Thứ Ba, 1/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Tranh cãi quanh giá thuốc remdesivir

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tranh cãi quanh giá thuốc remdesivir

Lạc Diệp

(TBKTSG) – Trong bối cảnh việc nghiên cứu vaccine phòng Covid-19 vẫn chưa có kết quả cụ thể, nhiều quốc gia đang đặt niềm tin vào remdesivir – loại thuốc được cho là có hiệu quả trong việc điều trị căn bệnh này, bất chấp mức giá của nó không hề rẻ.

Tranh cãi quanh giá thuốc remdesivir

Công ty dược phẩm Mỹ Gilead Sciences mới đây đã công bố giá bán remdesivir – loại thuốc điều trị Covid-19 duy nhất hiện nay trên thế giới có giấy phép sử dụng khẩn cấp từ Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ. Kể từ khi được cấp phép, nhu cầu về remdesivir đã tăng rất cao.

Theo đó, một liệu trình điều trị kéo dài 5 ngày, với 6 lọ remdesivir cho người mắc Covid-19 có bảo hiểm y tế tư nhân tại Mỹ có giá là 3.120 đô la Mỹ. Với các bệnh nhân đang hưởng các chương trình bảo hiểm của chính phủ như Medicaid hay Medicare, giá một liệu trình tiêu chuẩn giảm xuống còn 2.340 đô la/người.

Trong một bức thư ngỏ, ông Daniel O’Day, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Gilead Sciences, chia sẻ nhờ remdesivir, các bệnh nhân Covid-19 tại Mỹ có thể xuất viện sớm hơn và việc này sẽ giúp tiết kiệm khoảng 12 ngàn đô la mỗi người.

“Chúng tôi đã quyết định định giá remdesivir ở dưới mức giá trị này. Để đảm bảo quyền tiếp cận rộng rãi và công bằng trong bối cảnh toàn cầu đang rất cần loại thuốc này, chúng tôi sẽ bán cho chính phủ các nước phát triển với mức giá 390 đô la/lọ”, ông này nói thêm.

Tuy nhiên, bác sĩ Wolfgang Becker Bruser, biên tập viên của tạp chí y khoa Arznei Telegramm, không đồng ý với lập luận này. “Mức chi phí điều trị Covid-19 mà không có thuốc remdesivir đã được tính toán một cách ngẫu nhiên. Họ cố tình gây ấn tượng rằng mức giá như vậy là công bằng”, ông nói.

Một phân tích của các nhà nghiên cứu Anh được trích dẫn trên tuần báo Der Spiegel (Đức) cho thấy chi phí sản xuất một liều remdesivir có thể chỉ khoảng 9 đô la.

Tuy nhiên, những ý kiến ủng hộ mức giá của thuốc remdesivir lại cho rằng trong ngành dược phẩm, việc định giá bán cao hơn nhiều so với giá sản xuất là chuyện bình thường, bởi các công ty đều đã phải đầu tư một khoản tiền lớn để phát triển sản phẩm.

Gilead Sciences tuyên bố hãng đã đầu tư khoảng 1 tỉ đô la vào việc phát triển remdesivir. Đây được coi là một con số được cho là hợp lý, bởi theo Hiệp hội các doanh nghiệp nghiên cứu dược phẩm Đức, các công ty thuộc hiệp hội này thường có xu hướng đầu tư từ 1-1,6 tỉ đô la cho một sản phẩm mới.

Thậm chí, trong trường hợp của remdesivir, nhiều ý kiến còn cho rằng mức chi phí thực tế có thể cao hơn so với mức giá mà công ty đang bán. Viện Nghiên cứu lâm sàng và kinh tế, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ, chuyên phân tích giá thuốc đánh giá, mức giá hợp lý sẽ là 2.800 đô la trong khi một số chuyên gia khác ước tính, con số này có thể là 4.000 đô la.

Dù mức giá bán ra có hợp lý hay không, Gilead Sciences vẫn đang hưởng lợi lớn từ sản phẩm của mình. Nhiều quốc gia, đặc biệt là những quốc gia giàu có đang chạy đua quyết liệt để bổ sung nguồn cung remdesivir.

Chính phủ Mỹ hồi tuần trước đã đặt hàng hơn 500.000 liều thuốc remdesivir trong bối cảnh nước này đang đối mặt với làn sóng tái bùng phát dịch vượt tầm kiểm soát. Điều đáng nói là ở chỗ lượng thuốc mà phía Mỹ đặt mua cũng tương đương với toàn bộ sản lượng của Gilead Sciences trong tháng 7, và chiếm 90% sản lượng thuốc của tháng 8 và tháng 9. Cộng thêm với việc Gilead Sciences đang nắm giữ thế độc quyền đối với loại thuốc này, các quốc gia khác sẽ phải chia sẻ phần sản lượng ít ỏi còn lại.

Không chỉ Mỹ, nhiều quốc gia giàu có khác cũng đang bắt đầu có những động thái nhằm đảm bảo nguồn cung thuốc remdesivir cho mình.

Trên thực tế, chuyện các nước lớn bỏ hàng tỉ đô la để đạt được thỏa thuận ưu tiên với các hãng dược không còn là điều xa lạ giữa đại dịch. Chính phủ Mỹ đã tài trợ 1,2 tỉ đô la cho vaccin của Đại học Oxford (Anh) và Công ty Y sinh AstraZeneca. Đổi lại, hãng sẽ cung cấp trước 300 triệu liều cho quốc gia này ngay khi sản phẩm được cấp phép. Hồi đầu tháng 6, Pháp, Đức, Ý và Hà Lan đã thành lập Liên minh Vaccin nhằm thúc đẩy quá trình phát triển vaccin của Đại học Oxford, đồng thời “giữ chỗ” trước 400 triệu liều vaccin cho toàn khu vực liên minh châu Âu với giá cả phải chăng.

Nhiều chuyên gia y tế lo ngại động thái thu gom thuốc của Mỹ và các nước giàu có thể gây ra tình trạng khan hiếm thuốc tại các nơi tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 còn cao, hoặc đang đối mặt với đợt bùng phát mới.

Trong bối cảnh đó, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình chỉ có thể trông cậy vào những phiên bản khác, ít hiệu quả hơn của remdesivir. Gilead Sciences cho biết đã cấp miễn phí giấy phép cho chín nhà sản xuất thuốc tại Ấn Độ, Pakistan và Ai Cập có quyền phân phối các phiên bản của remdesivir tại 127 quốc gia đang phát triển, chủ yếu ở châu Phi, châu Á, Trung Đông và Trung Mỹ. Giá mỗi liệu trình điều trị ước tính khoảng 600 đô la.

Theo giới chuyên gia, các nhà máy dược phẩm trên thế giới có thể tăng công suất sản xuất remdesivir để đáp ứng nhu cầu hiện nay. Vấn đề duy nhất là họ có thể làm nhanh đến mức nào. Một sự hợp tác trên phạm vi quốc tế sẽ là điều hết sức cần thiết, để có thể hỗ trợ các quốc gia ứng phó với việc thiếu hụt nguồn cung thuốc điều trị Covid-19.

“Việc các nước tăng cường tích trữ remdesivir là một tin đáng thất vọng, không chỉ bởi nó sẽ dẫn tới sự thiếu thuốc cho các quốc gia khác, mà còn cho thấy sự không sẵn sàng trong hợp tác quốc tế. Trong bối cảnh này, các giải pháp chung trong những liên minh quốc tế là điều đặc biệt quan trọng”, chuyên gia Ohid Yaqub, giảng viên cao cấp tại Cơ quan nghiên cứu chính sách khoa học, Đại học Sussex (Anh), nói. Tương tự như trong vấn đề biến đổi khí hậu, việc những quốc gia lớn như Mỹ không quan tâm tới những quy tắc chung có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh của các quốc gia khác.

Nguồn: DW, Reuters, Euronews, CBS News

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới