Thứ tư, 18/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tranh giành cobalt ở Congo

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nếu như trước đây các nước đổ vào Trung Đông để tranh nhau quyền khai thác dầu mỏ thì nay “dầu mỏ” của thời đại xe chạy pin là cobalt và đấu trường mới là Congo.

Thành phần quan trọng nhất của xe điện là dàn pin lithium và chất đắt nhất, lại hiếm nhất để chế tạo pin lithium là cobalt. Đến hai phần ba cobalt mà thế giới sản xuất được nằm ở Congo, vì thế nước này đang trở thành một điểm nóng nơi các nước tranh nhau quyền khai thác mà phần thắng đang thuộc về Trung Quốc.

Một mỏ cobalt ở Katanga, Congo. Ảnh: Reuters.

Doanh nghiệp Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường cobalt Congo

Nước Mỹ từng rót tiền vào Congo để khai thác uranium chế tạo bom nguyên tử. Nhiều thập niên sau đó, doanh nghiệp Mỹ giành quyền khai thác nhiều loại quặng tại đây trong đó có cobalt, thường được trích xuất từ quặng mỏ đồng nhưng trước đây ít ai quan tâm.

Đột nhiên khi xe điện trở nên ngày càng được ưa chuộng nhất là trong giai đoạn thế giới tập trung chống biến đổi khí hậu, giảm bớt khí thải do xe chạy xăng gây ra. Thế là cobalt, một thành phần quan trọng trong các dàn pin lithium trở thành món hàng được nhiều doanh nghiệp săn đón. Một chiếc Tesla với quãng đường chạy sau mỗi lần sạc cao nhất cần chừng 5 ki lô gam cobalt.

Mặc dù các hãng như Ford đang đầu tư hàng tỉ đô la Mỹ để xây nhà máy làm pin riêng cho mình, đồng thời nghiên cứu sử dụng lithium iron phosphat để thay cho cobalt, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) vẫn dự báo thế giới sẽ thiếu cobalt trầm trọng vào năm 2030. Dựa trên các mỏ đang được khai thác và tiến độ xây dựng các mỏ mới, một số dự báo khác bi quan hơn, cho rằng việc thiếu hụt cobalt sẽ đến sớm hơn vào năm 2025.

Điều đáng tiếc cho Mỹ là năm ngoái, Freeport-McMoRan - một tập đoàn khai mỏ lớn của Mỹ, cách đây năm năm là nhà khai thác và sản xuất cobalt lớn nhất Congo đã bán mỏ Kisanfu cho Molybdenum, một doanh nghiệp Trung Quốc rồi rút ra khỏi Congo. Năm nay chính quyền Biden mới nhận ra Trung Quốc có thể tận dụng lợi thế thống lĩnh trên thị trường cobalt để chi phối thị trường xe điện.

Và bây giờ nước này mới có kế hoạch tiếp cận các nguồn cobalt còn lại ở các nước đồng minh như Úc hay Canada. Còn hiện nay xe điện của các hãng Ford, General Motors, Tesla đều phải dùng pin của các nhà cung cấp đang phụ thuộc vào nguồn cung cobalt từ Trung Quốc.

Theo một cuộc điều tra của tờ New York Times, 15 trong tổng số 19 mỏ cobalt đang được khai thác ở Congo thuộc quyền sở hữu của các doanh nghiệp Trung Quốc hay do doanh nghiệp Trung Quốc cấp vốn. Glencore, một công ty có trụ sở đóng ở Thụy Sỹ là chủ sở hữu hai mỏ cobalt lớn còn lại. Cũng theo tờ báo này, các doanh nghiệp Trung Quốc đã được các ngân hàng quốc doanh nước này cho vay ít nhất là 12 tỉ đô la Mỹ.

Ngoài mỏ Kisanfu, Công ty Molybdenum còn mua mỏ Tenke Fungurume vào năm 2016, là mỏ cobalt có sản lượng lớn gấp đôi lượng cobalt của bất kỳ nước nào ngoài Congo sản xuất. Mỏ này Molybdenum cũng mua từ Freeport-McMoRan với giá 2,65 tỉ đô la, trong đó ít nhất 1,59 tỉ đô la là tiền do các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc tài trợ. Còn mỏ Kisanfu có trữ lượng cobalt đủ sản xuất pin cho “hàng trăm triệu xe Tesla” được bán với giá 550 triệu đô la.

Nhưng không phải mọi chuyện đều thuận buồm xuôi gió

Không biết có phải do nhu cầu cobalt tăng cao hay sao mà chính quyền Congo có vẻ đang muốn xem xét lại các hợp đồng khai thác do các công ty Trung Quốc nắm giữ. Theo New York Times, chi phí của việc xem xét lại này do Chính phủ Mỹ tài trợ trong nỗ lực ngăn chặn nạn tham nhũng ở Congo.

Điểm then chốt là xem thử phía Trung Quốc có thực hiện đúng các cam kết theo hợp đồng như xây cầu, làm đường, làm nhà máy phát điện và các cơ sở hạ tầng khác trị giá hàng tỉ đô la. Tổng thống Congo, Felix Tshisekedi, hồi tháng 8-2021 đã thành lập một ủy ban điều tra cáo buộc Công ty Molybdenum, từng mua lại hai dự án của Freeport-McMoRan, đã lừa Chính phủ Congo hàng tỉ đô la tiền thuế tài nguyên.

Tại mỏ Tenke Fungurume, vấn nạn đột nhập đào trộm quặng cobalt đang diễn ra và khi Molybdenum yêu cầu chính quyền Congo hỗ trợ, lính Congo đã bắn chết một người đột nhập vào khu mỏ và một người khác khi dân làng biểu tình phản đối khu mỏ gây ô nhiễm. Từ khi doanh nghiệp Trung Quốc điều hành mỏ thì vấn đề an toàn giảm sút, tai nạn tăng lên.

Mỏ Tenke Fungurume là một khu vực rộng lớn, bằng cả Los Angeles, hiện có 7.000 công nhân khai thác suốt 24 giờ mỗi ngày. Tháng 8-2021, Molybdenum tuyên bố sẽ đầu tư 2,5 tỉ đô la để tăng sản lượng cobalt từ mỏ Tenke Fungurume lên gấp đôi trong vòng hai năm tới. Lúc đó sản lượng hàng năm của mỏ sẽ là 40.000 tấn. Năm ngoái Mỹ chỉ sản xuất được 600 tấn cobalt.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới