Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM chi hàng trăm tỉ đồng bình ổn thị trường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM chi hàng trăm tỉ đồng bình ổn thị trường

Minh Tâm

TPHCM chi hàng trăm tỉ đồng bình ổn thị trường
Bà Lê Ngọc Đào (áo hoa, giữa), Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM và các doanh nghiệp ký cam kết tham gia chương trình bình ổn giá. Ảnh: Minh Tâm

(TBKTSG Online) – UBND TPHCM vừa quyết định chi 288,6 tỉ đồng để cho các doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi nhằm thực hiện hai chương trình bình ổn giá các mặt hàng lương thực thực phẩm và đồ dùng học sinh. Mặt hàng dược phẩm, sữa tiếp tục được bình ổn giá quanh năm nhưng doanh nghiệp không nhận vốn hỗ trợ.

Tại buổi công bố các chương trình bình ổn và ký kết hợp đồng vay vốn diễn ra ngày 5-4, bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho hay, trong năm 2012 – 2013 này, thành phố thực hiện đồng thời 4 chương trình bình ổn giá ở các nhóm hàng: lương thực thực phẩm thiết yếu, mặt hàng phục vụ mùa khai giảng, sữa và dược phẩm thiết yếu, kéo dài từ 1-4-2012 đến 31-3-2013 (riêng nhóm hàng phục vụ mùa khai giảng từ 1-4 đến 30-9-2012).

Trong đó, chương trình mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu và phục vụ mùa khai trường được thành phố chi 288,6 tỉ đồng cho doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi để xây dựng, phát triển và dự trữ nguồn hàng phục vụ thị trường.

Cụ thể, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn 9 nhóm mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, bao gồm thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, gạo, đường, dầu ăn, rau củ quả, thủy hải sản và thực phẩm chế biến được cho vay 270,9 tỉ đồng. So với chương trình năm 2011 và Tết Nhâm Thìn 2012, số tiền được vay giảm 141,1 tỉ đồng.

Tuy nhiên, khối lượng hàng hóa tham gia bình ổn và chủng loại mặt hàng đã được mở rộng. Theo đó, lượng hàng bình ổn giá các doanh nghiệp đăng ký trong tháng thường chiếm 25 – 30% nhu cầu thị trường, dịp tết chiếm 30 – 40%, cao hơn khối lượng năm ngoái. Bên cạnh đó, chủng loại mặt hàng được bán với giá bình ổn có thêm gạo thơm Jasmine, đường RS, dầu ăn nhiều nhãn hiệu khác nhau và thủy hải sản tươi sống. Số doanh nghiệp tham gia ở chương trình này năm nay là 25 doanh nghiệp, trong đó có 7 đơn vị mới tham gia lần đầu.

Trong khi đó, chương trình bình ổn các mặt hàng phục vụ mùa khai trường là tập vở, đồng phục và cặp xách kéo dài từ 1-4 đến 30-9 với 12 doanh nghiệp tham gia. Trong đó, 8 doanh nghiệp nhận vốn (nhận một phần và toàn bộ) được vay 17,6 tỉ đồng, giảm gần 8 tỉ đồng so với năm trước. Tổng lượng hàng hóa phục vụ thị trường của 12 doanh nghiệp là 17,5 triệu quyển tập, 670.000 cặp táp, ba lô, túi xách và 590.000 bộ đồng phục (đều tăng lượng so với năm trước).

Các doanh nghiệp nhận vốn vay ưu đãi của thành phố phải thế chấp tài sản hoặc bảo lãnh, số vốn vay không vượt quá vốn điều lệ và phải được thanh toán trong vòng 12 tháng.

Ngược lại, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá sữa và dược phẩm thiết yếu lại không nhận vốn vay từ ngân sách thành phố. So với năm ngoái, các mặt hàng này cũng được gia tăng về số lượng và doanh nghiệp tham gia. Theo đó, hai công ty bình ổn sữa là Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Công ty cổ phần Dinh dưỡng Đồng Tâm (Nutifood) sẽ đưa 10.300 tấn sữa, gồm 5 dòng sữa bột và 1 dòng sữa nước, chiếm 30 – 35% nhu cầu ra thị trường. Trong khi đó, 9 doanh nghiệp sẽ bình ổn giá cho 13 nhóm thuốc sản xuất trong nước trị các bệnh thường gặp, chiếm 50% nhu cầu thị trường.

Theo chương trình năm nay, các mặt hàng tham gia bình ổn có giá bán thấp hơn giá thị trường từ 5 – 10% thay vì 10% như mọi năm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá sẽ được thực hiện khi giá đầu vào tăng 10% (trừ mặt hàng sữa, dược phẩm), khác với quy định giá đầu vào tăng 15% như năm trước. Mặt hàng sữa, dược phẩm cũng được điều chỉnh giá theo biến động đầu vào chứ không cố định từ đầu đến cuối chương trình như năm ngoái. Mọi điều chỉnh giá phải đăng ký với Sở Tài chính và được đơn vị này thẩm định, chấp nhận.

Bà Đào đánh giá, so với mọi năm, số lượng doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn đều tăng, đạt tổng số 48. Tương tự, số doanh nghiệp không nhận vốn cũng tăng lên nên tổng số vốn của thành phố bỏ ra giảm đi so với mọi năm.

Cũng theo bà Đào, thời điểm này doanh nghiệp đang đăng ký điểm bán và sẽ công bố trong thời gian tới. Quan điểm của thành phố là mở rộng mạng lưới điểm bán hàng bình ổn để người dân được thụ hưởng. Tiến tới, hàng bình ổn sẽ được đưa thường xuyên vào các khu công nghiệp, khu chế xuất bằng bán hàng lưu động hoặc liên kết với các bếp ăn tập thể…

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị không tham gia chương trình nhưng đã đăng ký bán hàng bình ổn giá. Ví dụ như hệ thống siêu thị Citimart, hệ thống siêu thị nhà sách Thành Nghĩa…

Giá bán của các mặt hàng trong chương trình năm nay đang được các cơ quan liên quan tính toán và sẽ công bố chính thức trong tuần này.

Người tiêu dùng có thể phản ánh về các điểm bán, mặt hàng bình ổn theo số: 08 38 291 670

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới