(KTSG) - “Kinh tế thành phố gần hoàn thành pha phục hồi. Một số lĩnh vực đã chạm và thậm chí vượt đỉnh của chu kỳ tăng trưởng cao từng có trước dịch”, theo Báo cáo Kinh tế vĩ mô TPHCM tháng 6-2022. Đây là nghiên cứu của nhóm tác giả từ trường Đại học Kinh tế - Luật và Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, do TS. Phạm Thị Thanh Xuân chủ trì.
Thoát pha phục hồi, vào đà tăng trưởng
Theo báo cáo, sáu tháng đầu năm nay, thương mại - dịch vụ đạt 98% so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu vượt đỉnh tăng trưởng của chu kỳ trước. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp chưa trở lại đà tăng trưởng cao như trước và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm mạnh về quy mô vốn.
Cụ thể, khu vực thương mại - dịch vụ gần như đã hoàn thành pha phục hồi, trở lại tương đương mức ổn định trước dịch Covid-19. Đến tháng 5, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã đạt hơn 456.000 tỉ đồng, tương đương 98% của cùng kỳ năm 2019 và vượt cùng kỳ năm 2020. Sự phục hồi mạnh mẽ hình chữ V diễn ra trong thời gian ngắn.
Vượt qua khó khăn, từ tháng 2, TPHCM quay lại vị trí số 1 cả nước về kim ngạch xuất khẩu. Tổng giá trị xuất khẩu lập đỉnh liên tiếp từ tháng 3 tới nay. Xuất khẩu liên tục tăng ấn tượng nhờ tăng tốc xuất khẩu mặt hàng nông - thủy sản. Xuất khẩu thủy sản tăng 74% so với cùng kỳ, nông sản tăng 22%. Với TPHCM, hàng công nghiệp vẫn là trọng tâm xuất khẩu khi đóng góp gần 75% vào tổng kim ngạch.
Dù vậy, với việc phụ thuộc lớn vào hai thị trường nhạy cảm là Trung Quốc và Mỹ, xuất khẩu của TPHCM còn nhiều điểm cần lưu ý. Mỹ hiện chịu áp lực lạm phát lớn ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ hàng hóa, các mặt hàng xuất khẩu không thiết yếu có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn. Tương tự, hành vi tiêu dùng tại Nhật cũng có thể chịu sự điều chỉnh bất lợi do lạm phát.
Kinh tế TPHCM bộc lộ nội lực phục hồi rất lớn. “Nên tiếp tục duy trì các biện pháp kích thích, ngay trong vùng nguy cơ của lạm phát”, các tác giả khuyến nghị.
Sản xuất công nghiệp TPHCM đã phục hồi cơ bản nhưng chưa thể trở lại đà tăng trưởng cao như trước sau đứt gãy do dịch Covid-19 (giảm 50% từ tháng 10 năm trước). Sự phục hồi của sản xuất chủ yếu nhờ lực kéo từ ngành công nghiệp chế biến - chế tạo và khai thác mỏ quặng, tăng lần lượt 53% và 71%.
Số lượng dự án FDI tăng nhưng vốn đầu tư vào thành phố giảm liên tiếp từ năm 2021 và giảm sâu hơn trong sáu tháng đầu năm 2022. Nhóm tác giả cho rằng sự sụt giảm của dòng vốn FDI vào TPHCM là tương đối đáng quan ngại khi sức khỏe kinh tế thành phố phụ thuộc rất nhiều vào khu vực này. FDI tạo ra hơn 22% lượng việc làm cho 4,9 triệu lao động đang làm việc tính đến tháng 4-2022, chưa tính hàng ngàn lao động gián tiếp trong lĩnh vực thi công, xây dựng.
Dù vậy, hoạt động FDI đang dịch chuyển theo hướng kỳ vọng khi chuyển dần từ khai thác lợi thế so sánh (lao động giá rẻ, vị trí thuận lợi) sang đầu tư vào công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển. Sự chuyển dịch khá rõ. Thay vì tập trung vào các lĩnh vực truyền thống như chế biến - chế tạo, bất động sản, khối FDI năm tháng đầu năm rót vốn vào hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ tăng, chiếm 21,6% đầu tư mới. Đầu tư vào công nghiệp chế biến - chế tạo và xây dựng chỉ chiếm 7,8%.
Kiên trì kích thích phát triển
Nhóm tác giả cho rằng, tuy chịu áp lực lạm phát nhưng triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn tiếp tục khả quan nhờ phần lớn các yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế của TPHCM đang cải thiện rất tích cực.
Các gói kích thích số cho kinh tế nên được ưu tiên vì tốc độ cải thiện nhanh hơn hẳn kích thích từ đầu tư công. Đây là cách giúp đẩy nhanh quá trình chuẩn hóa nền kinh tế theo công nghệ, đặc biệt cần đối với nền kinh tế có khu vực phi chính thức rộng như TPHCM.
Vốn chảy vào nền kinh tế đã được hấp thụ mạnh mẽ và dự kiến sẽ phát huy tác động tích cực vào những tháng tiếp theo. Suốt sáu tháng đầu năm, các kênh cung vốn đang được khơi thông, gồm cả vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng lẫn dòng vốn hỗ trợ đặc thù của thành phố và vốn FDI. Thành phố bơm 1,2 triệu tỉ đồng thông qua các gói hỗ trợ, tương đương GRDP hàng năm của TPHCM, rất lớn so với 3,1 triệu tỉ đồng tổng cung tín dụng từ hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh đó, tổng cầu trong nền kinh tế vẫn tiếp tục đà cải thiện, sức mua trên thị trường vẫn tăng và dự báo tiếp tục duy trì trong những tháng hè này bởi tính mùa vụ vốn có trong đặc điểm kinh tế của thành phố. Cung lao động đang ổn định và tăng dần đáp ứng nhu cầu của khu vực sản xuất. Ngoài ra, lạm phát đang được nỗ lực kiểm soát cũng là một yếu tố hỗ trợ cho triển vọng tăng trưởng của thành phố.
Theo các tác giả, thách thức lớn nhất đối với TPHCM hiện nay là làm sao tiếp tục duy trì sự tăng trưởng đang nhanh này một cách bền vững trong các tháng còn lại của năm. Kinh tế thành phố đang ở trạng thái dễ tổn thương, tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy đà tăng trưởng trước những biến động của thị trường thế giới và các thay đổi chính sách trong nước. Vốn là nền kinh tế đi đầu cả nước về mức độ hội nhập quốc tế, vì thế TPHCM chịu va đập với nhiều rủi ro, cú sốc từ bên ngoài và các phản ứng ngược từ bên trong.
Giữ sự bền vững trong biến động là thách thức, báo cáo khuyến nghị cần linh hoạt thích ứng. Kinh tế thành phố có độ mở rất lớn và phụ thuộc khá nhiều vào thị trường quốc tế thông qua hoạt động của khu vực FDI. Vì thế, TPHCM không thể tránh né rủi ro mà ngược lại, phải đối diện rủi ro để phát triển.
Kinh tế TPHCM bộc lộ nội lực phục hồi rất lớn. “Nên tiếp tục duy trì các biện pháp kích thích, ngay trong vùng nguy cơ của lạm phát”, các tác giả khuyến nghị.
Tránh cách khai thác quá mức tín dụng
Nhóm nghiên cứu cho rằng thiết lập vùng đệm chống chọi rủi ro là rất cần thiết nhưng hiện tại đây vẫn là vùng trống trong kinh tế thành phố. Các nguồn lực cho phát triển đều đang ở điểm ngưỡng, giới hạn như: hạ tầng khó cải thiện; tín dụng hẹp room; cung lao động vẫn dưới cầu trong khi thâm dụng lao động vẫn là chủ lực. Ứng dụng công nghệ vẫn giậm chân ở giai đoạn đầu của chuyển đổi số; ngân sách chưa có vùng đệm dự phòng vì nợ công đã sát trần dù có áp dụng chính sách đặc thù. Hơn tất cả, thành phố chưa thể chủ động ứng phó khi vẫn chưa có được bộ nguyên tắc ứng xử trong trường hợp có cú sốc.
Kích thích trong ngắn hạn là cần thiết, tuy nhiên, thành phố nên tránh các điểm yếu cố hữu của nền kinh tế như tăng trưởng dựa nhiều vào sự mở rộng của đầu tư công, xuất khẩu từ khu vực FDI, tín dụng nới lỏng và thâm dụng lao động.
Trong giai đoạn này, kích thích cần hướng vào cải thiện hiệu quả sử dụng nguồn lực hiện hữu. Các gói kích thích số cho kinh tế nên được ưu tiên vì tốc độ cải thiện nhanh hơn hẳn kích thích từ đầu tư công. Đây là cách giúp đẩy nhanh quá trình chuẩn hóa nền kinh tế theo công nghệ, đặc biệt cần đối với nền kinh tế có khu vực phi chính thức rộng như TPHCM.
Lãnh đạo thành phố cần ưu tiên cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp và thị trường vận hành (đặc biệt là gỡ khó cho thị trường bất động sản tại thành phố) và ưu tiên hỗ trợ người lao động.
Nhóm nghiên cứu lưu ý, TPHCM cần tránh khai thác quá mức các gói kích thích tín dụng vốn đang chịu áp lực hết room, đồng thời, đi ngược với các biện pháp chống leo thang của lạm phát. “Đảm bảo thực hiện nhanh chóng và hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng cũng chính là một thách thức về mặt chính sách”, các tác giả bày tỏ.
Cuối cùng, liên tục thích ứng với các luật chung của đối tác toàn cầu cũng là cách giúp TPHCM duy trì phát triển bền vững, tận dụng không gian và nguồn lực từ bên ngoài để nâng cao hơn nữa nội lực thành phố.