Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM lúng túng việc xử lý vi phạm Luật Lao động

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM lúng túng việc xử lý vi phạm Luật Lao động

Cuộc họp liên tịch các sở, ngành trực thuộc TPHCM, sáng 4-12, về việc tìm ra giải pháp tối ưu xử phạt các doanh nghiệp vi phạm Luật Lao động và nợ bảo hiểm xã hội vẫn chưa đạt được tính khả thi.

Theo Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TPHCM Cao Văn Sang, tình hình các doanh nghiệp vi phạm Luật Lao động, nợ bảo hiểm xã hội trong thời gian qua diễn ra phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi người lao động.

Thống kê mới nhất của bảo hiểm xã hội cho thấy, có 53 doanh nghiệp nước ngoài (đứng đầu là các doanh nghiệp Hàn Quốc) và 59 doanh nghiệp trong nước vi phạm Luật Lao động và nợ bảo hiểm xã hội kéo dài, chỉ có 50 % doanh nghiệp nộp bảo hiểm xã hội đúng hạn.

Bảo hiểm xã hội TPHCM đã khởi kiện 8 doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Sang thừa nhận sự bế tắc khi tiến hành giải quyết tranh chấp lao động cho công nhân.

Tại cuộc họp, Sở Kế hoạch-Đầu tư thừa nhận việc tước quyền sử dụng giấp phép hoạt động đối với các doanh nghiệp vi phạm kéo dài, không có khả năng thanh toán bảo hiểm xã hội hoặc cố tình vi phạm là vượt ngoài thẩm quyền của sở.

Lý do là Sở Kế hoạch-Đầu tư chỉ có quyền cấp giấy phép kinh doanh đầu tư, hơn nữa trong quyền hạn của mình, sở cũng không nắm được cụ thể hoạt động kinh doanh, hoạt động sử dụng lao động của các doanh nghiệp.

Sở Tư pháp kiến nghị cần hoàn thiện công tác thanh tra, đưa ra đầy đủ các yếu tố pháp lý, chứng minh được các doanh nghiệp vi phạm Luật Lao động như chiếm đoạt tài sản công nhân, nợ bảo hiểm xã hội kéo dài, khả năng không đủ quyết toán nợ bảo hiểm xã hội thì mới có thể đề nghị tòa án thành phố xử lý tiếp.

Ông Trương Lâm Danh, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM lưu ý đến việc cần tiến hành nhanh việc chốt sổ bảo hiểm xã hội và khiếu kiện. Khiếu kiện nhằm mục đích thu hồi tiền bảo hiểm xã hội, đi đến tuyên bố phá sản với các doanh nghiệp không còn khả năng hoạt động, từ đó phát mãi tài sản, trả lương cho công nhân.

Theo ông Nguyễn Văn Xê, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh-Xã hội, cần phân chia quyền hạn cụ thể hơn cho thanh tra lao động của sở. Trên thực tế, Sở Lao động, Thương binh-Xã hội không được quyền xử phạt các doanh nghiệp khi thanh tra thấy các họ đã vi phạm Luật Lao động.

Trên cơ sở cuộc họp sáng nay, Bảo hiểm xã hội TPHCM sẽ lấy ý kiến của các sở, hoàn thiện dự thảo và trình lên UBND TPHCM xem xét. Trước mắt, để bảo vệ quyền lợi của công nhân, cần có sự phối hợp liên ngành – liên sở, gia tăng khởi tố hình sự với các doanh nghiệp cố tình vi phạm Luật Lao động, chiếm đoạt 6 % bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ tiền lương công nhân hàng tháng nhưng lại không đóng cho Bảo hiểm xã hội Thành phố; hay với những doanh nghiệp không chấp hành bản án đã có hiệu lực thi hành của Tòa án TPHCM.

Bảo hiểm xã hội TPHCM kiến nghị UBND TPHCM thành lập quỹ hỗ trợ để tạm thời trả tiền cho công nhân thay cho các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội rồi sẽ thanh lý tài sản của các đơn vị đó, hoàn trả lại cho quỹ.

Theo TTXVN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới