ngành lương thực thực phẩm và đồ uống giảm 5,8%...

Báo cáo về tình hình tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, Sở Công Thương cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu 8 tháng đầu năm ước đạt 764.461 tỉ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ (trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 9,6%, dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 33,7%, dịch vụ du lịch lữ hành tăng 74,5%, dịch vụ khác giảm 2,7%).

Về hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt 27,54 tỉ đô la Mỹ, giảm 15,3% so cùng kỳ (cùng kỳ năm 2022 tăng 11,5%). Nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt 36,21 tỉ đô la Mỹ, giảm 17,3% so cùng kỳ (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,8%).

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường đến nay số duyệt dự án khoảng 5.300 tỉ đồng, số thu vào ngân sách khoảng 2.300 tỉ đồng. Dự kiến, từ đây đến cuối năm, nguồn thu từ đất đai sẽ đạt gần 19.000 tỉ đồng, con số này bằng và cao hơn so với năm 2022. Hiện các sở, ngành sẽ tập trung, đôn đốc để tăng thu đất đai, góp phần tăng thu ngân sách.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết, vừa qua thành phố có trên 81.000 căn hộ nhà ở thương mại chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hiện đã giải quyết 6.000 căn hộ. Trong số 81.000 trường hợp gặp vướng mắc nếu trên thì có khoảng 40.000 trường hợp khả thi, còn lại đang vướng các nội dung không thể xử lý trong năm nay. Với điều kiện này, sở sẽ tập trung tăng cường cấp giấy chứng nhận để tăng nguồn thu cho ngân sách trong thời gian tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới