(KTSG Online) - Tính đến ngày 23-6, tổng vốn đầu tư công được TPHCM giải ngân là 5.941,86 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 17% tổng kế hoạch vốn giao (31.943,64 tỉ đồng). Đây là con số thấp nhất trong nhiều năm qua.
- Giải ngân vốn đầu tư công: ‘rót’ nhiều, nhưng sử dụng chưa được bao nhiêu
- Vì sao TPHCM mới chỉ giải ngân hơn 4.300 tỉ trong tổng số vốn đầu tư công gần 45.000 tỉ đồng?
Thông tin trên được đại diện UBND TPHCM đưa ra trong buổi họp về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 vào ngày 29-6.
Trong năm 2022, UBND TPHCM đã giao và phân bổ chi tiết số kế hoạch vốn là 31.943,64 tỉ đồng (vốn ngân sách trung ương là 2.479,64 tỉ đồng, vốn ngân sách địa phương hơn 29.464 tỉ đồng).
Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước TPHCM cung cấp, tính đến ngày 23-6, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 của thành phố mới giải ngân được 5.941,86 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 17% tổng kế hoạch vốn giao (31.943,64 tỉ đồng).
UBND thành phố khẳng định việc phân bổ và giao kế hoạch đầu tư công năm 2022 theo đúng quy định Luật Đầu tư công và các quy định liên quan.
Bà Lê Thị Quỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, cho biết có nhiều khó khăn và vướng mắc khiến tỷ lệ giải ngân đầu tư công năm 2022 chưa nhiều so với các năm trước đây. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2021, việc tái khởi động thi công các dự án các tháng đầu năm 2022 có độ trễ nhất định sau thời gian thành phố thực hiện ứng phó dịch bệnh, chi phí đầu vào không ổn định và có xu hướng tăng... khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp.
Ngoài các nguyên nhân khách quan như dịch bệnh Covid-19, giá nguyên vật liệu đầu vào, chuỗi cung ứng, thị trường tiêu thụ, khó khăn vướng mắc về thực hiện các quy định về đầu tư công, về sử dụng vốn ODA..., những nguyên nhân chủ quan như các khó khăn liên quan công tác giải phóng mặt bằng, cần phải có thời gian thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án muộn hơn so với cùng kỳ... cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của các cơ quan, đơn vị.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, UBND TPHCM đã ban hành chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Theo đó, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp mang tính thường xuyên, đặc thù của công tác giải ngân vốn đầu tư công cho các cơ quan thực hiện, đảm bảo tối đa hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công của thành phố.
Lãnh đạo thành phố cũng chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công để kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần thiết nhằm nâng cao sức cạnh tranh, hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội khác.
Song song đó, các đơn vị cần phải tổ chức rà soát, kiểm tra tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công định kỳ hằng tháng để đánh giá kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công; lắng nghe và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị để đảm bảo dự án triển khai đúng thời gian, không để xảy ra tình trạng “ngâm” vốn phải điều chỉnh thời gian thực hiện dự án.
Đồng thời tăng cường cải tiến hệ thống quản lý đầu tư công, bổ sung và tích hợp các tính năng giám sát tiến độ thực hiện dự án, liên thông với các cơ quan quản lý tài chính như Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước thành phố để cập nhật kịp thời kết quả giải ngân vốn đầu tư công.
Đầu tư nước ngoài vào TPHCM đạt 2,18 tỉ đô la Mỹ Theo báo cáo của UBND TPHCM, trong 6 tháng đầu năm, tính chung cả vốn đăng ký đầu tư và vốn góp, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, thành phố đã thu hút được 2,18 tỉ đô la Mỹ, tăng 60,07% so với cùng kỳ. Trong đó, các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 291 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 223,75 triệu đô la Mỹ (tăng 5,43% số dự án cấp mới, giảm 1,28% về vốn đầu tư so với cùng kỳ). TPHCM cũng chấp thuận cho 1.105 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với vốn góp đăng ký tương đương 583,11 triệu đô la Mỹ, tăng 9,62% về số trường hợp so với cùng kỳ, giảm 15,12% về vốn so với cùng kỳ. |
Như GPMB metro 2, đang làm ồ ạt giờ đứng ngắc vì hết tiền, chính những hộ còn lại chịu thiệt rất nhiều vì giá nhà lên tiền trượt giá, thiệt họ lại không chịu đi xin kiện cáo còn thiệt hại kinh nữa.