(KTSG) - Phát biểu khi thảo luận tổ tại Quốc hội vào chiều 26-10, Tổng Bí thư Tô Lâm nói đến việc phải làm rõ trách nhiệm đối với các dự án đầu tư, các chương trình mục tiêu quốc gia bị chậm tiến độ gây ra lãng phí và tài sản quốc gia không được sử dụng hiệu quả để tạo ra lợi ích cho cộng đồng(1).
Trong suốt phần phát biểu của mình, ít nhất ba lần ông đã nói đến việc phải có ai đó chịu trách nhiệm sau khi đã liệt kê ra hàng loạt ví dụ về gây lãng phí điển hình, từ những công trình cụ thể như dự án chống ngập ở TPHCM, hai bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 cho đến tình trạng đất đai bị bỏ hoang vì quy định chồng chéo, thủ tục hành chính rườm rà; chậm giải ngân vốn đầu tư công trong khi nhà nước phải đi vay và trả lãi...
Ý kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm không những chỉ ra nguyên nhân của những nguyên nhân của trì trệ, dẫn đến lãng phí tài sản và nguồn lực quốc gia, mà còn gợi mở chìa khóa để giải quyết tình trạng trên - đó là “phải có ai đó chịu trách nhiệm”.
Thật vậy, một trong những yếu tố cản trở sự phát triển và gây lãng phí được nói đến nhiều nhất là về môi trường pháp lý, cụ thể là do quy định chồng chéo, thủ tục hành chính rườm rà. Điều đáng nói là hầu như ai cũng biết điều đó, và như Tổng Bí thư nhấn mạnh thì “những quy định này cũng do các cơ quan đặt ra”, nhưng lại không được thúc đẩy để giải quyết nhanh chóng, mà cứ để tồn tại hết năm nay tới năm khác.
Chính việc không có ai đó chịu trách nhiệm đã dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”, dửng dưng và vô cảm trước những bức xúc của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm đang ngày càng phổ biến trong bộ máy hành chính hiện nay.
Thực tế cho thấy, người đứng đầu có ảnh hưởng rất quan trọng đến hiệu quả hoạt động của một đơn vị, tổ chức; năng động hay trì trệ cũng từ người đứng đầu mà ra. Vì vậy, quy định chồng chéo, thủ tục rườm ra diễn ra ở ngành nào thì trách nhiệm trước tiên phải thuộc về người đứng đầu ngành đó. Tương tự, ở các cấp địa phương, trì trệ, vô cảm diễn ra ở cấp nào, ngành nào thì người đứng đầu cấp đó, ngành đó phải chịu trách nhiệm trước.
Đương nhiên trách nhiệm phải đi đôi với quyền hạn. Cũng như huấn luyện viên một đội bóng, người phải chịu trách nhiệm cho thành tích của đội, nhưng cũng được toàn quyền lựa chọn trợ lý, cầu thủ, chiến thuật thi đấu và được cấp những nguồn lực cần thiết, người đứng đầu một đơn vị, tổ chức cũng cần được quyền chọn người giúp việc cho mình, được bảo đảm nguồn lực và được chủ động thực hiện các giải pháp để đạt mục tiêu, miễn là không trái với pháp luật. Có như vậy thì hiệu quả hoạt động mới mau chóng được cải thiện.
Nếu các ý kiến và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm thời gian qua được thực thi một cách quyết liệt, nhanh chóng thì nền kinh tế Việt Nam sẽ chẳng còn lý do gì để không cất cánh.
(1) https://vnexpress.net/tong-bi-thu-phai-co-nguoi-chiu-trach-nhiem-khi-xay-ra-lang-phi-4808815.html