Thứ bảy, 26/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Trào lưu mua sắm đồ secondhand trỗi dậy ở Mỹ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trào lưu mua sắm đồ secondhand trỗi dậy ở Mỹ

Lê Linh

(TBKTSG Online) - Xu hướng mua sắm đồ cũ (secondhand), đặc biệt là hàng thời trang đang trỗi dậy mạnh mẽ ở Mỹ khi người tiêu dùng muốn tiết kiệm tiền và ngày càng có ý thức bảo vệ môi trường. Doanh thu thời trang secondhand được dự báo sẽ vượt doanh thu thời trang nhanh (fast fashion) tại nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng một thập kỷ tới.

Tại Mỹ, hoạt động mua bán đồ cũ thông qua các cửa hàng từ thiện hay sự kiện “garage sale” (bán thanh lý hàng cũ của các gia đình) tại địa phương đang dần chuyển lên mạng.

Ngày nay, mọi người dễ dàng gọi một cuốc taxi thông qua nền tảng Uber hay thuê phòng trên nền tảng đặt phòng Airbnb. Cơn bùng nổ của nền kinh tế chia sẻ, nhu cầu săn hàng giá rẻ, các mối lo ngại về môi trường đã giúp rũ bỏ tâm lý “sĩ diện”, lánh xa hàng cũ đúng vào lúc công nghệ giúp hoạt động mua sắm tiết kiệm dễ dàng tiếp cận, đáng tin cậy hơn và có sức hấp dẫn hơn. Thậm chí diễn viên, người mẫu kiêm doanh nhân người Mỹ Kim Kardashian West cũng mặc những bộ trang phục cũ cao cấp.

“Sau cơn đại suy thoái 2008-2009, tâm lý của người tiêu dùng đối với việc mua sắm hàng cũ thay đổi rõ rệt. Giờ đây, nó được xem là sự mặc cả thông minh. Xu thế thời trang sắp tới là phải tận dụng tối đa giá trị đồng tiền của bạn”, Oliver Chen, nhà phân tích theo dõi các xu hướng bán lẻ ở Ngân hàng đầu tư Cowen, nhận định.

Đối với nhiều người tiêu dùng, sử dụng đồ cũ là điều hạ thấp danh giá bản thân cách đây một thập kỷ. Jessie Char, một chuyên gia tổ chức sự kiện 32 tuổi ở San Francisco cho biết, mua sắm ở các cửa hàng đồ cũ không phải là điều hấp dẫn khi cô còn nhỏ. “Trẻ con thời đó ghét áo quần cũ”, Jessie Char.

Trào lưu mua sắm đồ secondhand trỗi dậy ở Mỹ
Áo quần cũ đã được phân loại, kiểm tra và chụp hình để rao bán trực tuyến tại một nhà kho của công ty The RealReal ở thành phố Brisbane, bang California, Mỹ. Ảnh: WSJ

Hiện nay, khoảng một nửa áo quần trong tủ đồ của Char là hàng secondhand. Cô cho biết cô đã sục sạo nhiều trang web bán đồ cũ đang tạo ra cơ hội cho mọi người mua bán đồ cũ dễ dàng hơn bao giờ hết như  therealreal.com, poshmark.com thredup.com để săn hàng giá rẻ.

Gần đây, cô mua túi xách Prada Cahier cũ với giá 945 đô la Mỹ từ therealreal.com, trong khi đó, phiên bản tương tự đang được bán với giá 1.790 đô la tại chuỗi cửa hàng thời trang cao cấp Neiman Marcus.

Công ty The RealReal, chủ sở hữu therealreal.com, chuyên mua và bán lại các  trang phục, giày dép, túi xách và nữ trang cao cấp. Công ty vừa chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng hồi tháng 6 và đang có mức vốn hóa thị trường gần 1,3 tỉ đô la. The RealReal đặt mục tiêu đạt 1 tỉ đô la doanh thu trong năm nay.

Trong khi đó, hai công ty thương mại điện tử ThredUP và Poshmark chuyên bán hàng thời trang cũ của một loạt thương hiệu bao gồm J.Crew và Gucci.

Công ty thương mại điện tử StockX (stockx.com) có trụ sở ở bang Michigan, Mỹ là nơi mà những tín đồ giày thể thao tìm kiếm những bộ sưu tập giày thể thao và đường phố cũ.

Doanh thu đồ cũ chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu bán lẻ 3.800 tỉ đô la mỗi năm ở Mỹ nhưng đang tăng trưởng nhanh. Doanh thu đồ cũ ở Mỹ sẽ tăng hơn gấp đôi lên con số 51 tỉ đô la và năm 2023 so với mức 24 tỉ đô la vào năm ngoái, theo một báo cáo nghiên cứu của công ty GlobalData.

Báo cáo cho biết 56 triệu phụ nữ Mỹ mua các sản phẩm secondhand trong năm 2018, tăng so với con số 44 triệu vào năm 2017. Những người mua sắm trẻ ở độ tuổi 18-37 là động lực cho sự thay đổi này. Các trang bán hàng cũ ở Mỹ cũng đang đẩy mạnh hoạt động mua và bán thời trang nam secondhand.

Doanh thu đồ cũ ở Mỹ sẽ tăng hơn gấp đôi lên con số 51 tỉ đô la và năm 2023 so với mức 24 tỉ đô la vào năm ngoái, theo báo cáo nghiên cứu của công ty GlobalData. Ảnh: WSJ

Theo hãng tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Co, người tiêu dùng Mỹ ngày nay mua lượng áo quần lớn hơn 60% so với cách đây 15 năm nhưng chỉ sử dụng chúng trong khoảng thời gian chỉ bằng một nửa so với trước đây.

Điều này dẫn đến lượng rác thải thời trang ngày càng tăng. Gần 60% trong số hơn 100 tỉ sản phẩm áo quần sản xuất hàng năm được đưa đến các lò đốt rác hay các bãi rác chỉ trong vài năm sau khi được sản xuất. Sản xuất 1kg vải sẽ sản sinh trung bình 23kg khí thải gây hiệu ứng nhà kính, khiến ngành công nghiệp thời trang trở thành một thủ phạm gây ô nhiễm lớn.

“Tôi từng mua những chiếc áo sơ mi của các thương hiệu thời trang nhanh với giá khoảng 15 đô la nhưng nó nhanh chóng xuống cấp chỉ sau vài lần giặt”, Jessica Fletcher, một kỹ sư dự án 25 tuổi ở St. Louis, bang Missouri, nói.

Nhận ra sự lãng phí quá lớn này, Fletcher bắt đầu mua áo quần cũ thuộc các nhãn hàng cao cấp để sử dụng sau khi cô tốt nghiệp đại học. “Đó là cách hiệu quả để mua được áo quần chất lượng với giá chỉ bằng 25% so với mức giá mua mới”, cô nói.

Khách mua, sắm hàng cao cấp cũng đang có ý thức tiết kiệm hơn, đặc biệt là khi giá bán của các xa xỉ phẩm tăng vọt trong 15 năm qua, khiến nhiều món hàng vượt quá tầm tay của họ ngay cả những người giàu có.

McKinsey & Co. ước tính giá bán trung bình của trang sức và đồng hồ cao cấp đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2005, trong khi đó, giá bán của chiếc túi xách thương hiệu Speedy 30 của Louis Vuitton tăng 19% kể từ năm 2016.

“Tôi có đủ sức để mua áo quần cao cấp mới nhưng tôi thích mua những sản phẩm đã qua sử dụng vì điều đó cho phép tôi thử nhiều phong cách khác nhau mà không phải chi quá nhiều tiền”, Kuromi Hendrix, một chuyên gia IT ở Boston, nói.

Gần đây, cô mua chiếc váy thương hiệu Tadashi đã qua sử dụng với giá 12,99 đô la trên thredup.com nhưng nếu mua mới, cô sẽ tốn 107 đô la.

Khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng mua các sản phẩm cũ, điều này đồng nghĩa với việc họ đang chi tiêu ít hơn ở các chuỗi mua sắm truyền thống từ các cửa hàng bán lẻ thời trang cho đến các cửa hàng bách hóa. Một số chuỗi cửa hàng đang chống đỡ bằng cách ra mắt hoặc mở rộng các chương trình bán hàng cũ bao gồm các chuỗi cửa hàng Macy’s và Levi Strauss & Co.

GlobalData dự báo doanh thu hàng thời trang secondhand sẽ vượt doanh thu thời trang nhanh ở Mỹ trong vòng một thập kỷ tới. Còn theo công ty tư vấn Boston Consulting Group, ở phân khúc cao cấp, hàng cũ sẽ chiếm 9% thị trường hàng xa xỉ toàn cầu vào năm 2021, tăng so với con số 7% vào năm ngoái.

Công nghệ cũng góp phần tạo ra cơn bùng nổ mua sắm trực tuyến, giúp hoạt động mua sắm hàng cũ trở thành một xu hướng chính bằng cách tạo dựng niềm tin lớn hơn cho người tiêu rằng những món đồ cũ cao cấp mà họ mua trên mạng là hàng thật, đồng thời, cho phép họ mua vào những thời gian phù hợp đối với họ.

Khi Hannah Stephenson, một nhà văn 36 tuổi ở Columbus, bang Ohio, cần bổ sung tủ đồ để chuẩn bị cho công việc mới, cô không cần mất thời gian sục sạo các đống áo quần cũ ở cửa hàng từ thiện của tổ chức phi lợi nhuận Goodwill tại nơi cô sống. Thay vào đó, cô nằm trên chiếc trường kỷ ở nhà cô và lướt xem trang web thredup.com vào buổi tối.

“Tôi thích mua đồ secondhand trên mạng hơn là đi đến khu mua sắm vì tôi có thể tìm thấy nhiều món đồ độc đáo hơn”, Stephenson nói.

Theo Wall Street Journal


 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới