Thứ Bảy, 5/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

TPHCM: Đổi đất vàng xây bệnh viện chưa được chấp thuận

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM: Đổi đất vàng xây bệnh viện chưa được chấp thuận

Thu Hiền

(TBKTSG Online) - UBND TPHCM cho biết chưa nhận được văn bản từ Văn phòng Chính phủ về việc chấp thuận cho Tổng công ty cổ phần Đền bù giải tỏa (thuộc tập đoàn Đức Khải) áp dụng thí điểm hình thức hợp đồng chuyển giao xây dựng bệnh viện chấn thương chỉnh hình mới.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND TPHCM, xác nhận: đến thời điểm ngày hôm qua (12-5) thành phố vẫn chưa nhận được ý kiến hay văn bản của chính phủ về việc chấp thuận triển khai dự án xây dựng mới bệnh viện chấn thương chỉnh hình theo hình thức BT.

“Xây dựng các công trình theo hình thức BT đã được thực hiện trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực giao thông. Trong lĩnh vực y tế cũng có chủ trương xây dựng theo hinh thức này. Tuy nhiên, việc nhà đầu tư xin xây dựng bệnh viện mới để đổi lấy khu đất hiện nay của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM tại quận 5 thì cần phải xem xét kỹ và thành phố đã trình lên Chính phủ xin ý kiến,” ông Thuận nói.

Thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho hay, từ đầu năm 2010 Tổng công ty Đền bù giải tỏa đã trình phương án xin đầu tư xây dựng bệnh viện chấn thương chỉnh hình mới tại khu 6A đô thị Nam thành phố, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh với diện tích đất xây dựng là 3 héc ta, tổng số vốn đầu tư khoảng 1.132 tỉ đồng. Bệnh viện mới sẽ được xây dựng với quy mô 500 gường bệnh (so với quy mô 400 gường bệnh của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM hiện nay). Bệnh viện sẽ được khởi công trong năm nay và dự kiến hoàn thành vào năm 2012.

Sau khi bệnh viện mới được xây dựng, Công ty Đền bù giải tỏa sẽ bàn giao cho Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình và xin thành phố giao lại khu đất của bệnh viện cũ (số 929 Trần Hưng Đạo, phường 1, quận 5) để làm trung tâm thương mại phức hợp. Việc giao lại cơ sở này sẽ được nhà nước định giá theo giá thị trường và bàn giao cho tập đoàn Đức Khải.

Cũng theo ông Thuận, đề nghị của nhà đầu tư là xây dựng khu phức hợp thương mại. Tuy nhiên, thành phố sẽ xem xét đề nghị đó dựa trên quy hoạch chung nhằm bảo đảm không phá vỡ quy hoạch tổng thể.

“Ngân sách của thành phố không thể bảo đảm ngay việc xây dựng một bệnh viện mới có quy mô 500 gường và cần kêu gọi xã hội hóa các dự án y tế. Tuy nhiên, việc xã hội hóa các dự án phải cân nhắc làm sao hài hòa lợi ích của chính quyền, cùa nhà đầu tư và của người dân”, ông Thuận nói.

Tổng công ty Đền bù giải tỏa thành lập năm 2008, thời gian thí điểm là 5 năm với chức năng đền bù giải tỏa và bàn giao đất sạch cho UBND cấp tỉnh, thành để đấu giá quyền sử dụng đất. UBND tỉnh, thành có trách nhiệm thanh toán tiền vốn đầu tư và một phần lợi nhuận thu được từ đấu giá đất cho tổng công ty.

Năm 2009, công ty này đã lập dự án xây mới Bệnh viện Nhi Đồng 2 theo hình thức đầu tư BT với tổng vốn đầu tư là 3.200 tỉ đồng.

Phương án mà công ty này đưa ra là xây dựng Bệnh viện Nhi Đồng 2 mới trên toàn bộ diện tích hiện hữu là 86.168 mét vuông và xin thành phố bàn giao lại một khu đất khác trị giá tương đương. Hoặc, công ty xây dựng Bệnh viện Nhi Đồng 2 với điện tích 54.619 mét vuông và đối với diện tích còn lại trong khuôn viên bệnh viện, công ty này xin nhà nước cho phép xây khu trung tâm thương mại.

Đến ngày 1-10-2009, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND TPHCM đã bác bỏ dự án này với lý do bảo tồn kiến trúc và giữ gìn mảng xanh của Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM. Ngoài ra, về mặt kinh tế, hình thức đầu tư BT dự án này gây lãng phí cho ngân sách thành phố.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới