TPHCM: Ngập trong triều cường
Mạnh Tùng - Thành Hoa
![]() |
Tối ngày 10-10, đoạn đường dưới chân cầu Thủ Thiêm giao nhau với đường Lương Định Của bị ngập nặng khiến các phương tiện giao thông di chuyển rất khó khăn . Ảnh: Mạnh Tùng |
(TBKTSG Online) - Chiều tối hôm nay ngày 10-10, triều cường đã gây ngập trên nhiều tuyến đường và các điểm trũng sâu trên địa bàn TPHCM
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn, triều cường vùng hạ lưu sông Sài Gòn – Đồng Nai còn tiếp tục lên trong 1-2 ngày nữa, cùng với lượng xả từ các hồ chứa thượng nguồn dẫn đến tình trạng ngập úng trên địa bàn TPHCM trong những ngày qua và sẽ tiếp tục ngập trong hai ngày cuối tuần 11-10 và 12 -10.
Theo bà Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, theo kinh nghiệm dân gian “Mười bảy nước nhảy khỏi bờ”, ngày 17 tháng Chín Âm lịch, tức hôm nay 10-10, triều cường sẽ đạt đỉnh cao nhất.
Do đó, hôm nay, tại nhiều điểm ngập trên địa bàn TPHCM tại các quận Bình Thạnh, Tân Phú, Bình Tân, quận 2, quận 6, quận 8,…xảy ra tình trạng ngập úng nặng. Bà Lan cho hay, trong hai ngày 11-10 và 12-10, đỉnh triều sẽ xuống rất chậm do đó trong hai ngày cuối tuần này, ngập úng vẫn xảy ra nhưng với mức độ thấp hơn so với những ngày trước.
Theo ghi nhận, vào lúc 19 giờ hôm nay 10-10, triều cường dâng cao gây ngập sâu nhiều tuyến đường và các khu dân cư ở các quận thường xuyên xảy ra ngập úng tại TPHCM. Tại quận 2, chỗ giao nhau giữa đường dẫn lên cầu Thủ Thiêm với đường Lương Định Của bị ngập nặng khiến các phương tiện giao thông di chuyển rất khó khăn, nhiều xe còn bị chết máy khiến người dân phải dắt bộ. Tại quận 1, đại lộ Võ Văn Kiệt cũng bị ngập nhiều chỗ.
Dự báo, vào thứ hai đầu tuần sau ngày 13-10, triều cường sẽ rút nhanh và tình hình ngập nước mới được ổn định. Cũng theo bà Lan, từ nay đến cuối năm 2014 sẽ còn một đợt triều cường lớn tương tự diễn ra vào tháng 11.
Theo bản tin mới nhất từ Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước đỉnh triều cao nhất tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) và trạm Nhà Bè (kênh Đồng Điền) có khả năng lên mức 1,65 m (cao hơn mức báo động 3 khoảng 0,15m).
Còn tại Thủ Dầu Một (sông Sài Gòn) đỉnh triều có khả năng vượt báo động 3 từ 0,20 – 0,25m, tại Biên Hòa (sông Đồng Nai) lên mức xấp xỉ báo động 3. Cũng theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ đỉnh triều cao nhất trong ngày xuất hiện vào buổi chiều từ 17 – 19 giờ, đỉnh triều buổi sáng ở mức thấp hơn, xuất hiện từ 5 – 7 giờ.
Dưới đây là một số hình ảnh về tình trạng ngập úng trên địa bàn TPHCM trong đợt triều cường này:
![]() |
Trên đoạn đường Võ Văn Kiệt nước ngập nhiều đoạn kéo dài từ quận 2 đến quận Bình Chánh, ngập sâu nhất là đoạn giao giữa Vỗ Văn Kiệt và Hồ Học Lãm quận Bình Chánh. Ảnh: Thành Hoa |
![]() |
Dưới chân cầu Thủ Thiêm phía quận 2 ngập nặng khiến tình hình giao thông khá hỗn loạn vào tối nay 10-10. Ảnh: Mạnh Tùng |
![]() |
Xe chết máy và người dân phải dắt bộ. Ảnh: Mạnh Tùng |
![]() |
Trước đó, triều cường kết hợp với mưa lớn đã gây ngập trên nhiều tuyến đường của TPHCM vào chiều tối ngày 9-10. Trong ảnh là một tuyến đường tại quận 8. Ảnh: Mạnh Tùng |
![]() |
Đường Lương Định Của, Quận 2 ngập sâu trong nước. Ảnh: Thành Hoa |
|
Nhiều khu dân cư phải chịu cảnh sống chung với nước như phường Phú Thuận, đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, Bình Thạnh... Ảnh: Thành Hoa |