(KTSG Online) - Năm 2022, công tác thi hành án dân sự, thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế tăng mạnh so với năm 2021, trong đó TPHCM thu hơn 14.700 tỉ đồng.
- ‘Trị liệu’ chây ì trong thi hành án hành chính: dù khó vẫn phải làm
- Vì sao nhiều án dân sự khó thi hành, kéo dài?
Chiều 19-12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2023. Đáng chú ý, công tác thi hành án và thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế của TPHCM đạt tỷ lệ rất cao: Cục Thi hành án dân sự TPHCM thu hồi được 13.200 tỉ đồng năm 2020; năm 2021, trên 3.000 tỉ đồng; và đặc biệt năm 2022 thu hơn 14.700 tỉ đồng, chiếm gần như tuyệt đối trong 16.000 tỉ đồng của cả hệ thống thi hành án.
Dẫn nguồn TTXVN, quyền Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TPHCM Nguyễn Văn Hòa cho biết, hiện Luật Thi hành án dân sự chỉ quy định về việc xử lý tài sản đặc thù, trong khi hiện nay phát sinh vấn đề vốn góp là tài sản hình thành trong tương lai lại chưa có quy định, nên xử lý hết sức khó khăn.
Ngoài ra, các đối tượng phạm tội ngày càng tinh vi, sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại để che giấu hành vi, mở các tài khoản ở nước ngoài, chuyển tiền mua bất động sản ở nước ngoài khá nhiều song chưa có cơ chế hợp tác quốc tế sâu rộng để giải quyết thu hồi tài sản trong các trường hợp này.
Đây là những vướng mắc mới trong quá trình thi hành án dân sự nhiều vụ đại án, nếu được Chính phủ, Bộ Tư pháp điều chỉnh, bổ sung bằng các văn bản dưới luật và triển khai ngay, sẽ giúp công tác thi hành án và thu hồi tài sản do phạm tội mà có hiệu quả hơn, nhanh chóng hơn, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.