Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

TPHCM kỳ vọng giảm ngập úng với dự án thoát nước Tham Lương-Bến Cát

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM kỳ vọng giảm ngập úng với dự án thoát nước Tham Lương-Bến Cát

Văn Nam

(TBKTSG Online) - Sống chung với ngập úng khi mưa và triều cường là nỗi khó khăn của nhiều người dân TPHCM trong nhiều năm qua, đặc biệt các cư dân tại các quận 12, Gò Vấp và Bình Thạnh. Và các ngành chức năng của thành phố đang kỳ vọng tình trạng ngập úng sẽ được cải thiện khi ngân hàng ADB tài trợ 350 triệu đô la Mỹ cho dự án cải thiện hệ thống thoát nước mưa và nước thải lưu vực Tham Lương-Bến Cát.

TPHCM kỳ vọng giảm ngập úng với dự án thoát nước Tham Lương-Bến Cát
Tình trạng ngập úng vẫn còn là nỗi ám ảnh của người dân - Ảnh: Văn Nam

Theo thông tin từ Trung tâm Điều hành chống ngập TPHCM, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) thông báo sẵn sàng xem xét đầu tư tư án thoát nước mưa và nước thải tại hai lưu vực Tham Lương - Bến Cát và Tây Sài Gòn. Trong đó, ADB sẽ ưu tiên tài trợ giai đoạn 1 cho lưu vực Tham Lương - Bến Cát.

Để cải thiện tình trạng ngập úng lưu vực Tham Lương - Bến Cát cần phải được đầu tư các hạng mục (theo đề xuất của ADB) gồm: hai cống kiểm soát triều Vàm Thuật và cống Nước Lên, hệ thống cống bao quận Gò Vấp, hệ thống thu gom nước mưa, nước thải quận 12, Gò Vấp và Bình Thạnh, một đoạn kè dọc kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên từ cầu Tham Lương đến sông Sài Gòn. Tổng giá trị thực hiện các hạng mục này khoảng 350 triệu đô la Mỹ, tương đương khoảng 8.000 tỉ đồng.

Trên thực tế, đây là dự án chống ngập lớn mà Ngân hàng Thế Giới (WB) trước đây được TPHCM đưa vào danh mục dự án sử dụng vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) vào năm 2016. Tuy nhiên, sang năm 2017 WB đã đề xuất không đầu tư dự án bằng vốn của nhà tài trợ này nữa do những sự khác biệt về quan điểm giữa hai bên liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng.

Cần nói thêm, người dân sinh sống ven lưu vực Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên lâu nay vẫn còn chịu cảnh ngập úng khi mưa lớn, triều cường và cả ô nhiễm môi trường do nước thải lưu vực này hoàn toàn chưa được xử lý triệt để. Xét trên diện rộng hơn, những năm gần đây tác động của tình trạng biến đổi khí hậu nên mưa lớn bất thường kết hợp với triều cao do nước biển dâng gây ngập lụt cho nhiều khu vực của thành phố, đặc biệt là các khu vực chưa có công trình chống chịu với tác động biến đổi khí hậu như quận 12, Gò Vấp, Bình Thạnh, Nhà Bè, Bình Chánh ...

Về lâu dài, giai đoạn 2016-2020 thành phố cần khoảng gần 97.300 tỉ đồng cho các chương trình giảm ngập nước, ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Trong đó, các dự án đã có nguồn vốn và đang triển khai chiếm khoảng gần 23.000 tỉ đồng, còn lại khoảng 74.350 tỉ đồng được huy động từ vốn ngân sách thành phố, ngân sách trung ương và nguồn xã hội hóa.

Hiện nay, TPHCM còn hàng chục điểm ngập nặng và khi gần bước vào mùa mưa, người dân thành phố lại bắt đầu nơm nớp lo ngại về tình trạng ngập úng và trông chờ các dự án chống ngập sớm được triển khai và phát huy tác dụng.

Mời xem thêm:

Mưa đến, TPHCM chuẩn bị các dự án chống ngập

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới