(KTSG) - Trái phiếu xanh là kênh huy động vốn hiệu quả cho các dự án bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh. Nhưng Việt Nam vẫn chưa tận dụng cơ hội này.
Nhận diện trái phiếu xanh
Trái phiếu xanh (TPX) là một loại chứng khoán nợ dùng để huy động vốn cho các hoạt động bảo vệ môi trường, giải pháp chống biến đổi khí hậu. Như vậy, điểm khác biệt cốt lõi giữa TPX và các loại trái phiếu thông thường là mục đích sử dụng vốn huy động.
TPX có thể được phát hành bởi chính phủ, chính quyền địa phương hay các doanh nghiệp để huy động được nguồn lực tài chính tài trợ cho các dự án xanh trong nhiều lĩnh vực. Đây cũng là một công cụ hiệu quả để khuyến khích nhà đầu tư gia tăng tài trợ cho nền kinh tế phát thải ít carbon để bảo vệ môi trường sống.
Xu hướng toàn cầu
TPX đã trở thành một xu hướng mang tính toàn cầu và đang từng bước “cắm rễ” vào hệ thống tài chính của nhiều quốc gia. Theo Công ty Tài chính quốc tế (IFC), giá trị phát hành tích lũy của thị trường TPX toàn cầu đã đạt chạm mốc 1.000 tỉ đô la vào năm 2020 (kể từ năm 2007).
Đáng chú ý là sự tăng trưởng mạnh mẽ tại thị trường mới nổi. Theo dữ liệu từ IFC, kể từ năm 2012-2020, TPX đã hiện diện tại 43 nền kinh tế mới nổi với tổng giá trị phát hành tích lũy là 226,4 tỉ đô la Mỹ. Trung Quốc là quốc gia có khối lượng TPX xanh lớn thứ ba toàn cầu (sau Mỹ và Pháp) và dẫn đầu nhóm các thị trường mới nổi.
Tại khu vực ASEAN, giá trị phát hành là 3,8 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020, tăng 8,6% so với năm 2019, phần lớn được phát hành bởi các công ty năng lượng tái tạo có trụ sở tại Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan.
Tại khu vực ASEAN, giá trị phát hành là 3,8 tỉ đô la vào năm 2020, tăng 8,6% so với năm 2019, phần lớn được phát hành bởi các công ty năng lượng tái tạo có trụ sở tại Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan(1).
TPX cũng đang là một kênh đầu tư được ưa chuộng bởi các định chế tài chính quốc tế và cộng đồng nhà đầu tư quốc tế. Điều này một phần được lý giải là do hoạt đầu tư gắn với trách nhiệm xã hội đang dần trở thành một loại chuẩn mực trong hoạt động đầu tư quốc tế.
Các định chế tài chính lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), IFC, các ngân hàng đa quốc gia, quỹ đầu tư quốc tế đều đã có những chính sách rõ nét trong việc tài trợ cho những mục tiêu tăng trưởng xanh.
Tại Hội nghị Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu năm 2021 (COP 26), Liên minh tài chính Glasgow vì trung hòa carbon (Glasgow Financial Alliance for Net Zero - GFANZ)(2) đã đạt được một thỏa thuận quan trọng về việc cam kết chuyển đổi danh mục cho vay và đầu tư để hướng tới mục tiêu trung hòa carbon bằng 0 vào năm 2050, đồng nghĩa với cơ hội thu hút vốn đầu tư thông qua TPX hay các công cụ tài chính biến đổi khí hậu từ cộng đồng các tổ chức đầu tư quốc tế là vô cùng lớn.
Những bước khởi đầu
Từ những năm 2010, Việt Nam đã bắt đầu quan tâm đến chiến lược tăng trưởng xanh, đã ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2050. Tại COP 26 vừa qua, Việt Nam đã đưa ra cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tuy nhiên, để đảm bảo tuân thủ được cam kết, Việt Nam cần nguồn vốn đầu tư lớn phục vụ cho tiến trình chuyển đổi nền kinh tế ở hầu hết các lĩnh vực. Con số có thể lên đến 30 tỉ đô la theo tính toán của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cũng như của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong khi đó, nguồn vốn đối ứng từ ngân sách là có hạn, ước tính tối đa chỉ khoảng 30%, đồng nghĩa 70% còn lại phải đến từ các kênh huy động. Do đó, TPX cần được xem là công cụ mở đường, khơi thông nguồn vốn cho chiến lược tăng trưởng xanh.
Theo Mạng lưới ngân hàng bền vững (the Sustainable Banking Network - SBN), Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có nhiều tiềm năng trong việc phát triển TPX với số điểm 4/5. Cùng với những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ và chiến lược khá rõ ràng về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, Việt Nam đứng trước cơ hội lớn trong việc xây dựng và phát triển thị trường tài chính xanh, trong đó có TPX để thu hút nguồn lực đầu tư, đặc biệt đến từ dòng vốn xanh trong tiến trình thực hiện các cam kết mang tính toàn cầu tại COP 26.
Có thể nói, đối với TPX, thể chế và khung pháp lý dường như đã đi trước một bước. Hiện tại, hệ thống các quy định về TPX đã hình thành một cách cơ bản tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định 08/2022/NĐ-CP và Nghị định 153/2020/NĐ-CP. Các vấn đề pháp lý căn bản để phát hành và quản lý TPX đã được ban hành dựa trên tham chiếu của các tiêu chuẩn TPX quốc tế, dưới sự hỗ trợ, tư vấn của các tổ chức quốc tế như Tổ chức sáng kiến Trái phiếu khí hậu, IFC,…
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã phối hợp với các tổ chức hành phát hành ấn phẩm “Phát hành Trái phiếu xanh, Trái phiếu xã hội và Trái phiếu bền vững” để hỗ trợ các bên có liên quan trong nhận thức và tiến hành các bước phát hành.
Rào cản
Tuy vậy, theo Fiin Group, tính đến đầu năm 2021, quy mô phát hành TPX tại Việt Nam chỉ ở mức 284 triệu đô la thông qua bốn đợt phát hành, bao gồm một tổ chức được Chính phủ bảo lãnh (23,4 triệu đô la); một chính quyền thành phố (3,6 triệu đô la) và hai khoản vay xanh (tương ứng 71 triệu đô la và 186 triệu đô la). Theo báo cáo của VCBS, trong năm 2021, Công ty cổ phần Bất động sản BIM cũng đã phát hành thành công TPX quốc tế với giá trị 200 triệu đô la.
Số liệu cho thấy, thị trường TPX tại Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn đầu của quá trình hình thành và còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Thông tin, kiến thức về TPX chưa thực sự được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Đặc biệt, văn hóa kinh doanh, đầu tư gắn với trách nhiệm xã hội hay mục tiêu bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu chưa được hình thành. Trên bình diện chung, các công ty niêm yết chưa có sự chủ động trong việc đưa các nhân tố xã hội, môi trường và quản trị (ESG) vào việc định hướng kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Các báo cáo phát triển bền vững còn mang tính hình thức, chưa thực sự công khai, minh bạch. Nói cách khác, nhận thức về phát triển bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư còn hạn chế.
Hệ thống hạ tầng phục vụ cho hệ sinh thái của thị trường TPX cũng chưa hình thành đầy đủ. Số lượng các đơn vị tư vấn phát hành, các tổ chức xác nhận tiêu chuẩn “Xanh” theo chuẩn quốc tế thật sự có kinh nghiệm còn khiêm tốn. Mức độ minh bạch thông tin chưa được cải thiện sẽ tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện hiện tượng lợi dụng nhãn mác TPX để đánh bóng tên tuổi nhưng không thực sự hành động vì môi trường (hiện tượng Green washing).
Một vài gợi mở
Việc xây dựng và phát triển thị trường TPX không thể tách rời với thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng và thị trường tài chính nói chung. Vì vậy, trong chiến lược cơ cấu lại thị trường tài chính cần kiến tạo không gian cho TPX và tài chính xanh.
Trong giai đoạn sơ khai của thị trường, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ là cần thiết để xây dựng nền móng. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi rõ ràng đối với nhà phát hành và nhà đầu tư. Theo IFC, việc ban hành các chính sách hỗ trợ các tiêu chuẩn, dữ liệu và báo cáo tài chính xanh và bền vững sẽ khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân nhiều hơn.
Kinh nghiệm của Ấn Độ cũng cho thấy ưu đãi thuế có thể được xem như một giải pháp hữu hiệu trong việc thúc đẩy hoạt động phát hành và đầu tư TPX.
Hay theo kinh nghiệm của Singapore, cơ quan quản lý thị trường đã triển khai Chương trình tài trợ Trái phiếu xanh (Green Bond Grant Scheme) để hỗ trợ chi phí thẩm định phương án phát hành TPX cho các tổ chức phát hành. Thời hạn triển khai chương trình là ba năm từ 2017-2020. Trong thời hạn này, các doanh nghiệp tham gia phát hành TPX được khuyến khích tiến hành đánh giá độc lập theo tiêu chuẩn TPX quốc tế bởi một đơn vị độc lập. Toàn bộ chi phí sẽ được nhà nước hỗ trợ sau khi phương án phát hành TPX được hoàn tất. Đây được xem là một động thái điều hành đáng chú ý nhất từ phía các cơ quan quản trị thị trường nhằm thúc đẩy sự phát triển của TPX và là một thực tiễn tốt mang tính gợi mở cho Việt Nam.
(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM
(1) Xem thêm: https://www.ifc.org/wps/wcm/connect/0fab2dcd-25c9-48cd-b9a8-d6cc4901066e/2021.04+-+Emerging+Market+Green+Bonds+Report+2020+-+EN.pdf?MOD=AJPERES&CVID=nBW.6AT
(2) Liên minh là tổ chức quy tụ sự tham gia của 450 tổ chức, định chế tài chính, ngân hàng với lượng tài sản lên đến 130.000 tỉ đồng, tương đương tương đương 40% tổng tài sản tài chính toàn cầu.