Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

TPHCM hết 2 loại vaccine sởi và DPT trong chương trình tiêm chủng mở rộng

Minh Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Theo đại diện của Vệ sinh dịch tễ Trung ương thuộc Bộ Y tế, tình trạng thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng đã bắt đầu từ tháng 8 vừa qua. Dù các nhà cung cấp đều có sẵn vaccine trong kho nhưng vaccine không thể tiến hành cung ứng do vướng mắc một số thủ tục theo quy định. Hiện Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã báo cáo Bộ Y tế và đang nỗ lực thực hiện các thủ tục để cung ứng kịp thời vaccine cho từng địa phương.

Ngày 13-9, Sở Y tế TPHCM cho biết đơn vị này vừa có văn bản gửi Bộ Y tế và UBND TPHCM về tình hình cung ứng vaccine sởi và vaccine DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván). Đây là hai loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ em nhưng đã hết sạch vaccine, trong khi đó toàn bộ vaccine dịch vụ tại Viện Pasteur TPHCM cũng trong tình trạng cạn kiệt.

Sở Y tế thành phố cho biết, từ tháng 5-2022, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) chưa nhận được vaccine sởi và vaccine DPT. Ngày 12-8, Sở Y tế có báo cáo tình hình thì Viện Pasteur TPHCM đã phân bổ 6.000 liều vaccine DPT hạn dùng đến ngày 5-9 cho HCDC và cũng đã sử dụng hết. Đến ngày 31-8, Viện Pasteur TPHCM có thông báo kho vaccine của đơn vị này đã hết các loại vaccine sởi và DPT.

Vì vậy, Sở Y tế thành phố đã có văn bản khẩn báo cáo UBND TPHCM và Bộ Y tế về tình hình trên, cũng như đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo Chương trình tiêm chủng quốc gia phân bổ vaccine đủ theo số lượng đã đăng ký đảm bảo tiêm chủng cho người dân.

Trao đổi vấn đề này với KTSG Online vào chiều 13-9, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương thuộc Bộ Y tế, cho biết tình trạng thiếu vaccine bắt đầu từ tháng 8 vừa qua. Hiện nay, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã báo cáo Bộ Y tế và đang nỗ lực thực hiện các thủ tục để cung ứng kịp thời vaccine cho từng địa phương.

“Trong tuần tới hoặc chậm nhất là 2-3 tuần, vaccine sẽ được cung ứng đầy đủ trở lại để người dân có thể đi tiêm đúng lịch”, bà Hồng cho biết.

Trước câu hỏi liệu rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng hết hai loại vaccine trên là do quá trình mua sắm đấu thầu hay không, bà Hồng cho biết, đây là hai vaccine được sản xuất trong nước, cung ứng theo cách đặt hàng. Hiện nay, các nhà cung cấp đều có sẵn vaccine trong kho nhưng vaccine không thể tiến hành cung ứng do vướng mắc một số thủ tục theo quy định.

Tuy nhiên, bà Hồng không nói cụ thể về các vướng mắc trong quá trình mua vaccine như thế nào.

Trong nhiều tháng vừa qua, khu vực chờ tiêm vaccine của Viện Pasteur TPHCM chỉ lác đác, thậm chí có thời điểm vắng bóng người đến tiêm ngừa vì hết vacicne. Ảnh: Minh Thảo

Về quy trình cung ứng vaccine tại TPHCM, PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, cho biết Viện Pasteur là đơn vị tổng hợp nhu cầu sử dụng từng loại vaccine của các địa phương phía Nam, trong đó có TPHCM. Sau khi tổng hợp, đơn vị này gửi số lượng lên Chương trình tiêm chủng mở rộng thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương của Bộ Y tế. Căn cứ vào số lượng đăng ký của từng địa phương, Chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ phân bổ chuyển về Viện Pasteur để cung cấp cho các địa phương.

Trước đó, từ tháng 6-2022, Viện Pasteur TPHCM rơi vào tình trạng hết vaccine cho hoạt động tiêm dịch vụ. Cụ thể, các loại vaccine như viêm não Nhật Bản B, viêm não mô cầu, viêm phổi phế cầu, cảm cúm ho gà, bạch hầu, uốn ván, thủy đậu, sởi, quai bị, rubella … đã hết. Đối với các sinh phẩm xét nghiệm HIV; xét nghiệm tiểu đường, mỡ máu, thận, gan; viêm gan B, C… cũng trong tình trạng không còn.

Tình trạng này đã kéo dài trong nhiều tháng liền. Nguyên nhân là do đơn vị này đang vướng cơ chế ở khâu đấu thầu thiết bị, vật tư y tế. Ngày 13-9, khi người viết truy cập vào địa chỉ http://tiemchung.pasteurhcm.gov.vn/, theo bảng danh mục các loại vaccine tại Viện Pasteur TPHCM, hàng loạt vaccine trong tình trạng đã hết.

Theo Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế, lịch tiêm vaccine sởi đơn trong chương trình tiêm chủng mở rộng là 2 liều, liều thứ nhất cần bắt đầu sớm ngay khi trẻ đủ 9 tháng tuổi, liều thứ 2 khi trẻ được 18 tháng tuổi. Việc tiêm vaccine sởi đúng lịch, đầy đủ rất quan trọng. Nếu tiêm vaccine muộn, trẻ sẽ có nguy cơ rất cao bị mắc bệnh sởi trước khi được tiêm chủng.Vaccine DPT dành cho trẻ em từ 2 tháng tuổi trở lên. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để đạt hiệu quả tối đa, vaccine DPT nên được tiêm lúc trẻ 15-18 tháng tuổi (mũi nhắc lại) sau khi đã tiêm 3 mũi đầu là vaccine 5 trong 1 trong chương trình tiêm chủng mở rộng và cách mũi 3 ít nhất 9 tháng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới