(KTSG Online) - UBND TPHCM vừa báo cáo Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc dừng dự án hỗ trợ kỹ thuật tuyến buýt nhanh BRT số 1. Nguyên nhân dừng do quá trình từ khi văn kiện dự án được phê duyệt đến khi hiệp định tài trợ được ký kết và có hiệu lực là ba năm, không đủ thời gian để thực hiện dự án.
- TPHCM sẽ xây dựng tuyến BRT dài 23 km, dự kiến hoàn thành năm 2024
- TPHCM: Chưa có quy hoạch đô thị phù hợp để phát triển mạng lưới vận tải công cộng sức chở lớn
TTXVN đưa tin, UBND TPHCM vừa báo cáo Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật phát triển giao thông xanh TPHCM; trong đó, xác định dừng dự án hỗ trợ kỹ thuật tuyến buýt nhanh BRT số 1.
Dự án hỗ trợ kỹ thuật cho dự án Phát triển giao thông xanh TPHCM do Ngân hàng Thế giới (Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ - SECO ủy thác) tài trợ. Mục tiêu là tăng cường chất lượng và nâng cao hiệu quả của dự án Phát triển giao thông xanh TPHCM (dự án BRT) trên hành lang tuyến xe buýt nhanh BRT số 1.
Tổng giá trị dự kiến của dự án hơn 249 tỉ đồng; trong đó vốn ODA viện trợ không hoàn lại là 10,5 triệu đô la Mỹ (tương đương 245 tỉ đồng) và vốn đối ứng 4,7 tỉ đồng. Dự án hỗ trợ kỹ thuật được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, thực hiện từ năm 2016-2020.
Ngày 30-6-2022, Thủ tướng Chính phủ quyết định gia hạn thời gian thực hiện dự án đến ngày 31-12-2023 và giao UBND TPHCM phối hợp với Bộ Tài chính trao đổi, làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB) để thực hiện thủ tục điều chỉnh hiệp định tài trợ của dự án.
Tuy nhiên, theo UBND TPHCM, do mục tiêu tổng quát dự án, tiến độ triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật phụ thuộc vào tình hình thực hiện dự án BRT.
Do đó, sau khi Ngân hàng Thế giới có thư ngày 27-9-2022 về việc ngưng thực hiện dự án BRT, các hoạt động triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật tạm ngưng để theo dõi tình hình chủ trương thực hiện dự án BRT.
Đến tháng 7-2023, tỷ lệ giải ngân dự án hỗ trợ kỹ thuật là 0% đối với nguồn vốn ODA và 50,98% tương đương 2,4 tỉ đồng với nguồn vốn đối ứng.
Nguyên nhân dừng thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, UBND TPHCM cho biết quá trình từ khi văn kiện dự án được phê duyệt (tháng 11-2018) đến khi hiệp định tài trợ được ký kết và có hiệu lực (tháng 1-2020) là 3 năm, dẫn đến thời gian còn lại để thực hiện dự án là không đủ theo quy định.
Cùng với đó, dịch bệnh Covid-19 cũng đã ảnh hưởng đến việc huy động tư vấn nước ngoài. Chủ đầu tư không thể hoàn thiện kịp các đề cương nhiệm vụ, dự toán và hồ sơ mời thầu đến các đơn vị liên quan, dẫn đến xin gia hạn thực hiện dự án. Đến nay, chủ đầu tư chưa triển khai đấu thầu và chưa ký kết hợp đồng toàn bộ 12 gói thầu.
UBND TPHCM cho biết, việc tiếp tục triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật là không còn phù hợp với tình hình thực tế do dự án hỗ trợ kỹ thuật bổ sung cho các hoạt động của dự án BRT nên chỉ có thể triển khai khi dự án BRT được tiếp tục.
Qua trao đổi sơ bộ, Ngân hàng Thế giới và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ mong muốn tiếp tục sử dụng nguồn tiền dự kiến cho dự án hỗ trợ kỹ thuật để hỗ trợ TPHCM trong các nghiên cứu liên quan lĩnh vực phát triển đô thị, giao thông công cộng.