Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

TPHCM sẽ ‘chữa trị’ cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, sợ sai ra sao?

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Lãnh đạo TPHCM thừa nhận rằng có tình trạng lo ngại trong thực hiện công vụ của một bộ phận cán bộ công chức, viên chức. Thành phố sẽ có chỉ thị để "chữa trị" cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, sợ sai.

Tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm theo đại diện các bộ ngành cũng xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Không những lo ngại mà còn sâu hơn là co cụm, cầu an, thận trọng quá mức trong việc xử lý các công việc chung.

Các ý kiến cho rằng cần "giải phóng" tư tưởng với cán bộ; đồng thời kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo sớm hoàn thiện các khung pháp lý để cán bộ công chức yên tâm trong thực hiện công vụ.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi báo cáo tại cuộc họp, trong đó thừa nhận có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức của TPHCM sợ trách nhiệm, sợ sai. Ảnh: VGP

Thông tin trên được ghi nhận tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế – xã hội thành phố vào ngày 16-4 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã báo cáo với Thường trực Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố cũng như những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại.

Bên cạnh những vấn đề đạt được và tăng trưởng, ông Mãi cũng nêu ra những vấn đề còn hạn chế, chưa đạt được, trong đó đáng chú ý là tổng sản phẩm quí 1 trên địa bàn thành phố (GRDP) tăng thập, ước tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chủ tịch Phan Văn Mãi nhìn nhận kết quả tăng trưởng quí 1 thấp có sự tác động của các nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Đó là sự trì trệ của hệ thống hành chính, những động lực tăng trưởng, phát triển của thành phố vốn đã bị suy giảm những năm qua lại tiếp tục bị bào mòn rất lớn sau đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, có nhiều vướng mắc, phát sinh trong đại dịch chưa được giải quyết triệt để cũng như chịu ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực từ tình hình thế giới…

Theo ông Mãi, các sở, ban, ngành còn chậm, thiếu đồng bộ trong triển khai thực hiện, cơ chế đánh giá hiệu quả thực thi nhiệm vụ của các đơn vị chưa rõ ràng, chưa tạo động lực thúc đẩy thực thi nhiệm vụ.

Đáng chú ý, về công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, Chủ tịch Phan Văn Mãi thừa nhận với Thủ tướng Chính phủ, tình trạng lo ngại trong thực hiện công vụ của một bộ phận cán bộ công chức, viên chức là có thật.

Theo người đứng đầu Chính quyền thành phố, một bộ phận lãnh đạo công chức, viên chức chưa thực sự tích cực trong công việc, thiếu tính chủ động, sáng tạo, thiếu quyết tâm cao trong thực thi công vụ.

Theo ông Phan Văn Mãi, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ có chỉ thị về nội dung này, đồng thời kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo sớm hoàn thiện các khung pháp lý để cán bộ công chức yên tâm trong thực hiện công vụ theo hướng vừa chống tham nhũng hiệu quả đồng thời cũng kiến tạo môi trường phát triển.

Tại buổi lảm việc, các ý kiến của đại diện các Bộ ngành cũng cho rằng có tình trạng cán bộ công chức e dè trong thực thi công vụ.

Cụ thể Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đồng tình với nhận định của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi. Theo ông Thăng, đây là vấn đề tồn tại rất lớn và đề nghị TPHCM khẩn trương có chỉ thị để tháo gỡ.

Tương tự, Thứ trưởng Bộ Công an, ông Lê Quốc Hùng, thực tế hiện nay, không chỉ ở TPHCM mà cả nước có tình trạng lo ngại, e dè trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ trưởng Hùng cho rằng, có tình trạng co cụm, cầu an, thận trọng quá mức trong điều hành, xử lý công việc chung. Đáng chú ý, có những việc thuộc thẩm quyền giải quyết nhưng quá thận trọng, không dám quyết nên phải lấy ý kiến rất nhiều cơ quan có chức năng.

“Tình trạng trên không thể đổ lỗi cho việc xử lý mạnh tay các vụ việc, vụ án vừa qua, cũng như không có việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế, hành chính, dân sự. Việc xử lý các vụ việc, vụ án vừa qua như một bài thuốc điều trị cho tình trạng trên”, Thứ trưởng Bộ Công an nói.

Tương tự, tại buổi làm việc, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cũng cho rằng việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thành phố để thúc đẩy tăng trưởng là quan trọng nhất thời điểm hiện tại. Bộ trưởng đề xuất 4 vấn đề mà Thành ủy, UBND TPHCM cần sớm giải quyết để thúc đẩy tăng trưởng.

Trong đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, vấn đề quan trọng hàng đầu của TPHCM cũng như một số địa phương là phải giải phóng được tư tưởng cho cán bộ lãnh đạo và những người thực thi. Và theo Thứ trưởng Dung, muốn làm được điều này, làm sao phải khắc phục được tư tưởng thụ động, không dám làm.

Theo Bộ trưởng, tư tưởng thụ động của một bộ phận cán bộ hiện nay thể hiện ở "3 không": không nói, không tham mưu đề xuất và không triển khai hoặc triển khai cầm chừng, vừa làm vừa nghe ngóng.

Ông cho rằng muốn khắc phục được vấn đề này, ngoài quán triệt chủ trương còn phải có cơ chế, quy định và tạo môi trường an toàn cho cán bộ làm việc.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, hiện Chính phủ giao Bộ Nội vụ xây dựng dự thảo nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, năng động sáng tạo. Và theo ông, đây là nghị định rất phức tạp, liên quan đến rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực, các vị trí cán bộ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới