Trách nhiệm lịch sử khi quy hoạch TPHCM
Cao Ngọc Quỳnh (Đại học Ngân hàng)
(TBKTSG) - Nhân đọc loạt bài Vai trò kiến trúc sư trưởng (TBKTSG số 14-2009, ra ngày 26-3-2009) xin viết đôi dòng cảm nghĩ. Cứ mỗi lần đi vào trung tâm thành phố, tôi bị ám ảnh bởi những công trình kiến trúc của Sài Gòn xưa. Vẫn còn đó những nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Trung tâm, Nhà hát Thành phố, trụ sở UBND TPHCM... nhưng trung tâm thành phố hiện tại giống như một chiếc áo may bằng nhiều loại vải, pha trộn nhiều gam màu, chẳng hài hòa được với nhau...
Tôi day dứt nghĩ về tương lai, không biết các thế hệ mai sau có lên tiếng chê trách cách đối xử của thế hệ chúng ta đối với với các công trình kiến trúc lịch sử kia hay không? Thừa hưởng một di sản quý giá về quy hoạch và kiến trúc đẹp đẽ, hài hòa của Sài Gòn - Chợ Lớn xưa mà sao chúng ta lại nỡ để lại cho họ một đô thị với những khối bê tông cao tầng ngộp thở?
Tôi không phủ nhận những thành quả mà TPHCM đã đạt được trong những năm qua, nhưng sự phát triển của thành phố hôm nay hình như bỏ qua yếu tố lịch sử và đặc thù có một không hai của Sài Gòn - Gia Định - TPHCM 310 năm tuổi; chưa biết tận dụng và phát huy sức mạnh tuyệt vời về vị trí địa chính trị có một không hai của thành phố.
Đứng trước một Sài Gòn - TPHCM quá tải về mật độ xây dựng, giao thông đô thị và quá ô nhiễm môi trường..., tôi lo lắng cho tương lai phát triển của thành phố.
Theo tôi, thành phố cần tăng cường mở rộng theo hai hướng: một là xây dựng các đô thị vệ tinh để chia sẻ áp lực cho trung tâm chính và mở rộng trung tâm nội đô hiện hữu sang phía các quận 2, 9, Thủ Đức đồng thời hướng đến các huyện Thuận An và Dĩ An của tỉnh Bình Dương để đảm bảo tính tập trung của một trung tâm kinh tế - văn hóa có tầm cỡ trong khu vực.
Nói tóm lại là việc quy hoạch và phát triển TPHCM hôm nay cần phải hướng đến trách nhiệm đối với tương lai.