(KTSG Online) - TPHCM đã nới lỏng các biện pháp giãn cách khi cho phép một số loại hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh (có giấy phép đăng ký kinh doanh) hoạt động từ 16-9. Tuy nhiên, sau khi đánh giá tình hình thực thực tế sản xuất thì kế hoạch trở lại của nhiều doanh nghiệp vẫn chưa được triển khai.
- TPHCM cho mở lại một số dịch vụ từ ngày 16-9
- Ứng dụng xe công nghệ đồng loạt nhận giao hàng liên quận
Trong ngày đầu tiên TPHCM cho phép các doanh nghiệp hoạt động trở lại, nhiều doanh nghiệp sản xuất vẫn chưa sẵn sàng vì nhiều khó khăn trước mắt.
Đối với các quán ăn, tuy được hoạt động trở lại nhưng phải theo phương án “3 tại chỗ” và chỉ bán mang đi thông qua đặt hàng trực tuyến; giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận có ứng dụng công nghệ... Đây được xem là những giải pháp có phần “mở cửa” nhưng các cơ sở này vẫn gặp khó khăn.
Một số chuỗi F&B (mô hình kinh doanh ăn uống theo chuỗi) cho rằng họ đều đang bị lỗ khi phải gánh quá nhiều chi phí. Ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống TPHCM đã dừng hoạt động kinh doanh đến nay là hơn hai tháng, khiến dòng tiền của doanh nghiệp đang cạn kiệt dần. Trong thời gian đóng cửa, các doanh nghiệp vẫn phải gánh chịu các chi phí như tiền thuê mặt bằng, chi phí hỗ trợ và phúc lợi cho người lao động.
Đại diện Starbucks thì bày tỏ quan ngại trước quy định “3 tại chỗ” đối với nhân viên tại các cửa hàng. Starbucks vẫn đang chờ thêm hướng dẫn cụ thể mới có thể đánh giá khả năng sẵn sàng mở cửa.
Cũng trong tình cảnh tương tự, nhiều chuỗi F&B khác như Highlands Coffee, Waynes Coffee, The Coffee House, Vua Cua... đã chọn giải pháp tiếp tục nghe ngóng. Ngoài chi phí hoạt động thì chuỗi cung ứng hàng hóa chưa ổn định cũng là lý do khiến cho kế hoạch trở lại của nhiều doanh nghiệp bị trì hoãn.
Không chỉ các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm, hôm nay cũng là ngày đầu tiên các công trình xây dựng được bổ sung vào các loại hình được hoạt động trở lại. Tuy vậy hầu hết các doanh nghiệp thi công vẫn chờ hướng dẫn rõ ràng hơn từ các địa phương như phường, quận nơi có công trình. Nếu công trình nằm trong một dự án lớn thì cần sự thống nhất của chủ đầu tư mới có thể thực hiện.
Theo ông Lê Vũ Đài, Giám đốc công ty TNHH Xây dựng P’ Décor, doanh nghiệp vẫn khó hoạt động trở lại trong vài ngày tới bởi các nhà cung cấp nguyên vật liệu chưa thực sự hoạt động đầy đủ. Tình hình vận chuyển cũng khó khăn, giá thành vật tư và phí vận chuyển tăng lên… Nếu có khởi động lại cần phải làm rõ hơn với chính quyền của từng quận, phường để việc di chuyển thật sự an toàn và đạt hiệu quả. Vì thế, tạm thời doanh nghiệp vẫn chờ có những hướng dẫn cụ thể để vận hành sản xuất kinh doanh được liền mạch.
Vấn đề thiếu hụt nhân sự của doanh nghiệp là một trong những khó khăn lớn nhất khi hoạt động trở lại sau thời gian giãn cách. Theo ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, doanh nghiệp nào cũng muốn chuẩn bị kế hoạch để khôi phục sản xuất càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên tình hình thực tế là lực lượng lao động đang sứt mẻ nghiêm trọng khiến cho việc trở lại đúng với kế hoạch không đơn giản.
Sau một thời gian làm việc theo mô hình “3 tại chỗ”, tâm lý của người lao động đang có phần dao động. Để duy trì sự ổn định, doanh nghiệp đã tăng phúc lợi để giữ chân lao động hoạt động trong thời điểm này. Hiện tại TPHCM nới lỏng cho nhiều doanh nghiệp hoạt động, nhưng để trở lại một cách bình thường rất khó bởi nguồn nhân lực không đủ để đáp ứng sản xuất trong ngày một ngày hai.
"Đây không còn là vẫn đề trước mắt mà doanh nghiệp cần tính toán kỹ nêu không muốn rơi vào trạng thái khủng hoảng trong dài hạn”, ông Thiện cho hay.
Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng hết tháng 9 này khi các giải pháp chống dịch được nới lỏng thêm một bước nữa sẽ có cơ hội nhiều hơn để họ trở lại một cách an toàn. Đây là thời điểm doanh nghiệp cần nghe ngóng và rà soát lại nội tại của doanh nghiệp để có thể trở lại vào đầu tháng sau.
Ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc công ty may mặc Dony, cho biết hiện doanh nghiệp cũng chỉ duy trì một lượng nhân công vừa đủ để hoạt động “3 tại chỗ” nhằm tránh đền hợp đồng cho các đơn hàng nhận trước đây. Bộ phận nhân sự đang phải rà soát số lượng nhân công còn ở lại thành phố bao nhiêu, tỷ lệ đã được tiêm vaccine thế nào? Từ đó công ty mới lên phương án cụ thể, bao gồm quy định chi tiết để bảo đảm an toàn khi doanh nghiệp hoạt động trở lại.
“Doanh nghiệp muốn hoạt động trở lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố trong đó kết nối lại với chuỗi cung ứng là rất quan trọng. Vì vậy muốn trở lại sớm, ngoài việc chủ động nguồn nhân lực thì việc kết nối với đối tác ứng nguyên vật liệu cần được đẩy nhanh”, ông Quang Anh cho hay.
Làm gì cũng phải có phương án cho công nhân đi làm liền chứ thất nghiệp mấy tháng nay. Công ty thì không đủ khả năng, kéo dài vậy chắc chết.