(KTSG Online) - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM vừa gửi văn bản kiến nghị UBND TPHCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, hướng dẫn lập dự án thu phí ô tô vào trung tâm sau đề xuất của Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong (ITD) hồi tháng 10-2021.
- TPHCM tính chuyện cấm xe khách vào khu trung tâm
- Sở GTVT không đồng ý tạm ngưng thu phí đậu ô tô dưới lòng đường
Sở GTVT đánh giá dự án thu phí xe là cần thiết cho việc hạn chế xe ô tô nhằm làm giảm kẹt xe cho khu vực trung tâm thành phố.
Về dự án thu phí xe ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố, tháng 10-2021, ITD đề xuất lắp các trạm thu phí tại quận 1, 3 và giáp ranh quận 5, 10. Vành đai thu phí bao gồm các tuyến đường Hoàng Sa (dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè) – Nguyễn Phúc Nguyên giao với Cách Mạng Tháng Tám – Ba Tháng Hai – Lê Hồng Phong – Lý Thái Tổ – Nguyễn Văn Cừ – Võ Văn Kiệt – Tôn Đức Thắng.
Dự án có tổng mức đầu tư 2.274 tỉ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BLT (xây dựng – chuyển giao – thuê dịch vụ). Trong đó, đầu tư ban đầu khoảng 478 tỉ đồng, gần 1.800 tỉ đồng cho vận hành trong 10 năm sau.
ITD đề xuất thời gian thu dự kiến áp dụng trong các khung giờ cao điểm từ 6 giờ đến 9 giờ và 15 giờ đến 19 giờ, mức phí thấp nhất 40.000 đồng cho ô tô con và 70.000 đồng với xe tải, xe khách, bao gồm cả ô tô biển xanh.
Taxi đăng ký tại TPHCM sẽ được giảm phí, tạm tính 20.000 đồng mỗi xe. Xe buýt cùng các loại phương tiện thuộc nhóm ưu tiên như cứu hoả, cứu thương được miễn phí.
Hồi tháng 6-2022, Sở Kế hoạch và đầu tư TPHCM (KHĐT) đề nghị Sở GTVT căn cứ quy định hiện hành về hình thức PPP, tham khảo ý kiến của các bộ ngành liên quan để xem xét, cân nhắc việc đề xuất áp dụng đầu tư dự án theo phương thức PPP.
Do đó, Sở GTVT kiến nghị UBND TPHCM giao Sở KHĐT nghiên cứu quy định liên quan, chủ động làm việc với nhà đầu tư về đề xuất dự án. Khi có kết quả, Sở KHĐT báo cáo và tham mưu UBND TPHCM văn bản trả lời đề xuất cho nhà đầu tư; đồng thời tham mưu hình thức đầu tư hệ thống thu phí phù hợp với quy định hiện hành.
Dẫu biết là kẹt xe tắc đường ai cũng khổ, dẫu biết chính quyền đang tìm cách xử lý nhưng không thể vì vậy mà có thể xâm phạm quyền cơ bản của người dân. Mọi người đều đóng thuế, đều đóng góp cho xây dựng đất nước, thì phải được hưởng các tiện ích công cộng là đường xá, giao thông, không bị hạn chế đi lại theo kiểu phân biệt vùng miền, ngăn sông cấm chợ hay bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ xã hội. Quyền đi vào hoặc đi qua các con đường nhà nước làm từ của cải toàn dân, ngoại trừ các đường cao tốc có thu phí để đi nhanh hơn thì đều phải được tiếp cận như nhau, không được phép người này thì thu phí người kia không thu.
Giải pháp duy nhất là quy hoạch khoa học hợp lý và thực hiện đúng quy hoạch, không để các nhóm lợi ích hay tham nhũng làm méo mó điều chỉnh phá vỡ quy hoạch. Tại các khu quá tải chắc chắn là do quy hoạch không hợp lý hoặc bị phá vỡ vì lợi ích nhóm. Bài học đường Lê Văn Lương là phần nổi của tảng băng “quy hoạch vì lợi ích nhóm”. Những kẻ giàu có tầng lớp trên của xã hội dùng tiền phá vỡ quy hoạch để bán bất động sản trung tâm với giá trên trời, sau đó lại dùng tiền để vận động lấy ngân sách xây sửa hạ tầng, làm đề án xây trạm thu phí kiếm trác thêm nữa, lại càng giàu nữa, chế độ càng thối nát nữa …