Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TPHCM: Trồng dưa lưới “công nghệ cao”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TPHCM: Trồng dưa lưới “công nghệ cao”

Chí Thịnh

TPHCM: Trồng dưa lưới “công nghệ cao”
Ông Từ Minh Thiện, Phó ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM đang trình bày về việc ứng dụng CNTT trong nông nghiệp. Ảnh: Chí Thịnh

(TBKTSG Online) – Dự án trồng dưa lưới công nghệ cao do Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) phối hợp cùng Công ty cổ phần Global CyberSoft (GCS) thực hiện tại Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM (AHTP) đã bước sang mùa thu hoạch thứ hai và hứa hẹn sẽ được triển khai ở các thửa ruộng ngoài trời trong thời gian tới.

Ngày 5-7, QTSC, Ban quản lý AHTP và Công ty GCS đã phối hợp tổ chức hội thảo “Ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp – SmartAgri” tại Khu nông nghiệp công nghệ cao, Củ Chi, TPHCM. Tại hội thảo, ban tổ chức đã trình bày mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao với hệ thống quản lý SmartAgri đang triển khai tại AHTP.

Ông Từ Minh Thiện, Phó ban quản lý AHTP cho biết việc áp dụng công nghệ cao  trong lĩnh vực nông nghiệp là nhằm nâng cao năng suất, tự động hóa quy trình trồng trọt, lập kế hoạch, dự báo nhu cầu thị trường… Đồng thời, nhờ sự hỗ trợ của hệ thống dự đoán và cảnh báo sớm (ứng dụng CNTT), người nông dân cũng sẽ được cung cấp thông tin về dự báo thời tiết, phòng tránh thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai…

Từ cuối năm ngoái đến nay, AHTP đã triển khai 8 nhà màng, được trang bị đầy đủ các thiết bị hỗ trợ, cảm biến ghi nhận dữ liệu và điều khiển mọi hoạt động chăm sóc các luống dưa lưới. Hệ thống trồng trọt, chăm sóc dưa lưới hầu như được vận hành hoàn toàn tự động từ điều khiển ánh sáng, nhiệt độ, tưới nước, làm mát… và có thể điều khiển từ xa. AHTP đã thu hoạch được vụ mùa thứ hai cho các luống dưa lưới được ứng dụng giải pháp SmartAgri.

SmartAgri là hệ thống phần mềm được xây dựng bởi các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc AHTP và được phát triển bởi Công ty GCS (Việt Nam) trên nền tảng các công nghệ mới bao gồm Internet kết nối vạn vật (IoT), Phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics), và triển khai trên nền tảng điện toán đám mây (Cloud Computing) của QTSC. Hệ thống này được dùng để quản lý sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ giai đoạn ươm mầm, xuống giống đến thu hoạch và bảo quản theo quy trình chuẩn.

Đại diện AHTP cũng cho biết thêm trong tương lai, AHTP sẽ cùng với QTSC, GCS hướng tới triển khai ứng dụng CNTT, áp dụng hệ thống quản lý SmartAgri cho những thửa đất canh tác ở ngoài trời, chứ không chỉ dừng lại ở các nhà màng như hiện nay.

Theo Ban quản lý dự án trồng nông sản công nghệ cao tại AHTP, các nông trại, nông dân… có đủ điều kiện để tham gia sử dụng thử nghiệm hệ thống quản lý SmartAgri có thể đăng ký và được cung cấp giải pháp miễn phí (sử dụng thử) trong thời gian tới.

Về cơ bản, khi ứng dụng CNTT trong nông nghiệp, người nông dân, các nông trại… sẽ có cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh qua việc tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và tối giản chi phí sản xuất. Họ cũng sẽ quản lý quá trình sản xuất tốt hơn, đúng theo các tiêu chuẩn thông dụng hiện nay như VietGAP, GlobalGAP… hỗ trợ cho việc xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, Nhật, châu Âu… Bằng việc ghi nhận, phân tích dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây, người làm nông cũng có thể quản lý, truy xuất thông tin, theo dõi mùa vụ… ở bất cứ nơi đâu  (thông qua thiết bị di động) với các báo cáo, phân tích dữ liệu chuyên sâu.

Mời đọc thêm

Khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp CN cao

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới