(KTSG Online) - Từ đây đến năm 2025, TPHCM sẽ tập trung vào giải quyết những vướng mắc về quỹ đất, ưu tiên bố trí vốn và kêu gọi đầu tư để xây dựng thêm 4.500 phòng học, hướng đến đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học.
- Sáng kiến Trường học thông minh thích ứng biến đổi khí hậu đi vào thực tế
- TPHCM: Hơn 1,7 triệu học sinh khai giảng năm học mới, nhiều trường học được khánh thành
Đây là nội dung của đề án xây dựng 4.500 phòng học vừa được UBND TPHCM phê duyệt, theo TTXVN. Với tốc độ tăng dân số như hiện nay, thành phố cần tăng thêm khoảng 1.000 phòng học mỗi năm. Vì thế, UBND thành phố đánh giá, việc xây mới 4.500 phòng học là rất cần thiết.
Qua rà soát, tổng nhu cầu đề xuất đầu tư từ ngân sách giai đoạn 2023-2025 gồm 277 dự án với xây mới hơn 5.900 phòng học. Mức đầu tư khoảng hơn 32.200 tỉ đồng. Các dự án được chia thành 3 nhóm với những giải pháp phù hợp để thuận lợi và đảm bảo tính khả thi khi thực hiện.
Nhóm 1 là các công trình trường học đã có trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025, thuận lợi về thủ tục hồ sơ. Nhóm này gồm 118 dự án với hơn 2.870 phòng học. Thành phố sẽ bố trí vốn kịp thời để thúc đẩy tiến độ thi công, hoàn thành công trình và đưa vào sử dụng.
Nhóm 2 là các công trình trường học mới, có tính khả thi cao (chưa được đưa vào kế hoạch trung hạn). Nhóm này gồm 76 dự án, với hơn 1.350 phòng học xây dựng mới, thuận lợi về pháp lý đất đai, quy hoạch. Theo đó, các sở, ban, ngành và địa phương phối hợp bổ sung vào kế hoạch trung hạn; thúc đẩy tiến độ thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư theo quy định để kịp triển khai khởi công trong năm 2024, hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2025.
Nhóm 3 có 83 dự án với khoảng 1.700 phòng học. Đây là các công trình trường học thuận lợi về pháp lý đất đai nhưng còn vướng một số nội dung liên quan về quy hoạch đô thị.
Cùng với đầu tư công, thành phố dự kiến có 110 dự án với quy mô gần 2.640 phòng học (vốn dự kiến hơn 541.000 tỉ đồng), được huy động nguồn vốn từ việc kêu gọi xã hội hóa thông qua hình thức đối tác công-tư (PPP), vay kích cầu, kêu gọi đầu tư xã hội hóa.
TPHCM hiện có hơn 50.650 phòng học thông thường từ cấp mầm non đến trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt với hơn 2,1 triệu học sinh, học viên. địa phương đã đạt 294 phòng học/10.000 dân.
Trước đó, giai đoạn 2016-2020, thành phố có 721 dự án lĩnh vực giáo dục được thông qua chủ trương đầu tư, quy mô gần 13.700 phòng học. Tuy nhiên, mới chỉ 415 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng với gần 7.500 phòng học. Từ năm 2021-2023, thành phố xây dựng được thêm gần 2.350 phòng học.