(KTSG Online) - UBND TPHCM vừa ban hành quyết định 5260/QĐ-UBND, phê duyệt kế hoạch thực hiện đề án triển khai tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) đến năm 2050 trên địa bàn thành phố.
- Đồng Tháp hướng đến mục tiêu là Trung tâm giải pháp chuyển đổi xanh khu vực ĐBSCL
- Việt Nam xem EU là đối tác quan trọng trong tiến trình chuyển đổi xanh
Cụ thể, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, TPHCM sẽ tập trung vào việc thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, nâng cấp hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh. Từ đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Thành phố sẽ trở thành một mô hình điển hình cho các địa phương khác trong cả nước, thanhuytphcm.vn đưa tin.
Ngoài ra, TPHCM sẽ đầu tư mạnh vào phát triển công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, thiết bị lưu trữ năng lượng và các công nghệ liên quan đến carbon. Bên cạnh đó, thành phố sẽ triển khai các chương trình đào tạo để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng tái tạo, xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng.
Sau năm 2030, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư vào phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế tạo thiết bị và sản xuất hydro xanh.
Đồng thời, thành phố sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng các chính sách, cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại Hội nghị COP28, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực (RMP), đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình thực hiện Tuyên bố chính trị về Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Theo Cục Biến đổi khí hậu, quỹ JETP tại Việt Nam được tài trợ 15,5 tỉ đô la Mỹ, trong đó một nửa đến từ các đối tác quốc tế còn lại là từ các tổ chức tư nhân.
Kế hoạch JETP đã xác định rõ các nhu cầu đầu tư ưu tiên, bao gồm cải thiện môi trường pháp lý, chuyển đổi năng lượng than, phát triển năng lượng tái tạo và nâng cấp hệ thống điện. Nguồn tài chính từ JETP sẽ được sử dụng để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu, góp phần xây dựng một hệ thống năng lượng sạch, hiệu quả và bền vững.
Bên cạnh chuyển đổi ngành điện, Việt Nam sẽ tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, phát triển giao thông xanh, đổi mới công nghệ và đảm bảo chuyển đổi công bằng.