Trao đổi thêm với tác giả Thư Hoài
Đoàn Tiểu Long
![]() |
LTS: Sau bài viết Nên viết nguyên dạng và chuyển tự của tác giả Thư Hoài đề cập đến việc phiên âm hay viết theo tiếng Anh đối với các tên riêng nước ngoài, tác giả Đoàn Tiểu long đã có bài viết lại để trao đổi thêm với tác giả Thư Hoài. Tòa soạn xin giới thiệu:
Đây là một đề tài thú vị, cho nên xin được trao đổi thêm với tác giả Thư Hoài về một số điểm trong bài viết của ông.
1. Không hiểu vì sao tác giả Thư Hoài lại khẳng định là ngay cả người bản ngữ cũng không biết hết cách phát âm tên riêng, để từ đó kết luận rằng viết tên riêng dựa vào phiên âm sẽ khó khăn, lúng túng?
Cần lưu ý, tiếng nói là thứ có trước, chữ viết là cái có sau, dùng để diễn đạt tiếng nói theo một cách thức riêng. Nếu sáng chế ra máy ghi âm của E-đi-xơn ra đời sớm vài ngàn năm thì có lẽ nhân loại đã không có nhu cầu nghĩ ra chữ viết cũng nên!
Tiếng nói hình thành một cách tự nhiên, và tên riêng được người ta nói cho nhau nghe trước khi dùng chữ viết để ghi lại. Đứa trẻ nào cũng có thể nói tên nó, người dân nào cũng có thể nói tên người, tên đất nào đó dù có thể không biết nó được viết ra sao (ví dụ như người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên chẳng hạn). Vậy tại sao lại bảo là không thể biết hết cách phát âm các tên riêng?
2. Tác giả Thư Hoài nhận xét rằng không thể chỉ dùng tiếng Việt để ghi âm, mà phải vay mượn thêm các chữ cái nước ngoài như F, J, W, Z, các phụ âm kép như cr, xc, kl... Nhận xét này không xác đáng.
Thứ nhất, để ghi lại bất kỳ tên riêng nào, chỉ cần dùng 28 chữ cái tiếng Việt là đủ (bao gồm cả các chữ cái ă, â, ê, ô, ơ, đ), tôi có thể khẳng định điều đó. Nếu ai không tin, hãy nói thử bất kỳ một cái tên nào, tôi sẽ ghi lại cho coi. Dĩ nhiên không thể chính xác tuyệt đối 100%, nhưng ghi âm một cách tương đối chính xác thì hoàn toàn có thể.
Giả dụ ở khu phố Tây Phạm Ngũ Lão ta gặp một du khách, và hỏi tên của anh ta, thì sau đó ta sẽ ghi lại thế nào nếu không phiên âm (giả thiết là anh ta không có danh thiếp)?
Các chữ cái F, J, W, Z chỉ cần thiết nếu muốn ghi lại tên riêng nước ngoài theo nguyên dạng – nhà báo Thư Hoài đã quên mất điều này.
Và một khi muốn viết nguyên dạng thì cần vay mượn không chỉ 4 chữ cái đó đâu, mà còn nhiều hơn nữa: ç của tiếng Pháp, ł (chữ L có gạch chéo, phát âm như U) của tiếng Ba Lan, ö, ü của tiếng Đức (nếu không muốn ghi theo kiểu oe, ue), ñ của tiếng Tây Ban Nha, č của tiếng Séc v.v… Có nghĩa là font và bộ gõ tiếng Việt cần bổ sung các chữ cái này gấp!
Thứ hai, như đã viết ở trên, chữ viết sinh ra là để ghi lại tiếng nói. Nếu tiếng nói không có phụ âm kép, như trong tiếng Việt xưa kia, thì không cần phải ghép các phụ âm với nhau để tạo ra phụ âm kép. Nhưng nếu trong tiếng Việt bắt đầu xuất hiện các từ có phụ âm kép thì lúc đó cứ việc ghép các phụ âm sẵn có để diễn đạt các phụ âm kép đó, điều này là hoàn toàn bình thường, không thể gọi đó là vay mượn nước ngoài được. Vay mượn nước ngoài là nước nào đây?
Trước đây trong tiếng Việt, tức tiếng nói của người Kinh, không có phụ âm P, cho nên dân ta mới gọi con Poupée trong tiếng Pháp thành búp bê. Nhưng ngôn ngữ luôn phát triển, ngày nay tiếng Việt đã có nhiều từ có phụ âm p như pan, patanh, pa tê (mượn của tiếng Pháp), Pắc Bó (lấy của tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam). Tương tự, khi chúng ta dùng chữ cái tiếng Việt để ghi tên người, tên đất của vùng Tây Nguyên như Đắc Krông, Krông Bông, Krông Pắc, Đắc Rmit… thì không thể gọi đó là vay mượn gì hết.
Xin nhắc lại, dùng tiếng Việt để phiên âm, tức là dùng chữ cái tiếng Việt, cách ghép vần của tiếng Việt, để người nào biết đọc tiếng Việt đều có thể đọc được. Việc dùng các phụ âm kép không nằm ngoài quy tắc này.
3. Tác giả Thư Hoài dẫn con số 83% phiên âm sai để phản đối cách viết theo phiên âm, theo tôi là không hợp lý. Phiên âm sai thì sửa cho đúng, chứ đó không phải là lý do để từ chối viết theo kiểu phiên âm.
Lập luận của tác giả Thư Hoài “Thực tiễn cho thấy, trong sinh hoạt văn hóa của một nước văn minh ngày nay, chữ viết quan trọng hơn cách phát âm rất nhiều. Điều này rất dễ kiểm chứng: chỉ cần viết sai họ tên trong chứng minh thư hoặc giấy nhận tiền ở bưu điện là gặp rắc rối ngay!” thì không ăn nhập gì tới vấn đề đang bàn. Hiển nhiên là trên chứng minh thư, tín dụng thư v.v... viết thế nào thì phải viết y như thế, kể cả khi viết sai chính tả đi chăng nữa.
Trời sinh cho con người ta tai và lưỡi để nghe và nói. Đối với đại đa số dân chúng trên Trái đất này thì thời gian người ta dành cho việc nghe nói cao hơn rất nhiều so với thời gian dành cho việc đọc viết. Vả chăng ở đây không có chuyện xét xem cái gì quan trọng hơn cái gì, chữ viết hay tiếng nói. Ý của các chuyên gia kia chỉ là: không quan trọng tên riêng nào đó được viết thế nào trong ngôn ngữ gốc; quan trọng là nó được ghi như thế nào trong tiếng Việt, để bất kỳ ai đọc lên đều phải gần đúng với cách phát âm trong ngôn ngữ gốc. Muốn thế, thì phải dựa trên cách phát âm của nó, chứ không phải dựa trên cách viết của nó trong ngôn ngữ gốc.
4. Giáo sư Cao Xuân Hạo là người đáng kính trọng, tuy nhiên không nhất thiết phải đồng ý với giáo sư về mọi chuyện, ví dụ như quan điểm “Chủ trương phiên âm đưa đến một kết quả đáng buồn là người đọc sách báo bị bắt buộc phải vừa viết sai lại vừa đọc sai”. Nếu phiên âm cho chuẩn xác ở mức cao nhất có thể, thì đại đa số người dân, chỉ cần biết đọc tiếng Việt, sẽ phát âm được tên riêng đó một cách gần đúng, và chắc chắn là đúng hơn nhiều so với khi họ phải đánh vật trước một cái tên nước ngoài lạ hoắc. Người Nga hẳn sẽ rất tự ái nếu giáo sư Cao Xuân Hạo cho rằng khi họ ghi tên nhà soạn kịch Sếch-xpia là Шекспир thì họ vừa viết sai vừa đọc sai!
5. Giáo sư Cao Xuân Hạo đã không công bằng khi cho rằng những người chủ trương viết theo kiểu phiên âm là do họ quá coi thường trình độ người dân. Phải chăng người Đức, khi bố trí biển chỉ dẫn trên các con đường rất rõ ràng, chi tiết đến mức “người ngu nhất cũng không thể đi lạc”, đã tỏ ra là họ quá coi thường khả năng định vị, tìm đường của cánh lái xe?
Phải chăng các chuyên gia Microsoft, khi tạo ra các ứng dụng hết sức thân thiện với người dùng, để bất kỳ ai cũng có thể sử dụng một cách dễ dàng, đã tỏ ra là họ quá coi thường người sử dụng máy tính?
Tất nhiên là không. Người ta làm thế, là vì muốn giành phần mệt nhọc về cho mình và nhường phần dễ dàng, thuận lợi cho người dùng.
Những người chủ trương viết theo kiểu phiên âm tuân thủ hai nguyên tắc. Thứ nhất, chữ viết phải phản ánh tiếng nói ở mức chính xác nhất có thể. Người Việt có chữ cái riêng, cách ghép vần riêng, cách phát âm riêng, cho nên phải phiên âm. Thứ hai, cách viết phải tạo thuận lợi cho người đọc. Sẽ là vô trách nhiệm nếu một biên tập viên bản tin truyền hình không chịu ghi các tên riêng nước ngoài theo lối phiên âm, mà cứ để nguyên dạng, khiến phát thanh viên lúng túng đọc bừa.
6. Cuối cùng là vấn đề chuyển tự. Tôi không rõ người ta sẽ chuyển tự như thế nào, phải chăng là chuyển theo kiểu 1:1, tức là chuyển từng chữ cái trong ngôn ngữ khác sang chữ cái tương ứng trong tiếng Việt, mà không kể đến cách phát âm. Nếu vậy thì lối chuyển tự này rất có khả năng phạm vào đúng cái điều mà giáo sư Cao Xuân Hạo phê phán: vừa viết sai (đương nhiên, vì đó đâu phải là nguyên dạng), vừa đọc sai. Ví dụ: Lee Young Ae phải phát âm thế nào đây? Lee đọc là Le-e (hai âm e), hay là Li (theo kiểu tiếng Anh)? Young đọc thế nào, Y-o-ung, hay là Y-ung, hay là Y-ăng, hay là Y-âu-ngờ?
Đã có lần trên TBKTSG có mẩu tin “hội chợ ở Quang Du”, té ra người viết tin phát âm sai cái từ “Guangzhou”, tức Quảng Châu. Cái mà tác giả Thư Hoài cho rằng “ai cũng đọc được” đó, thì chỉ là đọc bằng mắt, chứ không phải đọc bằng mồm!
Người Nga ghi theo kiểu phiên âm, chứ không chuyển tự, bởi nếu chuyển tự thì Shakespear phải chuyển thành Cгакеспеар, đọc lên đố ai biết đấy là ai! Họ cũng coi trọng cách phát âm hơn là cách viết trong ngôn ngữ gốc. Tôi không nghĩ là các nhà ngôn ngữ học Nga trình độ quá kém, hay quá coi thường người đọc.