Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

TPHCM tăng tốc đón đầu phát triển kinh tế tuần hoàn

N.Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và đô thị hóa trong khi quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn vẫn còn khá chậm. Nhận thức được vấn đề này, trong vài năm gần đây TPHCM đã liên tục có nhiều động thái thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, đón đầu cơ hội khi Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, dự kiến sẽ được ban hành trong năm nay.

Khu đô thị Celadon City (quận Tân Phú, TPHCM) được xây dựng theo mô hình bất động sản xanh, bền vững. Ảnh: Gamuda Land.

Trong những năm gần đây, các nước trên thế giới đang quan tâm hơn đến mô hình kinh tế tuần hoàn. Qua trận đại dịch Covid-19 từ năm 2020, các quốc gia cũng nhìn nhận nghiêm túc hơn yêu cầu phát triển bền vững, tăng cường mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế và sức chống chịu của chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh này, kinh tế tuần hoàn được nhìn nhận là một hướng đi quan trọng.

TPHCM chủ động thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn

UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch tổ chức Diễn đàn kinh tế TPHCM lần thứ 4, năm 2023 chủ đề “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải bằng không” vào tháng 7 tới. Diễn đàn là dịp để lãnh đạo thành phố và các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức, các doanh nghiệp trong và ngoài nước về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trao đổi, thảo luận nhằm nâng cao nhận thức về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển kinh tế bền vững.

Cũng tại đây, dự kiến, lãnh đạo thành phố và các doanh nghiệp trong nước và quốc tế cùng các chuyên gia, tổ chức quốc tế sẽ có buổi gặp gỡ để trao đổi về nhu cầu và khả năng đáp ứng để giải quyết các vấn đề để phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển xanh bền vững của thành phố, kết hợp kêu gọi đầu tư. Một trong những trọng tâm thảo luận là xu hướng phát triển tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn đối với các siêu đô thị như TPHCM.

Dù đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Tình trạng này ngày càng nghiêm trọng đối với nguồn cung tài nguyên, đất đai, lượng chất thải lớn, an ninh môi trường và an ninh nguồn nước bị đe doạ.

Những thách thức này trở nên phức tạp hơn khi mà Việt Nam đang tiếp tục quá trình gia tăng dân số và đô thị hóa, quá trình công nghiệp hóa còn chậm chuyển đổi từ cách tiếp cận kinh tế tuyến tính truyền thống. Nhận thức được vấn đề này, chính quyền TPHCM đã có nhiều bước chuẩn bị để đón đầu cơ hội phát triển kinh tế tuần hoàn trong khi chờ Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, dự kiến sẽ được Chính phủ ban hành trong năm 2023.

Từ giữa năm 2020, Đại học quốc gia TPHCM đã thành lập Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED) nhằm góp phần thúc đẩy quá trình chuyển từ mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn.

ICED là viện kinh tế tuần hoàn đầu tiên của Việt Nam với nhiệm vụ cung cấp kiến thức và giải pháp về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chính sách để phát triển mô hình này trên nền tảng hệ sinh thái Doanh nghiệp - Chính phủ - Đại học. ICED được kỳ vọng sẽ là trung tâm chuyển giao công nghệ, tư vấn giải pháp và chính sách về phát triển bền vững cho Chính phủ, doanh nghiệp, địa phương.

Mới đây, vào cuối tháng 5-2023, UBND TPHCM đã phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Kế hoạch đặt ra nhiều mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Kế hoạch đề ra các mục tiêu cụ thể gồm nâng cao nhận thức, trình độ các bên liên quan trong việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn; hình thành ý thức của người dân về sử dụng sản phẩm tái chế hoặc thân thiện môi trường; tăng cường nhận thức, sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với mô hình kinh tế tuần hoàn.

Thành phố cũng xác định các ngành, lĩnh vực ưu tiên và phương thức tiếp cận để xây dựng mô hình và lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn trên địa bàn.

TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2025, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương so với giai đoạn trước đây; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.

Kế hoạch cũng đặt ra mục tiêu ít nhất 80% chất thải chăn nuôi và 60% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường để giảm thiểu lượng carbon trong quá trình sản xuất.

Việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học để tạo nền tảng công nghệ cho nền kinh tế tuần hoàn ở các lĩnh vực ưu tiên và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn cũng được đặt ra trong kế hoạch này (*).

TPHCM đang hướng tới chuyển đổi khu công nghiệp Hiệp Phước theo mô hình khu công nghiệp sinh thái. Trong ảnh là một khu công nghiệp sinh thái ở Hải Phòng. Ảnh minh hoạ: tuyengiao.vn

Luật hoá cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn

Vào giữa năm 2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Tuy nhiên, để tạo dựng sức sống cho các chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn thì cách tiếp cận tuần tự, truyền thống là không đủ. Bối cảnh phục hồi kinh tế cần có thêm động lực từ chính nỗ lực thúc đẩy phục hồi xanh.

Để sớm cụ thể hóa các định hướng này, Chính phủ đã giao Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn. Theo lịch trình, trong quí 2 này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Chính phủ Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn. Đây là bước tiếp theo trong việc hiện thực hóa Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 687/QĐ-TTg vào tháng 6-2022.

Dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn đề xuất 7 nội dung chính sách, bao gồm chính sách khu công nghiệp, khu kinh tế; phân loại xanh; chính sách ưu đãi thuế; chính sách tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ; chính sách tín dụng xanh, trái phiếu xanh; chính sách đào tạo lao động và chính sách đất đai.

Mục tiêu xây dựng Nghị định quy định cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn để các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm sớm thử nghiệm các ý tưởng, sáng kiến kinh tế tuần hoàn, đồng thời đóng góp vào quá trình chuyển đổi xanh, phục hồi xanh ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, việc tổng kết thi hành nghị định sẽ tạo điều kiện cho việc hoàn thiện khung khổ pháp lý cho kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam (**).

Kinh tế tuần hoàn khác với kinh tế tuyến tính ra sao?

Mô hình kinh tế tuyến tính chỉ dựa trên nền tảng Lấy (Take), Tạo ra (Make) - Vứt bỏ (Disposal) đã khiến loài người đối diện với thách thức về nguồn tài nguyên hữu hạn đang cạn kiệt, môi trường tự nhiên đang bị tàn phá bởi lượng rác thải khổng lồ và phải mất hàng trăm năm mới tiêu hủy hoàn toàn, sức khỏe con người đang bị đe dọa do môi trường sống như nguồn nước, không khí… bị xuống cấp trầm trọng.

Khái niệm Kinh tế tuần hoàn được sử dụng chính thức đầu tiên bởi Pearce và Turner vào năm 1990. Khái niệm này được dùng để chỉ mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác” theo một chu trình khép kín, hoàn toàn khác với mô hình tuần tự và kết thúc bằng rác thải của nền kinh tế tuyến tính truyền thống.

Nói một cách đơn giản, kinh tế tuần hoàn là biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác hay tuần hoàn trong nội tại bản thân của một doanh nghiệp. Kinh tế tuần hoàn một phần góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

(Nguồn: ICED)

------------------

(*) https://vpub.hochiminhcity.gov.vn/portal/pages/2023-1-13/Ke-hoach-phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-tren-dia-ban9kui7fzyerlq.aspx

(**) https://baochinhphu.vn/de-xuat-co-che-thu-nghiem-phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-102230313103706199.htm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới