Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Trái phiếu doanh nghiệp – động lực nào cho năm 2024?

Thụy Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Sự sôi động trở lại của kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong tháng cuối năm 2023 là tín hiệu báo trước cho thấy kênh đầu tư này có thể khởi sắc hơn trong năm 2024. Những động lực chính nào có thể hỗ trợ thị trường TPDN trong năm nay?

Ảnh minh hoạ: VGP

Tăng vọt cuối năm 2023

311.240 tỉ đồng là giá trị TPDN được phát hành trong năm 2023, theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA). Con số này dù cách xa mức 595.000 tỉ đồng trong năm 2021, nhưng vẫn tăng 22% so với năm 2022. Trong đó, có 29 đợt phát hành ra công chúng trị giá 37.071 tỉ đồng và 286 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 275.028 tỉ đồng (chiếm tỷ trọng hơn 88% tổng số phát hành).

Đáng lưu ý, tính riêng trong tháng 12-2023, có đến 55 đợt phát hành TPDN riêng lẻ với tổng giá trị 42.806 tỉ đồng, gấp 1,5 lần giá trị phát hành trong tháng 11-2023. Đặc biệt, các đợt phát hành trong tháng 12 dù có kỳ hạn trung bình là 5,97 năm, dài hơn mức 5,64 năm của các đợt phát hành trong tháng 11, nhưng lãi suất trung bình lại giảm mạnh chỉ còn 7,06%/năm từ mức 8,6%/năm trong tháng 11.

Có thể thấy xu hướng lãi suất phát hành trên thị trường TPDN diễn biến khá tương đồng với lãi suất thị trường chung, khi tháng cuối năm 2023 cũng chứng kiến một loạt ngân hàng tiếp tục giảm mạnh lãi suất tiền gửi và giảm lãi suất cho vay để kích thích tín dụng. Có lẽ mặt bằng lãi suất về mức phù hợp là một trong những yếu tố quan trọng hỗ trợ thị trường TPDN tăng trưởng mạnh mẽ dịp cuối năm.

Diễn biến tăng vọt của lượng TPDN phát hành trong tháng cuối năm 2023 cũng tương thích với số liệu tăng trưởng tín dụng đột biến trong nửa cuối tháng 12. Về cơ bản, TPDN được các ngân hàng mua vào cũng sẽ tính vào số dư nợ tín dụng của các ngân hàng. Số liệu công bố gần đây cho thấy tăng trưởng tín dụng toàn ngành đến ngày 13-12-2023 chỉ mới đạt 9,87%, nhưng kết thúc năm bất ngờ vọt lên mức 13,71% so với năm 2022, cho thấy không loại trừ khả năng các ngân hàng vì thừa vốn và muốn chạy chỉ tiêu tín dụng nên đã tăng cường đầu tư TPDN ở thời điểm cuối năm.

Lãi suất về mức thấp hơn cũng giúp các doanh nghiệp phát hành trái phiếu mới với chi phí dễ chịu hơn, do đó các doanh nghiệp có thể tăng cường phát hành để tài trợ cho các trái phiếu khi đáo hạn, hoặc thậm chí tăng cường mua lại trước hạn các trái phiếu đã phát hành trong giai đoạn lãi suất cao trước đây.

Xét theo cơ cấu nhóm ngành, ngân hàng vẫn là nhóm phát hành TPDN nhiều nhất trong năm 2023 vừa qua, với giá trị hơn 176.006 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 56,5% tổng giá trị TPDN phát hành. Kế tiếp là nhóm bất động sản với hơn 73.200 tỉ đồng, chiếm 23,5%. Quay lại năm 2022, nhóm ngân hàng cũng dẫn đầu trong việc phát hành TPDN với giá trị 136.772 tỉ đồng, tương đương 53,6% tổng giá trị TPDN phát hành, còn nhóm bất động sản vẫn xếp thứ 2 với 51.979 tỉ đồng.

Lượng trái phiếu phát hành của nhóm ngân hàng lẫn bất động sản đều ghi nhận sự tăng trưởng so với năm 2022, lần lượt là 29% và 41%. Trước đó, báo cáo tháng 11-2023 của VBMA cho biết tổng giá trị trái phiếu nhóm ngân hàng đã phát hành lũy kế 11 tháng đầu năm 2023 là 120.058 tỉ đồng. Như vậy riêng trong tháng 12, nhóm này đã phát hành thêm lượng trái phiếu giá trị lên đến 55.948 tỉ đồng, gấp hơn năm lần giá trị phát hành bình quân/tháng của 11 tháng trước đó.

Có lẽ chính lượng phát hành khủng của nhóm ngân hàng trong tháng 12 đã góp phần kéo lãi suất phát hành bình quân giảm mạnh, vì các ngân hàng với lợi thế quy mô và thương hiệu mạnh nên có cơ hội phát hành trái phiếu với lãi suất thấp hơn nhiều.

Việc các ngân hàng tăng cường phát hành trái phiếu trong quí 4 nói chung và tháng 12-2023 nói riêng có thể đến từ việc tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đã giảm về chỉ còn 30% từ đầu tháng 10-2023, trong khi dữ liệu cập nhật từ trang web của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tỷ lệ này ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tại thời điểm cuối tháng 10 vẫn đang lên tới 37,82%. Có lẽ nhiều ngân hàng buộc phải tăng cường huy động vốn trung, dài hạn qua đường phát hành trái phiếu để kéo tỷ lệ này về dưới mức quy định.

Dù vậy, việc các ngân hàng tăng cường phát hành trái phiếu trong tháng cuối năm, cùng với lượng tiền gửi tăng lên mức kỷ lục, đã góp phần giúp tín dụng tăng tốc trong thời điểm cuối năm nhưng không gây áp lực lên lãi suất.

Triển vọng năm 2024

Dù với lý do gì, sự sôi động trở lại của kênh phát hành TPDN trong tháng cuối năm 2023 được xem là tín hiệu cho thấy kênh đầu tư này có thể khởi sắc hơn trong năm 2024 này. Có ba động lực chính có thể hỗ trợ cho thị trường TPDN trong năm 2024.

Đầu tiên là mặt bằng lãi suất liên tục giảm trong thời gian qua, đẩy kênh tiền gửi tiết kiệm không còn hấp dẫn như giai đoạn trước nên có thể kích thích nhu cầu đầu tư TPDN quay trở lại.

Việc các ngân hàng tăng cường phát hành trái phiếu trong tháng cuối năm 2023, cùng với lượng tiền gửi tăng lên mức kỷ lục, đã góp phần giúp tín dụng tăng tốc trong thời điểm cuối năm nhưng không gây áp lực lên lãi suất.

Lãi suất về mức thấp hơn cũng giúp các doanh nghiệp phát hành trái phiếu mới với chi phí dễ chịu hơn, do đó các doanh nghiệp có thể tăng cường phát hành để tài trợ cho các trái phiếu khi đáo hạn, hoặc thậm chí tăng cường mua lại trước hạn các trái phiếu đã phát hành trong giai đoạn lãi suất cao trước đây. Trong năm 2023, tổng giá trị trái phiếu phát hành đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lên đến hơn 236.600 tỉ đồng, tương đương 75,3% giá trị phát hành.

Cần biết rằng lượng TPDN đến hạn thanh toán trong năm 2024 ước tính lên đến hơn 277.000 tỉ đồng, đây chính là động lực thứ 2 kích thích kênh TPDN phát triển tích cực hơn. Ngoài ra, giới phân tích cũng cho rằng việc các đợt thanh tra phát hành trái phiếu được tăng cường đã khiến các doanh nghiệp phát hành có năng lực tài chính tốt hoặc khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cũng muốn cơ cấu lại nguồn vốn để hạn chế những vướng mắc liên quan pháp lý.

Động lực thứ 3 đến từ chính các ngân hàng - tay chơi lớn nhất ở kênh đầu tư này. Với nguồn vốn vẫn dồi dào, chi phí vốn đầu vào rớt về mức thấp trở lại, định hướng tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong năm nay lên đến 15% và hạn mức tăng trưởng tín dụng đã được phân bổ đến từng ngân hàng ngay từ đầu năm 2024, các ngân hàng vừa có nguồn lực lại vừa có động lực để đẩy mạnh phát triển tín dụng trong năm 2024, trong đó TPDN luôn là một trong những kênh hấp thụ vốn lớn của hệ thống ngân hàng.

Ngược lại, báo cáo Chiến lược năm 2024 của Công ty cổ phần Wigo cho rằng, gần một nửa tổng nợ TPDN đến hạn trong năm 2024 là của các doanh nghiệp bất động sản, trong khi nhóm này vẫn gặp muôn vàn khó khăn trong hoạt động kinh doanh, nên thị trường TPDN vẫn sẽ đối mặt với không ít thách thức trong năm nay. Theo đó, các doanh nghiệp có thể tiếp tục chịu áp lực tài chính, từ đó tăng khả năng chậm trả, các đợt phát hành mới sẽ khó khăn hơn.

Dù vậy, đơn vị chuyên cung cấp dữ liệu tài chính và nghiên cứu thị trường này cũng đánh giá các yếu tố tích cực về pháp lý sẽ hỗ trợ cho thị trường TPDN. Cụ thể, Nghị định 83/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điều 17 về phát hành riêng lẻ TPDN, quy định việc xử lý các vụ việc phát hành TPDN có hành vi gian lận hay lừa đảo, bổ sung yêu cầu về công bố thông tin, hồ sơ phát hành, phương thức phát hành và chế tài xử lý vi phạm. Điều này nhằm tăng cường tính minh bạch, an toàn và hiệu quả của thị trường, giúp nhà đầu tư có nhiều thông tin hơn để đưa ra quyết định đầu tư. Đồng thời, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Singapore chính thức tham gia vào thị trường tài chính Việt Nam. Sự xuất hiện của Moody’s Singapore giúp thúc đẩy việc xếp hạng tín nhiệm TPDN, yếu tố tiên quyết thúc đẩy sự minh bạch của thị trường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới