TPHCM: Thêm nhiều trường mầm non nhận trẻ từ 6 tháng tuổi
Thái Ngọc
Ông Trịnh Ngọc Thạch, phát biểu tại buổi làm việc sáng nay. Ảnh: Thái Ngọc |
(TBKTSG Online) - Bắt đầu từ năm học 2014 - 2015, TPHCM sẽ cho thí điểm việc giữ trẻ từ 6 tháng tuổi tại một số trường ở các quận 7, 12, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân và các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè.
Những nội dung này được UBND TPHCM đưa ra trong buổi làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vào sáng ngày 18-8.
Những năm trước đa phần các trường mầm non công chỉ nhận trẻ nhỏ nhất từ 13 tháng tuổi trở lên. Chỉ có 18 trường mầm non ngoài công lập nhận giữ trẻ từ 6 tháng tuổi.
Sở Giáo dục và Đào tạo quy đinh ở độ tuổi từ 6 – 18 tháng tuổi, 15 em sẽ có một cô giáo. Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Kim Thanh, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, trong độ tuổi này nhiều trường báo về chưa đủ số lượng các bé theo quy định. Bà Thanh thừa nhận, cái khó của các trường công chưa thu hút được cha mẹ có con nhỏ trong độ tuổi đến trường, do trường công đóng cửa sớm, trong khi đa số các bậc cha mẹ đi làm thường sau 17 giờ chiều mới hết buổi làm.
Và để chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho các cháu mẫu giáo, từ năm học 2014 – 2015, tại các trường công lập của TPHCM mỗi lớp ngoài hai giáo viên giảng dạy sẽ có thêm giáo thêm giáo viên chăm sóc sức khỏe. Và cũng từ năm học mới này giáo viên ngành mầm non mới ra trường được tuyển vào các trường công trong năm đầu sẽ được phụ cấp 100% lương, năm thứ hai xuống còn 70%, .
Toàn TPHCM hiện có 912 trường mầm non, trong đó số trường công lập có 419 trường (chiếm chưa đến phân nữa). Ngoài ra thành phố còn có 58 trường mầm non có yếu tố nước ngoài (do nước ngoài đầu tư, hoặc giảng dạy theo chương trình nước ngoài).
Tuy nhiên toàn thành phố vẫn còn có 11 phường chưa có trường mầm non công lập. Trong số này có ba phường không thể có quỹ đất để xây dựng trường. Trong khi đó quy định của thành phố mỗi phường phải có một trường mầm non.
Tổng số học sinh ở tuổi mầm non toàn thành phố có hơn 331 nghìn em. Các trường lớp công lập của thành phố chỉ đáp ứng gần 49% tổng số trẻ, còn lại do các trường ngoài công lập đảm nhiệm. TP.HCM là địa phương có tỷ lệ trường ngoài công lập, lớn nhất cả nước. Tổng số giáo viên, nhân viên làm việc trong ngành mầm non của thành phố hơn 36 ngàn người.
Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết thêm: Mỗi năm thành phố dành 1.400 tỷ đồng ngân sách cho giáo dục. Quyết định 38/2013, ban hành ngày 23-9-2-13 của thành phố cho các dự án xây dựng trường không kể công lập hay dân lập được vay 70% tổng vốn đầu tư. Và trong vòng tối đa 7 năm chủ đầu tư không trả lãi suất vay. Cần thay đổi không nên gọi những tổ chức, cá nhân đầu tư vào giáo dục là những công ty, doanh nghiệp để họ nhận được ưu đãi về các chính sách thuế.
Cũng theo ông Thuận, thành phố đang kiến nghị giảm tiền thuê đất xuống 50% với các trường ở vùng nội thành và miễn tiền thuê đất ở khu vực ngoại thành. Và do điều kiện đặt thù của TP.HCM nên đang đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo giảm một số tiêu chí để thành phố có được trường được công nhận chuẩn quốc gia.
Ông Trịnh Ngọc Thạch, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã đánh giá cao quyền tự chủ của ngành giáo dục TP.HCM. Chính quyền thành phố đã rất kịp thời tháo gỡ những vướng mắc qua nghị quyết của đảng bộ. Và là địa phương ít kêu ca nhiều về những khó khăn của giáo dục hiện nay. Các địa phương khác cần học tập kinh nghiệm này của TP.HCM.
Đọc thêm: