Thứ bảy, 4/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

TPHCM: bồi thường mặt bằng đất nông nghiệp tối đa gấp 38 lần giá nhà nước

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - TPHCM đặt mục tiêu đầu tư mới nhiều dự án trọng điểm trong thời gian tới, đặc biệt là Vành đai 3, 4, cao tốc TPHCM - Mộc Bài... Vì vậy thành phố đồng loạt thực hiện nhiều giải pháp nhằm giải phóng mặt bằng đúng tiến độ, có đất sạch thực hiện dự án, trong đó Hệ số điều chỉnh giá đất để lập phương án bồi thường năm 2023 tối đa gấp 25 lần giá nhà nước, đất nông nghiệp gấp 38 lần.

UBND TPHCM ban hành hệ số K năm 2023 thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng đúng tiến độ, có đất sạch thực hiện dự án - Ảnh minh họa: TL

TTXVN đưa tin, theo quyết định vừa được UBND TPHCM ban hành Hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) để lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư lấy ý kiến người dân có đất bị thu hồi trên địa bàn thành phố năm 2023, từ ngày 18-3, đất ở tùy quận huyện có hệ số điều chỉnh gấp 3-25 lần so với giá nhà nước.

Khu vực có hệ số cao nhất, tối đa 25 lần là huyện Hóc Môn (10-25 lần) và thành phố Thủ Đức (6-25 lần). Khung hệ số này tăng 10 đơn vị so với năm 2022 (tối đa 15 lần). Tiếp đó là huyện Bình Chánh (6-22 lần), Nhà Bè (10-21 lần), Củ Chi (13-20 lần). Các địa phương còn lại có khung hệ số tối đa dưới 20.

Với hệ số điều chỉnh này, đất mặt tiền đường Cách mạng Tháng Tám (quận 1, hệ số 4-5) giá nhà nước (giai đoạn 2020-2024) là 66 triệu đồng/m2, sẽ được xây dựng giá thương lượng bồi thường 264-330 triệu đồng/m2.

Tương tự, đất mặt tiền đường Trần Não, đoạn từ xa lộ Hà Nội đến Lương Định Của (thành phố Thủ Đức), giá nhà nước 22 triệu đồng/m2, sẽ được xây dựng giá bồi thường ở mức 132-550 triệu đồng/m2.

Các loại đất phi nông nghiệp không phải đất ở được bồi thường theo tỷ lệ. Đất thương mại, dịch vụ tính bằng 80% giá đất ở liền kề. Các loại đất khác tính bằng 60% giá đất ở liền kề.

Đất nông nghiệp tại TPHCM có hệ số cao 5-38 lần giá nhà nước, tăng so với hệ số tối đa năm 2022 là 35. Nơi có hệ số cao nhất là huyện Bình Chánh với khung hệ số 15-38 lần giá nhà nước. Các địa phương có hệ số tối đa 35 lần gồm các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp. Các địa phương còn lại có hệ số tối đa dưới 30.

Trường hợp các địa phương không có dự án được UBND thành phố phê duyệt trong khoảng thời gian trên thì thu thập thông tin tại khu vực lân cận có điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng kỹ thuật tương đồng, từ đó cân đối với hệ số K đối với đất ở và đất nông nghiệp để đưa hệ số cụ thể vào phương án bồi thường.

Cổng thông tin UBND TPHCM cho biết, hệ số điều chỉnh giá đất được thành phố đưa ra hàng năm nhằm xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Từ nhiều năm qua, TPHCM luôn gặp khó khăn trong bồi thường, giải phóng mặt bằng và hệ luỵ là kết quả giải ngân thường không đạt mục tiêu đề ra, riêng năm 2022 đặc biệt thấp, nhiều dự án trọng điểm đình trệ do vướng mặt bằng.

TPHCM đặt mục tiêu đầu tư mới nhiều dự án trọng điểm trong thời gian tới, đặc biệt là Vành đai 3, 4, cao tốc TPHCM - Mộc Bài... Do đó, thành phố đồng loạt thực hiện nhiều giải pháp nhằm giải phóng mặt bằng đúng tiến độ, có đất sạch thực hiện dự án. So với năm 2022, hệ số K năm 2023 cao hơn và được ban hành sớm hơn 5 tháng.

1 BÌNH LUẬN

  1. Công khai minh bạch. Như vậy là OK. Dân yên, chính quyền ổn. Gỡ được nút thắt từ bao đời nay, gây nên chậm trễ, nhiêu khê biết bao nhiêu công trình dự án do phải tranh chấp tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Tổn thất do trì hoãn thời gian triển khai dự án là vô cùng lớn so với những gì nên chi trả cho người dân càng sớm càng tốt. Vấn đề là nên triển khai như thế nào cho đồng bộ, hiệu quả.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới