(KTSG Online) - Dự kiến có 440 trụ sở các cơ quan, đơn vị tại TPHCM được lắp đặt điện mặt trời mái nhà với công suất khoảng 43 MWp, tổng mức đầu tư khoảng 650 tỉ đồng.
- Bộ Công Thương đề xuất cơ chế hỗ trợ cho điện mặt trời mái nhà ‘tự sản tự tiêu’
- Bình Dương tạm dừng quy định xin phép xây dựng với hệ thống điện mặt trời mái nhà
Lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại trụ sở các cơ quan, đơn vị là một trong những chính sách theo Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh.
Baochinhphu.vn dẫn thông tin tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn chiều 16-5, Sở Công Thương TPHCM cho biết, dự kiến số trụ sở các cơ quan, đơn vị sẽ được lắp đặt điện mặt trời mái nhà là 440 với tổng công suất lắp đặt khoảng 43,312 MWp, tổng mức đầu tư khoảng 650 tỉ đồng.
Trong đó, có 65 trụ sở các đơn vị quân đội với tổng công suất 5,4 MWp; 72 trụ sở các đơn vị công an với tổng công suất 6,5 MWp; 57 trụ sở bệnh viện trọng điểm với tổng công suất 9,6 MWp; 246 trụ sở các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và các đơn vị khác với công suất 21,8 MWp.
Thời gian thu hồi vốn hệ thống điện mặt trời mái nhà khoảng 5-7 năm, thông qua việc giảm chi phí chi thường xuyên để thanh toán tiền điện của các cơ quan, đơn vị. Đối chiếu với tuổi thọ hệ thống pin khoảng trên 20 năm thì việc đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Trong thời gian qua, hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt thí điểm tại trụ sở một số cơ quan nhà nước ở TPHCM.
Sở Công Thương lắp đặt hệ thống công suất 21 Kwp; chi phí đầu tư 550 triệu đồng vào năm 2020. Trong hai năm 2021 và 2022, trung bình mỗi năm tiết kiệm được 130 triệu đồng tiền điện.
Hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại trụ sở UBND quận 3 có công suất hệ thống 31 kWp; chi phí đầu tư khoảng 750 triệu đồng. Trung bình mỗi năm, tiền điện tiết kiệm được khoảng 93 triệu đồng.