TPHCM: Nhiều làng nghề truyền thống mất dần
Quỳnh Vân – Phan Hân
![]() |
Một gia đình còn làm nhang ở quận 6, TPHCM. Ảnh: Vân Hân |
(TBKTSG Online) – Hiện TPHCM có 65 ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, tập trung ở 19 làng nghề. Tuy nhiên một số làng nghề nổi tiếng một thời nay chỉ còn lại những cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ như làng nghề làm nhang ở Quận 6, Bình Chánh hay làng nem ở Thủ Đức.
Từng được mệnh danh là lò nhang thủ công lớn nhất thành phố Hồ Chí Minh, lò nhang Q.6 (đoạn từ Phường Tân Tạo A đến Tân Tạo B, Q.Bình Tân) nay còn rải rác vài hộ sản xuất nhang riêng lẻ.
Việc cơ giới hóa là nguyên nhân khiến các hộ sản xuất nhanh theo cách truyền thống không cạnh tranh được. Hiện một số hộ sản xuất nhang đã đầu tư máy móc sản xuất nhang tự động, vì thế, chỉ cần vài công nhân có thể sản xuất được một lượng nhanh gấp chục lần làm bằng thủ công.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, chị Nguyễn Thị Trân, công nhân cơ sở sản xuất nhang ở số 500 Tỉnh lộ 10, P. Tân Tạo, Q. Bình Tân cho biết, mỗi ngày tại cơ sở này 10 nhân công điều khiển máy làm nhang tự động, sản xuất được khoảng 100kg/ ngày, năng suất cao hơn làm thủ công rất nhiều.
Nguyên liệu làm nhang được nhập từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Giá sản xuất nhang vào dịp cận Tết không thay đổi, trung bình mỗi bó nhang lời 5.000 đồng/ bó nhang thường và 10.000-20.000 đồng/ bó nhang cao cấp.
![]() |
Làm nem tại cơ sở nem Bà Chín, làng nem Thủ Đức. Ảnh: cơ sở cung cấp. |
Cũng như làng nhang Quận 6, làng nem Thủ Đức nổi tiếng một thời trên những tuyến đường Lê Văn Ninh, Dương Văn Cam phường Linh Tây và trung tâm là chợ Thủ Đức hiện nay chỉ còn lại hai, ba cơ sở sản xuất nem và phải kết hợp thêm các dịch vụ ăn uống khác như bán bánh mì nem nướng hay bún nem nướng.
Ông Lê Nguyên Hùng, chuyên viên kỹ thuật và kinh doanh của cơ sở nem Bà Chín, Thủ Đức cho biết, làng nem Thủ Đức tồn tại lâu năm từ khi khu vực có tên gọi Thủ Đức. Một thời khu vực này là điểm dừng chân nổi tiếng được giới thiệu trong các chương trình du lịch TPHCM.
“Bây giờ những con đường bán nem ngày xưa nay là các cửa hàng vật liệu xây dựng và đại lý xe Honda. Các cơ sở sản xuất nem nổi tiếng lâu năm như Sáu Trọc, Tư Hiếu, Thuỷ Trúc nay không còn tồn tại nữa”, ông Hùng nói.
Một nguyên nhân khác theo ông Hùng, do các hộ kinh doanh sản xuất nem thủ công khó cạnh tranh nổi với các công ty thực phẩm đông lạnh sử dụng dây chuyền máy móc hiện đại, trung bình một mẻ quết được 40 -50 kg thịt, gấp 10 lần một mẻ thịt quết bằng tay.
Theo thông tin từ dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện bảo tồn và phát triển làng nghề tại TP.HCM giai đoạn 2013-2015, định hướng 2020, thì trong thời gian qua, các cơ sở sản xuất tại các làng nghề gặp khó khăn về thực hiện chính sách về mặt bằng sản xuất, nguồn vốn tín dụng ( thủ tục, hạn mức cho vay thấp, yêu cầu phải có tài sản thế chấp…). Bên cạnh đó, phát triển làng nghề vẫn mang tính tự phát, sử dụng công nghệ lạc hậu, trên 80% các cơ sở không đủ vốn đầu tư đổi mới kỹ thuật, mở rộng tư duy sản xuất. Đó chính là lý do khiến nhiều làng nghề không còn chỗ đứng.
Vì vậy, dự thảo này cũng đã đề ra lộ trình cụ thể để khôi phục một số làng nghề. Như trong giai đoạn 2013-2015 sẽ ưu tiên phát triển 4 làng nghề truyền thống nhưng không có khả năng phát triển độc lập như làng nghề đan lát Thái Mỹ (Củ Chi), làng nghề đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn (Hóc Môn), làng nghề se nhang Lê Minh Xuân (Bình Chánh), làng nghề muối Lý Nhơn (Cần Giờ). Riêng làng nghề muối Lý Nhơn sẽ bảo tồn và phát triển theo hướng kết hợp du lịch sinh thái và đa dạng hóa sản phẩm muối đã qua chế biến.