(KTSG Online) - Theo ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TPHCM, cùng với sự xuất hiện những biến thể phụ mới của virus Omicron và dịch sốt xuất huyết, TPHCM tiếp tục đứng trước nhiều khó khăn như nguy cơ dịch chồng dịch, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và biến động nguồn nhân lực ngành y.
- Thiếu thuốc điều trị, bệnh nhân phải mua thuốc với giá cao gấp đôi
- Tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc: Giao quyền cho bệnh viện tự quyết
- Hơn 5 tháng cạn kiệt vaccine sởi, Sở Y tế TPHCM lo ngại nguy cơ bùng phát dịch
Tại phiên họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 vào ngày 6-11, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TPHCM, nêu ra một số khó khăn về nguồn cung các loại vaccine của thành phố đang thiếu hụt nghiêm trọng. Theo đó, từ tháng 5-2022 đến nay, tình hình cung ứng vaccine tiêm chủng mở rộng (TCMR) từ chương trình tiêm chủng quốc gia bị gián đoạn.
Cụ thể, vaccine sởi và bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT) đã ngừng cấp từ tháng 5 nên hiện nay TPHCM không còn hai loại vaccine này. Các loại vaccine sởi - rubella (MR) đã hết từ ngày 6-10; vaccine viêm não Nhật Bản (VNNB) và bại liệt uống (bOPV) hết từ cuối tháng 10; vaccine lao và DPT-VGB-Hib (SII) dự kiến hết từ giữa tháng 12-2022.
Theo ông Đức, Sở Y tế TPHCM đã có văn bản số 4415 ngày 29-6 về việc báo cáo tình hình cung ứng vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại thành phố và Công văn số 5542 ngày 12-8 về tình hình cung ứng vaccine sởi và DPT gửi đến Bộ Y tế nhưng chưa nhận được văn bản phản hồi của Bộ Y tế.
Ngoài ra, Sở Y tế TPHCM đã kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, yêu cầu Bộ Y tế sớm cung ứng đầy đủ các vaccine thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng, đã được quy định tại Thông tư 38/2018/TT-BYT ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vaccine sinh phẩm y tế bắt buộc.
Phó chủ tịch UBND TPHCM cũng nêu thực trạng, nếu tình trạng gián đoạn cung ứng vaccine vẫn tiếp diễn có thể xảy ra một số dịch bệnh nguy hiểm trên trẻ nhỏ như sởi, bạch hầu, ho gà... Trong đó, sởi là dịch bệnh có nguy cơ xảy ra cao nhất và sớm nhất, vì theo ghi nhận của ngành y tế, dịch sởi ở nước ta thường xảy ra 4 năm 1 lần. Dịch sởi gần nhất là từ tháng 10-2018 và kéo dài đến hết tháng 5-2019.
Trước việc gián đoạn nguồn cung vaccine từ Bộ Y tế, ông Đức cho biết, thành phố phải triển khai nhiều giải pháp tạm thời nhằm khắc phục tình trạng trên như chỉ đạo Sở Y tế TPHCM hướng dẫn các trạm y tế lập danh sách trẻ chưa được tiêm chủng để sẵn sàng mời tiêm ngay khi có vaccine; hướng dẫn chỉ định tiêm sởi - rubella (MR) của TCMR cho những trẻ đã đủ 12 tháng mà chưa được tiêm mũi sởi 1. Nhân viên y tế có thể tư vấn cho cha mẹ đưa trẻ đi tiêm vaccine dịch vụ (có trả phí) nếu gia đình có điều kiện...
Bên cạnh đó, với sự xuất hiện những biến thể phụ mới của virus Omicron gây bệnh Covid và dịch sốt xuất huyết, TPHCM tiếp tục đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nguy cơ dịch chồng dịch; nguy cơ thiếu thuốc, vật tư y tế; biến động nguồn nhân lực y tế.
Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế sớm cung cấp vaccine cho TPHCM và đề xuất với Bộ Y tế, thay vì báo cáo hàng ngày với bộ về tình hình phòng chống dịch bệnh thì TPHCM báo cáo theo tuần hoặc theo tháng.
Trước đó, tại buổi họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và nhiệm vụ, giải pháp tháng 11-2022 vào ngày 1-11, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết trong lúc ngành y tế đang đề xuất các giải pháp để giữ chân nhân viên y tế thì số nhân sự nghỉ việc tiếp tục tăng cao. Trong số 1.200 nhân viên y tế nghỉ việc thì một bộ phận chuyển sang công tác tại cơ sở y tế tư nhân, và nhiều người đã nghỉ hẳn công việc liên quan đến y tế để chuyển sang lĩnh vực khác.
Ngoài ra, việc gián đoạn vaccine chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn thành phố là vấn đề đáng lo ngại. Hiện nay đã hơn 5 tháng, vaccine sởi vẫn chưa có nên trong thời gian sắp tới, nguy cơ rất cao là dịch sởi sẽ bùng phát. Lãnh đạo Sở Y tế thành phố bày tỏ mong muốn sớm có vaccine để tiến hành tiêm chủng cho trẻ em.