Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Trầm tư về những phận người đơn lẻ giữa đô thị”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Trầm tư về những phận người đơn lẻ giữa đô thị”

Nguyễn Vĩnh Nguyên

“Trầm tư về những phận người đơn lẻ giữa đô thị”
Jean-Luc Mello và Siu Phạm.

(TBKTSG) – Những thể nghiệm đầy cá tính, độc lập trong nghệ thuật điện ảnh của Síu Phạm và chồng chị, nghệ sĩ Jean-Luc Mello, có thể làm cho những đạo diễn khó tính nhất tại Việt Nam kính trọng, nhưng không mấy người dám chọn con đường tương tự. Các phim của chị xuất hiện trong các liên hoan phim nghệ thuật quốc tế, được giới phê bình đánh giá cao nhưng quá kén khán giả, thử thách các công ty phát hành phim trong nước.

Nhân bộ phim Homostratus (Phận người) của chị vừa ra mắt và tạo tiếng vang trên một số diễn đàn phim uy tín thế giới, chị đã dành cho TBKTSG cuộc trao đổi đầu năm.

TBKTSG: Phận người – dường như từ ngay cái tiêu đề đã muốn báo trước cho người xem một góc nhìn triết lý nào đó?

– Bà Síu Phạm: Homostratus là những tầng cấu tạo thành con người, qua bao nhiêu ngàn triệu năm để đến “tình trạng” của con người hiện tại, ở bất cứ nơi đâu. Thoạt tiên phim còn có tên là Căn phòng của mẹ để giản dị hóa tối đa tiêu đề, và để dễ “liên lạc”. Dịch HomostratusPhận người, là rất gọn và đúng với “số phận” của nhân vật nhưng nó không muốn chỉ ra nhân vật của chuyện phim mà là cái trở-thành, cái-đi-đến của con người ngày nay.

Phận người, nó được tư duy và sáng tác bắt đầu từ những quan sát thực tại và qua đó, chúng tôi phát hiện ra sự khả thi trong việc chuyển hóa thực tại này thành một tác phẩm độc đáo, giản dị. Nó mang tính cách thuần khiết của một bài thơ hiện đại.

Như tất cả các thi sĩ, chúng tôi chia sẻ số phận của những bài thơ. Bây giờ mấy ai còn thích đọc thơ, hiểu thơ, nhưng ngược lại thiểu số người đọc thơ, thích thơ… vẫn có, nhiều người vẫn đi tìm những gì mang tính chất thơ, nên chúng tôi không bao giờ tuyệt vọng.

Thiểu số này theo tôi nghĩ, thì nó đang càng lúc càng đông vì thế giới hiện nay đối diện với kinh tế suy thoái, thất nghiệp và phá sản… về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, con người muốn tìm đến những bài thơ tôn trọng sự suy nghĩ, họ thích tham gia hơn là bị xỏ mũi, hơn là phải tiếp tục chịu đựng những cú đấm, đá trực diện của 3D… mà công nghệ điện ảnh đang rót vào cái thị trường đông đúc của các quốc gia đang phát triển… nhằm tiêu thụ những sản phẩm không còn người tiêu thụ, không được đánh giá cao tại nước họ.

Trong một e-mail, chị có chia sẻ rằng, “phim này còn kỳ cục hơn phim trước (Đó… hay đây? – NV) nhiều”. Xin hãy nói thêm về sự “kỳ cục” trong thể nghiệm phương pháp? Hẳn lần này âm nhạc, nghệ thuật múa và mỹ thuật – vẫn sẽ được vận dụng, phối hợp bằng cách nào đó?

– Chữ “kỳ cục” được dùng ở đây mang tính cách hài hước, bởi lẽ phim không mang cấu trúc thông thường. Với một kinh phí eo hẹp, tối thiểu mà những nhà làm phim khác đều lắc đầu (tổng cộng chỉ gần 2 tỉ đồng – NV), chúng tôi bắt buộc phải khai thác phần nội dung, thay cho tiền dùng trong các phương tiện kỹ thuật hoành tráng mà mình không có, vấn đề quan trọng vẫn là tư duy của nội dung.

Ở đây, mỗi hoàn cảnh trong phim được trình bày rời rạc như những bức tranh. Để đẩy âm thanh và âm nhạc lên là phần trọng tâm của phim, nên phim rất ít đối thoại.

Xuất hiện ở liên hoan phim Pięć Smaków (Ngũ vị) lần thứ 7 năm 2013 tại Warsaw (Ba Lan), cây bút phê bình phim nổi tiếng Patryk Czekaj đã viết về Homostratus trên twitchfilm.com rằng: “Homostratus chơi đùa với óc tưởng tượng của khán giả mà không đưa ra lời giải thích rõ ràng nào cho rất nhiều hình ảnh trong phim. Do câu chuyện không có một khởi đầu hay kết thúc nên quả rất khó nắm bắt, mơ hồ và chua chát nhưng trong bối cảnh của nó, bộ phim cũng kể được một câu chuyện đáng giá, nhắc nhớ đến sự điên loạn đáng nản của thế giới hiện đại”. Có một điểm chung, hình như các phim của chị khước từ tính hấp dẫn theo lối thông thường để tìm đến sự chậm rãi và trầm tư?

– Tôi nghĩ anh Patryk Cyekaj đã nắm được ý chính của phim về sự chuyển hóa mất phương hướng của thế giới hiện đại. Cái trầm tư của những số phận đơn lẻ, khó khăn đối với tôi quả là những bài thơ thấm thía nhất… Tuy vậy, chúng tôi chỉ mô tả những hoàn cảnh ấy như chúng đang hiện hữu, như chúng là những bài thơ, chúng tôi không phê phán và từ chối thiên vị với mọi loại quan điểm, hay thậm chí là không chuyển tải, áp đặt một thông điệp nào. Tôi thấy cần thiết đem ra ánh sáng cái “phẩm cách” của những số phận đó, với tiếng cười, hoặc cười mỉm, hoặc cười phá lên mà không một lời than van…

“Để bộ phim này rơi vào quên lãng thì quả là đáng xấu hổ” – Patryk Czekaj viết. Nhưng từ phía chị, một tác giả thể nghiệm điện ảnh, thì hẳn cũng đã chuẩn bị tinh thần về… sự quên lãng không cần tự vấn của đại chúng Việt Nam sau các bộ phim khác của mình?

– Vâng, đây là điều không xa lạ gì, các khán giả đại chúng đều giống nhau, không cứ gì khán giả đại chúng ở Việt Nam. Quên là lẽ thường thôi, đây là một lựa chọn của người làm phim và là số phận của bộ phim, nhất là phim Phận người chưa có nhà phát hành. Trước đây, mặc dù phim Đó…hay đây? có nhà phát hành nhưng cũng không được phát hành. Đôi khi, các nhà phát hành đánh giá nhầm là phim nghệ thuật không có khán giả, thật ra nhiều khi phim thị trường cũng không có khán giả luôn… Điều này rất khó dự đoán.

Xin nói thêm, như mọi người đều biết, điện ảnh phân biệt hai loại phim hoàn toàn khác nhau: loại mainstream của công nghệ điện ảnh, nhằm giải trí cho đám đông với những kỹ xảo hình ảnh tân tiến, với các minh tinh… và loại phim của những người thợ thủ công, ít kinh phí, kén khách, đi trước trào lưu, mang tính nghệ thuật.

Lần này, ở Phận người, chắc cũng như những bộ phim trước, “nghệ sĩ kiêm ông xã” Jean- Luc Mello đồng hành với chị thế nào? Cá tính nghệ thuật của hai người hình như ngày càng giao thoa nhiều hơn qua các tác phẩm mang dấu ấn độc lập?

– Vâng, có thể nói chúng tôi dành tất cả đời sống và suy nghĩ cho phim ảnh, và hội họa… Jean-Luc Mello là cái óc, tôi là những thứ còn lại. Chẳng hạn, vừa qua Jean-Luc nhào ra trời gió bão ở Hội An, lội nước vác camera đi quay cho một phim tài liệu mà chúng tôi thực hiện từ hơn một năm nay…

Cuối cùng, xin hãy cho độc giả TBKTSG hình dung vài nét về cuộc sống hiện tại và những dự định của chị cho năm 2014?

– Cuộc sống của chúng tôi ở Hội An rất hiền hòa, giản dị. Hàng ngày anh Jean-Luc vẽ rất nhiều và rất lạ, anh chỉ sử dụng giấy dó, giấy xuyến chỉ và nhất là giấy cứng với mực tàu và sữa tươi… Tôi đang dịch một quyển sách và cũng vẫn vẽ, tranh tôi dở hơn là cái chắc vì chỉ dùng acrylic… (cười). Bộ phim tài liệu của chúng tôi ở Đà Nẵng, Hội An, Bà Nà Hill chiếm hết thời giờ còn lại. Trước Tết năm ngày, tôi sẽ làm một dự án nghệ thuật trình diễn về múa Butoh (Hắc vũ) cùng với thi sĩ dịch giả Dương Tường ở Gallery Manzi, Hà Nội. Tháng 4-2014 chúng tôi sẽ triển lãm “bốn tay” ở phòng tranh Tự Do, tại Sài Gòn. Sau đó sẽ về châu Âu… và sẽ kịp ăn Noel năm tới, nếu không nhầm, ở Hội An, như thường lệ.

Síu Phạm sinh năm 1948, người Hà Nội; sang Thụy Sỹ sống từ năm 1980, học diễn viên sân khấu và múa Butoh (Hắc vũ), ngoài ra, còn được đào tạo về triết học, lịch sử nghệ thuật, phê bình phim. Chị là một họa sĩ, biên đạo múa, đạo diễn sân khấu, biên kịch đầy cá tính, theo khuynh hướng nghệ thuật thể nghiệm. Tranh của chị được triển lãm tại nhiều thành phố lớn của châu Âu.

Với điện ảnh, trước bộ phim Homostratus, chị đã cùng chồng, nghệ sĩ Jean-Luc Mello thực hiện ba phim độc lập: Un scénario d’Udaipur (2003, quay tại Ấn Độ), Saigon Blue (2004, thực hiện tại Sài Gòn) và Avaler un ange (2006, quay tại Thụy Sỹ) và phim Đó… hay Đây? từng được chọn vào hạng mục Những xu hướng mới tại liên hoan phim Busan, 2011.

Phim Phận người dài 77 phút; kịch bản: Jean-Luc Mello, đạo diễn: Síu Phạm, trợ lý đạo diễn: Nhật Bành, quay phim: Võ Thanh Tiền, họa sĩ thiết kế: Đỗ Bá Tỷ. Phim được quay tổng cộng một tháng rưỡi tại Sài Gòn (vào cuối năm 2012, đầu 2013), làm hậu kỳ sáu tháng. Phim chính thức hoàn thành vào tháng 10-2013.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới