Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

TPHCM: Kênh rạch tiếp tục bị ô nhiễm ở mức cao

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM: Kênh rạch tiếp tục bị ô nhiễm ở mức cao

Văn Nam

Kênh rạch ở TPHCM tiếp tục bị ô nhiễm ở mức cao - Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, nguồn nước kênh, rạch trên địa bàn thành phố vẫn tiếp tục bị ô nhiễm ở mức cao mặc dù thành phố đã có nhiều nỗ lực ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý ô nhiễm trong thời gian qua.

Theo kết quả quan trắc chất lượng môi trường mới đây của Sở Tài nguyên và Môi trường, tất cả các kênh rạch nội thành đều bị ô nhiễm hữu cơ và vi sinh ở mức cao, trong đó bị ô nhiễm nặng nhất là kênh Tân Hóa – Lò Gốm, kênh Tham Lương – Vàm Thuật.

Ô nhiễm nguồn nước đã lan tỏa ra khu vực ngoại thành và tồn tại trong thời gian khá dài vẫn chưa được xử lý dứt điểm như kênh Thầy Cai – An Hạ (Củ Chi), kênh B và kênh C (Bình Chánh), kênh Bà Búp, kênh Trần Quang Cơ (Hóc Môn) …

Riêng tại huyện Bình Chánh, nguồn nước của 50/55 tuyến kênh rạch trên địa bàn huyện đều bị ô nhiễm nặng, nước kênh có màu nâu đen, bốc mùi hôi nặng ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều người dân địa phương.

Điều dễ nhận thấy là mặc dù thành phố đã triển khai khá nhiều biện pháp, kế hoạch và thậm chí có cả những chiến lược dài hạn nhằm làm giảm ô nhiễm môi trường, thế nhưng tình hình đến nay vẫn chưa được cải thiện. Đặc biệt là vấn nạn ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm, ô nhiễm không khí, tiếng ồn, ô nhiễm chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại …

Kết quả quan trắc chất lượng nước tại các vị trí sử dụng cho mục đích cấp nước của hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai như trạm Bến Củi, Bến Súc, Thị Tính, Phú Cường và trạm Hóa An cho thấy các chỉ tiêu DO, dầu và coliform hầu hết đều không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt loại A.

Theo các chuyên gia môi trường, thành phố cần khắc phục ngay tình trạng xả thải gây ô nhiễm nguồn nước hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai vì nó có ý nghĩa sống còn đối với đời sống kinh tế, xã hội, đặc là quá trình phát triển bền vững của thành phố.

Theo ông Cao Tung Sơn, Phó phòng Quản lý môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường, TPHCM bắt đầu triển khai Chương trình bảo vệ môi trường đột phá giai đoạn 2011-2015. Theo đó, thành phố tiếp tục đề ra một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2015 như: 25% cơ sở sản xuất áp dụng giải pháp sản xuất sạch hơn (hiện nay chỉ khoảng 1%), 100% cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường được xử lý triệt để, 90% khu đô thị mới và 50% khu đô thị hiện hữu có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, 100% kênh rạch được nạo vét, khơi thông dòng chảy.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới