(KTSG Online) - Bộ Chính trị nhấn mạnh việc ban hành chính sách, pháp luật vượt trội, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để TPHCM phát huy tính năng động sáng tạo, tiên phong đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở, hành lang pháp lý đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh, bền vững cho thành phố.
Đây là nội dung chính tại hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tổ chức tại TPHCM ngày 16-1.
Theo TTXVN đưa tin, nghị quyết lần này đề cập đến việc ban hành chính sách pháp luật vượt trội, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, phát huy tính năng động sáng tạo vì lợi ích chung của TPHCM, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thành phố khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh huy động mọi nguồn lực, đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh và bền vững của thành phố.
Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng lưu ý đến việc hoàn thiện thể chế chính sách về đô thị, đặc biệt chính quyền đô thị, sửa đổi bổ sung các luật, nghị quyết có liên quan để bảo đảm tính thống nhất đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý thực hiện và giám sát thực hiện Nghị quyết 31. Đồng thời đề nghị TPHCM phân cấp, phân quyền cho các đơn vị trực thuộc, chẳng hạn như thành phố Thủ Đức.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, TPHCM sẽ tập trung vào công tác quy hoạch, phải đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn, phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo không gian và động lực phát triển mới, ổn định, lâu dài cho thành phố. Trước mắt là lập Quy hoạch TPHCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Khi đã có quy hoạch chi tiết, TPHCM sẽ cụ thể hóa từng bước và triển khai nghị quyết với tinh thần, việc nào thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của thành phố thì quyết tâm làm, việc nào vượt thẩm quyền sẽ chủ động đề xuất, phối hợp và đeo bám để sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Bí thư Thành ủy khẳng định quyết tâm phấn đấu xây dựng TPHCM xứng đáng với vị thế, vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.