TPHCM đề xuất Chính phủ cho thêm cơ chế tự chủ
Lê Anh
(TBKTSG Online) - TPHCM kiến nghị Chính phủ phân cấp cho thành phố 7 nội dung nhằm giải quyết nhanh hơn các thủ tục cho người dân và doanh nghiệp.
![]() |
TPHCM đề xuất Chính phủ phân cấp cho thành phố trong lĩnh vực xây dựng - Ảnh: Lê Anh |
Vấn đề này được chính quyền TPHCM nêu ra tại buổi làm việc giữa Thường trực Ban bí thư, Chính phủ và Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội diễn ra sáng 12-1.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, sau hơn 1 năm thực hiện cơ chế đặc thù, thành phố đã xác định và tập trung xây dựng 23 nội dung, đề án cấp thiết phục vụ cho yêu cầu phát triển của thành phố.
Trong đó, việc ủy quyền của chủ tịch thành phố cho chủ tịch quận, huyện, giám đốc các sở, ngành đã giúp các quyết định được thực nhanh hơn, có hiệu quả thực tế cao hơn trước khi phân cấp. Việc ban hành mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt giúp thành phố thu hút được nhân tài cho thành phố.
Tuy nhiên, ông Nhân cho biết, việc thực hiện cơ chế đặc thù còn gặp nhiều khó khăn do đây là vấn đề mới chưa có tiền lệ thực hiện. Một số nội dung có ý kiến khác nhau giữa các bộ ngành. Vì thế, có những nội dung, đề án triển khai chậm so với kế hoạch dự kiến. Do thời gian áp dụng các giải pháp mới còn ngắn nên chưa tác động mạnh đến sự phát triển của thành phố.
Đề xuất phân cấp 7 nội dung
Qua ủy quyền, phân cấp ở TPHCM bước đầu có hiệu quả, Chủ tịch TPHCM Nguyễn Thành Phong đề xuất Chính phủ 7 nội dung phân cấp cho thành phố thực hiện.
Thứ nhất, phân cấp cho Sở Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở (trừ phần thiết kế công nghệ) dự án đầu tư xây dựng công trình cấp I trở lên (trừ công trình cấp đặc biệt).
Thứ hai, phân cấp cho Sở Xây dựng thẩm định thiết kế kỹ thuật (trường hợp thiết kế 3 bước), thiết kế bản vẽ thi công (trường hợp thiết kế 2 bước) của công trình cấp I .
Thứ ba, phân cấp cho các sở quản lý chuyên ngành trực thuộc UBND TPHCM được phép chủ trì thẩm định các dự án, thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng các công trình do TPHCM quyết định đầu tư, kể cả dự án nhóm A, công trình cấp đặc biệt, cấp I.
Thứ tư, phân cấp cho Sở Công Thương chủ trì tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu công trình đường dây và trạm biến áp có cấp điện áp 220kV (công trình cấp I) thuộc dự án nhóm B trở xuống sử dụng vốn ngân sách nhà nước do TPHCM quyết định đầu tư.
Thứ năm, phân cấp cho Sở Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận tổ chức, cá nhân hoạt động ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ cao.
Thứ sáu, phân cấp cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp, gia hạn, thay đổi, thu hồi giấy phép hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy.
Thứ bảy, phân cấp cho TPHCM quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng các khoản viện trợ không hoàn lại cho thành phố không phụ thuộc vào quy mô viện trợ.
Bên cạnh đó, TPHCM kiến nghị Chính phủ cho phép thành phố tạm ứng ngân sách để bồi thường giải phóng mặt bằng trong khi chờ Trung ương triển khai thủ tục và phương thức đầu tư để đẩy nhanh tiến độ dự án đường vành đai 3. Sau đó, ngân sách Trung ương sẽ bố trí hoàn trả lại theo hướng bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 đối với chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự án.
Về lĩnh vực du lịch, TPHCM kiến nghị xem xét miễn visa cho 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha) và tiếp tục mở rộng diện thị thực miễn visa cho một số thị trường quốc tế khác. Đồng thời tăng thời hạn lưu trú ở Việt Nam đối với khách đến từ các thị trường (Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan, Nga, Hàn Quốc, Anh, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha…) từ 15 lên 21 hoặc 30 ngày để phù hợp với thời gian cho khách tham gia một chương trình du lịch đến Việt Nam.
Ngoài ra, TPHCM kiến nghị Chính phủ xem xét miễn visa đối với khách quốc tế tái nhập cảnh vào Việt Nam trong thời hạn 30 ngày.
Mời xem thêm: