Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

TPHCM sẽ xây thêm 4 cầu vượt để giảm kẹt xe

Minh Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Để giảm kẹt xe, TPHCM dự kiến xây cầu vượt tại ngã bảy Lý Thái Tổ, ngã sáu Nguyễn Tri Phương, nút giao Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị và nút giao quốc lộ 1 - đường số 7 - đường số 18 trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Tổng vốn đầu tư các dự án trên hơn 1.600 tỉ đồng (400 tỉ đồng mỗi dự án), được thực hiện bằng ngân sách của thành phố. Trong ảnh là vị trí các nút giao thông được đề xuất xây cầu vượt để giảm tình trạng ùn tắc giao thông.
Ngã sáu Nguyễn Tri Phương là nơi giao nhau của 3 con đường gồm Nguyễn Tri Phương, Ngô Gia Tự và Nguyễn Chí Thanh, tạo nên sáu ngã rẽ. Vòng xoay này nằm ở ranh giới hành chính giữa quận 5 với quận 10 nên có lượng xe đi qua đông.
Chính giữa vòng xoay đặt tượng đài An Dương Vương tay cầm nỏ. Phần cột có kiến trúc Hy Lạp và La Mã cổ, bên dưới là bốn bức tượng con nghê hướng nhìn ra các tuyến đường xung quanh.
Ngành giao thông thành phố dự kiến chi 400 tỉ đồng để xây cầu vượt và nhánh rẽ để giảm kẹt xe. Trước đó, giai đoạn 2018-2020, TPHCM có kế hoạch xây cầu vượt thép tại đây nhưng chưa triển khai. Hiện giao thông tại đây được tổ chức di chuyển theo nhịp đèn giao thông khi xe từ đường nhập vào vòng xoay.
Cách ngã sáu Nguyễn Tri Phương 1km là ngã bảy Lý Thái Tổ. Đây là nơi là nơi tiếp giáp các quận 1, 3, 5, 10 và giao nhau của đường Điện Biên Phủ - Ngô Gia Tự - Lý Thái Tổ - Lê Hồng Phong. Vòng xoay này được đề xuất xây cầu vượt và các nhánh rẽ với kinh phí 400 tỉ đồng để hạn chế tình trạng giao cắt giữa các luồng xe.
Là nơi xe nhập vào rồi tỏa đi các hướng nên giao thông tại ngã bảy Lý Thái Tổ khá hỗn loạn vào giờ cao điểm.
Sở GTVT đánh giá việc xây thêm cầu vượt, hầm chui là cần thiết nhằm tăng năng lực giao thông cho khu vực này.
Ngoài 2 vòng xoay ở nội đô, Sở GTVT cũng đề xuất sớm xây cầu vượt dài 500m, quy mô 2-4 làn xe, hai chiều theo hướng đường Nguyễn Oanh băng qua đường Phan Văn Trị, nhằm giảm kẹt ở nút giao Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị, quận Gò Vấp. Còn tại nút giao quốc lộ 1 - đường số 7-8 (quận Bình Tân) sở này cũng đề xuất 2 phương án xây cầu vượt hoặc hầm chui, dài khoảng 400m, rộng 2-4 làn, hai chiều theo đường số 7-8. Trong ảnh là nút giao Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị.
Đến nay, TPHCM đã xây 9 cầu vượt thép ở các nút giao gồm: ngã tư Thủ Đức; Hàng Xanh; Lăng Cha Cả; nút giao Nguyễn Tri Phương - Ba Tháng Hai - Lý Thái Tổ; Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám; vòng xoay Cây Gõ; ngã sáu Gò Vấp; vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám; cầu vượt đường Trường Sơn vào sân bay Tân Sơn Nhất.

4 BÌNH LUẬN

  1. Để tiết kiệm chi phí phải xây kiểu linh động hoặc phải thiết kế đèn giao thông linh động thì sẽ hiệu quả hơn. Tôi thấy nhiều khu vực có cầu vượt mà không làm giảm kẹt thật phí phạm.

  2. Cầu vượt 3/2 và nguyễn tri phương có giảm kẹt xe đâu? Sáng nào kẹt từ 8h00 đến 9h chiều từ 16h30 đến 18h. Tôi thấy kẹt xe ở đây là do phân luồng gt c và đền tín hiệu, thay vì xây cầu thì nghiên cứu phân luồng và mở rộng vòng xoay.

  3. Cầu vượt Nguyễn Thai Sơn- Nguyễn Kiệm- Hoàng Minh Giám cũng không giải quyết nạn kẹt xe. Tôi đề nghị đèn giao thông phân luồng là tốt nhất. Xây cầu vượt vừa xấu thành phố mà không hiệu quả. Không kẹt chỗ vòng xoay cũng kẹt chỗ đường thoát?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới