(KTSG Online) - TPHCM đặt mục tiêu từ nay tới năm 2030 xây thêm khoảng 107,5 triệu m2 nhà ở, diện tích nhà ở bình quân của thành phố sẽ đạt 26,5 m2/người. Nguồn vốn cho phát triển nhà ở dự kiến được huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và hộ gia đình có nhu cầu về nhà ở.
- Phát triển nhà ở xã hội nhìn từ kinh nghiệm của Singapore và Anh
- Còn nhiều vướng mắc khiến nhà ở cho công nhân vẫn khó khăn
Cần 1,52 triệu tỉ đồng để xây thêm 10,7 triệu m2 nhà ở
Đó là một trong nhưng nội dung của Dự thảo chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021 - 2030 mà UBND TPHCM vừa gửi lấy ý kiến Bộ Xây dựng trước khi trình HĐND thông qua thời gian tới.
Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2025, dân số TPHCM khoảng 10,25 triệu người, cần phát triển thêm khoảng 50 triệu m2 sàn nhà ở, tương đương khoảng 367.000 căn nhà. Qua đó, nâng tỷ lệ diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố năm 2025 lên mức 23,5 m2/người.
Trong 5 năm tiếp theo từ 2026 - 2030, khi dân số tăng lên 11,29 triệu người, TPHCM sẽ xây dựng thêm khoảng 57,5 triệu m2 nhà ở để đáp ứng nhu cầu ở của người dân và nâng diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố đạt 26,5 m2/người.
Về loại hình nhà ở, trong giai đoạn 2021 - 2025, TPHCM dự kiến phát triển thêm khoảng 40,7 triệu m2 nhà ở thấp tầng trong dự án, nhà ở riêng lẻ hộ gia đình, và khoảng 9,3 triệu m2 chung cư cao tầng. Trong 5 năm tiếp theo sẽ xây dựng thêm 44,7 triệu m2 nhà ở thấp tầng trong dự án, nhà ở riêng lẻ hộ gia đình, và khoảng 12,8 triệu m2 chung cư cao tầng.
Cũng theo tính toán của Sở Xây dựng TPHCM, nguồn lực để thực hiện các dự án nhà ở trong chiến lược phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021 - 2030 là rất lớn, khoảng 1,52 triệu tỉ đồng.
Trong đó, vốn xây dựng nhà ở thương mại giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 239.750 tỉ đồng; vốn xây dựng nhà ở riêng lẻ, hộ gia đình, cá nhân 289.530 tỉ đồng; vốn xây dựng nhà ở xã hội khoảng 37.700 tỉ đồng. Tương tự, vốn cho các loại hình nhà ở này trong giai đoạn 2026 - 2030 lần lượt là 464.400 tỉ đồng, 406.100 tỉ đồng và 86.400 tỉ đồng.
Nguồn vốn cho phát triển nhà ở của TPHCM dự kiến được huy động từ các nguồn như vốn tự có của doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, vốn tích lũy của hộ gia đình và các nguồn khác. Riêng phần vốn phát triển nhà ở xã hội chủ yếu được huy động từ nguồn xã hội hóa của doanh nghiệp, tín dụng ưu đãi và khoảng 10% từ ngân sách của thành phố.
Giai đoạn 2021 - 2030, TPHCM dự kiến dành khoảng 12.410 tỉ đồng để xây dựng nhà ở xã hội. Về quỹ đất cho phát triển nhà ở, TPHCM dự báo tổng nhu cầu diện tích đất để phát triển nhà ở của thành phố 10 năm tới khoảng 5.239 hecta, trong đó đất cho xây dựng nhà ở thương mại khoảng 4.788 hecta, nhu cầu đất xây nhà ở xã hội khoảng 451 hecta.
Phát triển nhà ở "bám theo" các trục giao thông công cộng
Để xây dựng hàng trăm triệu mét vuông nhà ở, đáp ứng nhu cầu chỗ ở của người dân trong 10 năm tới, TPHCM đã đưa ra một loạt định hướng lớn. Đó là, phát triển nhà ở gắn với phát triển đô thị, đảm bảo đầu tư phát triển đô thị đồng bộ, hiện đại, phát triển đa dạng loại hình nhà ở về giá cả, vị trí, diện tích.
Trong đó, đẩy mạnh phát triển nhà chung cư, tăng hệ số sử dụng đất quanh khu vực các ga metro để tận dụng hạ tầng, tăng tỷ trọng nhà ở cho thuê để đáp ứng nhu cầu của đối tượng thu nhập thấp. Phát triển đa dạng về hình thức thanh toán như thuê, thuê mua, mua, ưu tiên các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhà ở cho thuê, nhà ở giá thấp, giá rẻ.
Tại khu vực trung tâm và nội thành hiện hữu, TPHCM sẽ tập trung phát triển nhà ở chung cư cao tầng trong giai đoạn 2021 - 2030, đồng thời phát triển hạ tầng phù hợp với quy mô của dự án để đảm bảo không quá tải lên hạ tầng đô thị. Tập trung phát triển nhà ở theo dự án tại khu vực nội thành quận 7, quận 12, quận Bình Tân và thành phố Thủ Đức.
Bên cạnh đó, TPHCM sẽ từng bước phát triển hạ tầng ở khu vực ngoại thành để tạo lập các quỹ đất phát triển dự án nhà ở giá rẻ có hạ tầng đồng bộ, phục vụ số đông người lao động dịch cư đến thành phố.
TPHCM cũng đặt mục tiêu cải thiện chỉnh trang khu dân cư hiện hữu, thực hiện xây dựng lại các chung cư cũ, di dời nhà ở ven và trên kênh rạch, xây dựng nhà ở lưu trú cho công nhân. Với quỹ đất ven hai bờ kênh rạch, thành phố sẽ dành tối thiểu 20% quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ kênh rạch để xây dựng công trình dịch vụ, công viên chuyên đề. Hoặc, thành phố cho phép chuyển đổi chức năng sử dụng đất thành chức năng thương mại dịch vụ, phục vụ du lịch nhằm tạo nguồn lực để khai thác hiệu quả cảnh quan, môi trường dọc ven sông, tạo nguồn thu ngân sách.
Thành phố dự kiến cũng ban hành cơ chế ưu đãi riêng về phát triển nhà ở theo hướng từng bước chuyển đổi từ mô hình nhà ở thấp tầng sang nhà ở cao tầng hiện đại. Khuyến khích phát triển các loại hình nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở cho thuê. Quy hoạch quỹ đất để xây dựng nhà ở. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chấp thuận chủ trương, cho phép đầu tư, thẩm định thiết kế cơ sở, giao đất, cấp phép xây dựng.