Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM: Lao động mất việc tăng, hỗ trợ chưa có

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM: Lao động mất việc tăng, hỗ trợ chưa có

Công nhân tại một doanh nghiệp ở Bình Dương đình công đòi tăng lương hồi tháng 8-2008 – Ảnh: Văn Nam.

(TBKTSG Online) – Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động TPHCM thì từ ngày 1-2 đến thời điểm hiện tại, TPHCM có thêm 5.000 công nhân mất việc. Như vậy, từ cuối năm 2008 đến nay, TPHCM đã có 24.000 lao động mất việc. Trên thực tế, số liệu này vẫn chưa đầy đủ.

Chưa thống kê đầy đủ lượng công nhân mất việc

Tại cuộc họp chiều 9-3 về tình hình lao động mất việc, ông Trương Lâm Danh, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM cho biết, con số 5.000 lao động mất việc là chỉ mới thống kê trên 10 liên đoàn lao động quận, huyện. Ông Danh cũng cho biết thêm, dù liên đoàn đã ra quyết định yêu cầu liên đoàn lao động quận, huyện báo cáo lên mỗi tháng 2 lần, nhưng việc này chưa được thực hiện đầy đủ, vẫn còn 14 quận huyện chưa báo cáo số liệu này.

Về phía chủ tịch liên đoàn lao động các quận, huyện cho rằng họ chưa nắm được số liệu đầy đủ vì các doanh nghiệp trên địa bàn không thực hiện việc báo cáo.

Trong khi đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM chưa có một con số thống kê nào về việc công nhân bị mất việc đến nay. Theo bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng Lao động – Tiền lương – Tiền công thuộc sở, hiện tại số liệu tổng hợp được là do các doanh nghiệp báo cáo, hiện nay chưa có biện pháp chế tài nên nhiều doanh nghiệp đã không báo cáo như quy định. Con số mà sở có được là từ nguồn của Liên đoàn Lao động TPHCM.

Trước tình hình đó, ông Lê Thành Tâm, giám đốc sở trong cuộc họp chiều 9-3 đã yêu cầu phòng lao động- thương binh- xã hội các quận, huyện phải họp giao ban mỗi tháng 2 lần để sở nắm được tình hình lao động mất việc.

Tuy vậy, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, vì khi nhiều doanh nghiệp có lao động mất việc mà không báo cáo thì cả liên đoàn và sở lao động đều không nắm được.

Hỗ trợ lao động mất việc không dễ

Chính phủ vừa công bố quyết định hỗ trợ cho vay lãi suất 0% đối với doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế chưa có khả năng thanh toán tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội và tiền trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định cho người lao động bị mất việc làm.

Tuy vậy, theo ông Trương Lâm Danh, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM thì hiện nay chưa có thông tư hướng dẫn. Nhưng ông lo ngại tình trạng một số doanh nghiệp chưa có ý định sa thải công nhân, nhưng khi có quyết định này thì có thể họ quyết định sa thải khoảng 100 công nhân và tuyển mới để được hưởng mức vay. Bởi vì, các doanh nghiệp được hưởng chính sách này phải có số lao động giảm từ 30% trở lên hoặc giảm từ 100 lao động trở lên (không kể lao động thời vụ dưới 3 tháng).

Tương tự thế, nhiều doanh nghiệp có ý định sa thải dưới 100 công nhân nhưng để hưởng lợi từ quyết định hỗ trợ thì có thể sẽ sa thải đúng 100 công nhân.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận 12 cho biết tại Công ty Sin B – một doanh nghiệp của Hàn Quốc thuộc quận này, chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn từ trước tết, cho đến nay vẫn đang nợ lương công nhân là 200 triệu đồng. Toàn bộ máy móc, thiết bị, nhà xưởng của công ty này hoàn toàn là đi thuê của doanh nghiệp khác. Vì vậy, nếu quận tạm ứng kinh phí từ ngân sách ra để trả lương cho công nhân rồi theo như quyết định thì “nguồn tạm ứng từ ngân sách địa phương sẽ được hoàn trả từ nguồn thu khi thực hiện xử lý tài sản của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật”, nhưng với tài sản đi thuê như trên, địa phương chưa có cơ sở để tạm ứng ngân sách.

Bà Đoàn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Quản lý lao động của Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM (HEPZA) đề xuất, nên tạm thời trích 1% tiền bảo hiểm thất nghiệp của công nhân đã đóng từ đầu năm đến nay (tạm thời chưa phải trả cho đến đầu 2010) để hỗ trợ cho doanh nghiệp vì hiện nay ngân sách của địa phương không thể bù ngay được những khoản tiền lớn như thế.

Cơ quan quản lý vẫn lạc quan

Theo ông Lê Thành Tâm, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM, tình hình mất việc đến nay chưa thực sự nghiêm trọng, vì 78% lao động mất việc hiện đã có việc làm mới. Ông cho rằng, nhiều doanh nghiệp vẫn có đơn hàng đến tháng 6 nên tạm thời các công nhân mất việc sẽ vẫn có cơ hội tìm được việc làm.

Ông Tâm cũng nhấn mạnh rằng với số lượng lao động trên toàn thành phố là hơn 1,7 triệu người thì con số mất việc này còn rất nhỏ. “Không phải quá căng thẳng như báo chí đã nêu trong thời gian gần đây”, ông Tâm nói thêm.

Bà Đoàn Thị Thu Hà của HEPZA cho biết từ khi xảy ra suy thoái kinh tế đến nay tại các khu công nghiệp đã có 7.000 lao động mất việc, số lao động này thuộc 31 đơn vị, 6 đơn vị là doanh nghiệp trong nước, còn lại là doanh nghiệp nước ngoài. Bà cũng cho biết trong số này chỉ có 3 doanh nghiệp giải thể còn lại chỉ giảm công nhân. Trong số công nhân này thì một số đã có việc làm mới, số khác đã về quê.

Bà Hà nói thêm rằng, hiện nhiều doanh nghiệp đang cần lượng lao động là 12.000 người. Như vậy, số công nhân mất việc sẽ dễ dàng tìm được việc mới.

Điều bà băn khoăn là đa số công nhân mất việc đều là lao động phổ thông vì vậy, không phù hợp với nhu cầu của một số doanh nghiệp cần tuyển lao động tay nghề cao.

THANH THƯƠNG

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới