Trái phiếu địa phương - ai bảo lãnh?
Lê Hồng Giang
(minh họa: Khều) |
(TBKTSG) - Nhân đọc bài góp ý cho dự thảo nghị định về phát hành trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính quyền địa phương “Cần làm rõ một số điểm” (TBKTSG số ra ngày 18-3-2010)
Thông thường các chính quyền địa phương khi phát hành trái phiếu, phải tự chịu trách nhiệm thanh toán các loại trái phiếu này. Chính quyền trung ương thường đứng ngoài và không cam kết bảo lãnh hay giúp đỡ các trái phiếu địa phương nếu có khó khăn.
Điều này có lý do là các quốc gia không muốn có các khoản nợ ngoài bảng (off-balance sheet liabilities) ít nhất về mặt danh nghĩa. Ngoài ra nếu chính quyền trung ương bảo lãnh các trái phiếu địa phương thì vô hình trung họ là người phát hành trái phiếu và các loại trái phiếu địa phương đó sẽ có xếp hạng tín dụng tương đương với trái phiếu chính phủ.
Điều này có thể khuyến khích các chính quyền địa phương phát hành trái phiếu tràn lan vì chi phí rẻ và đằng nào cũng được chính quyền trung ương trợ giúp. Chính quyền trung ương có thể sẽ trợ giúp về mặt ngân sách cho chính quyền địa phương chứ không trợ giúp nghĩa vụ trả nợ cho trái phiếu địa phương.
Tác giả bài báo nói đúng, “ngân sách địa phương” không phải là một pháp nhân có nghĩa vụ trả nợ. Tuy nhiên, khi phát hành trái phiếu địa phương không phải “ngân sách địa phương” phát hành mà phải là một pháp nhân cụ thể, ví dụ Sở Tài chính hay một dự án đầu tư phát triển nào đó. Do đó nghĩa vụ trả nợ là của các pháp nhân này.
Trong trường hợp dòng tiền của các pháp nhân này không đủ để trả nợ thì phải lấy từ ngân sách địa phương (theo dự thảo). Như vậy nhà đầu tư sẽ đánh giá rủi ro của trái phiếu địa phương dựa vào dự báo dòng tiền của các pháp nhân phát hành và lịch sử tình trạng ngân sách của địa phương đó. Có lẽ về điểm này dự thảo cần sửa lại để tránh tình trạng mơ hồ như tác giả đã chỉ ra.