Đó là khẳng định của ông Đặng Quốc Toàn, Chánh văn phòng UBND TPHCM, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế – xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2022, diễn ra vào chiều 7-3.
Nhiều câu hỏi về đấu giá 4 lô đất còn bỏ ngỏ
Liên quan đến vụ đấu giá 4 lô đất tại Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức, TPHCM), trong đó có hai doanh nghiệp đã bỏ cọc và 2 doanh nghiệp còn lại đã đặt cọc, trúng đấu giá nhưng đến nay chưa hoàn thành tài chính đối với Nhà nước, nhiều phóng viên đặt câu hỏi TPHCM có tổ chức bán đấu giá các lô đất đã bỏ cọc hay không? Đến nay thành phố đã thấy những bất cập, hạn chế gì cần phải rút kinh nghiệm?
Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TPHCM, cho biết những câu hỏi trên nằm ngoài phạm vi trả lời của đơn vị nên không trả lời và để lãnh đạo của thành phố giải đáp.
Về thời gian tổ chức đấu giá lại, việc đấu giá trực thuộc bên bán tài sản là UBND TPHCM ủy quyền cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố.
Vì vậy, “chúng tôi sẽ tiến hành làm hợp đồng, ký hợp đồng và thông báo bán đấu giá khi có yêu cầu của UBND thành phố và Sở Tài nguyên và Môi trường”, ông Hùng cho hay.
Đến thời điểm hiện tại, đơn vị chưa nhận được các quyết định này, vì việc này liên quan đến việc bỏ cọc hai lô đất do hai doanh nghiệp trúng đấu giá vừa qua.
Ngoài ra, vì hai doanh nghiệp còn lại hiện vẫn chưa nộp tiền, “vì vậy, thời điểm này thành phố vẫn đang tiếp tục xử lý nên chúng tôi không thể trả lời”, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TPHCM thông tin.
Ông Đặng Quốc Toàn, Chánh Văn phòng UBND TPHCM, thông tin hiện UBND thành phố đã giao Sở Tư pháp và Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu đánh giá công tác đấu giá vừa qua, những gì được và chưa được. Vì vậy, việc đấu giá trong thời gian tới chưa có thông tin chính thức.
Thay đổi một số biện pháp để ổn định lao động
Về tình trạng thiếu hụt lao động khi công nhân bị F0, F1 phải ngừng làm việc, tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM, cho biết đối với người lao động là F0 và F1, trong công văn 762 ngày 21-2-2022 của Bộ Y tế đã có hướng dẫn quy trình cách ly đối với F0, F1. Tuy nhiên, hiện số ca mắc mới tăng cao trở lại, trong đó có người lao động; điều này ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn. Trước tình hình này, Bộ Y tế đang thay đổi một số biện pháp phòng dịch để giúp doanh nghiệp ổn định nguồn lao động.
Cũng theo ông Lâm, việc tăng lương tối thiểu vùng được thực hiện theo quy định của điều 91 Bộ luật Lao động năm 2019. Mức lương tối thiểu vùng dựa trên 7 tiêu chí như mức sống tối thiểu của lao động và gia đình họ; chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung cầu lao động; năng suất lao động và khả năng chi trả của doanh nghiệp…
Dựa trên 7 tiêu chí này, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ tư vấn, kiến nghị Chính phủ quyết định và công bố mức lương tối thiểu về chính sách tiền lương đối với người lao động.
Về phía Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM, hằng năm đều tổ chức điều tra tình hình chi trả lương, thưởng trong các doanh nghiệp; đồng thời lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức chính trị – xã hội về tình hình thực hiện mức lương tối thiểu vùng để báo cáo cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội làm cơ sở tính toán, đề xuất cho Hội đồng tiền lương quốc gia trong việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu.
Ngoài ra cũng phối hợp với các ngành trao đổi với những doanh nghiệp để xem xét tăng lương cho người lao động và thực hiện các chính sách phúc lợi xã hội chăm lo cho người lao động để yên tâm làm việc. Hiện nay, các doanh nghiệp đã đi vào sản xuất ổn định và các chính sách phúc lợi được doanh nghiệp triển khai khá tốt.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị