Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Trao thêm cơ hội cho doanh nghiệp là góp phần để đất nước tự cường

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Đăng đàn trả lời chấn vấn các đại biểu Quốc hội ngày 4-11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao năng lực các doanh nghiệp số nội địa. Bên cạnh đó ông mong người Việt hãy tin vào doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, trao cho họ nhiều cơ hội hơn để doanh nghiệp có cơ hội phát triển, góp phần để đất nước tự cường.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Giải pháp để doanh nghiệp công nghệ mạnh lên và không bị “chảy máu” nhân lực

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về việc liệu các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có phát triển được các nền tảng số, các ứng dụng số để phục vụ cho nhu cầu nội địa không, ông Hùng cho biết họ không những đáp ứng tốt mà giá còn rẻ hơn giá của nước ngoài. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam còn đi làm chuyển đổi số cho những nước như Nhật, Mỹ thì huống chi không làm được cho Việt Nam.

Cách đây 4 năm, số lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam dưới 40 nghìn và hiện nay đã có 75 nghìn và mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là đến năm 2025 chúng ta sẽ có 100 nghìn doanh nghiệp công nghệ số. Ông Hùng cho biết rất mong người Việt hãy tin vào doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, trao cho họ nhiều cơ hội hơn để các doanh nghiệp có cơ hội phát triển, điều này góp phần tự lực, tự cường Việt Nam.

Ngoài nội dung trên, trả lời chất vấn về vấn đề chảy máu chất xám, nhân tài công nghệ thông tin, ông Hùng cho rằng đây là câu chuyện của thị trường. Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có trả được mức lương như các doanh nghiệp nước ngoài không?

Về đào tạo nhân lực công nghệ thông tin thiếu hụt, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện nay nhân lực làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Việt Nam xấp xỉ khoảng 1,2 triệu. Trong đó trình độ đại học cao đẳng chỉ chiếm non nửa. Các quốc gia như châu Âu, họ đặt mục tiêu đến 2030, nhân lực làm trong lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ thông tin khoảng 5% dân số. Như vậy ông Hùng cho hay Việt Nam sẽ cần 5 triệu người. Nếu chúng ta kém hơn một chút chắc là cũng cần đến 2-3%, tức là 2-3 triệu.

Trong khi đó hiện nay Việt Nam mới có khoảng hơn 600 ngàn nhân lực. Mỗi một năm, chúng ta đào tạo cho ra trường, kể cả đại học và cao đẳng chỉ khoảng 60 -70 ngàn. Do đó vị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng giải pháp đột phá là đại học số. Bởi đào tạo theo cách truyền thống, chúng ta đạt đến mức giới hạn rồi. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục là năm nay sẽ cấp 5 giấy phép về thí điểm đại học số.

Ông Hùng cho hay, một trong những nước làm rất tốt chuyện đại học số là Hàn Quốc và chúng ta có thể học tập kinh nghiệm. Nếu đại học số chúng ta thí điểm sớm thì đây là một trong những giải pháp để có thể nhanh chóng có được nguồn nhân lực công nghệ số.

Vì sao không thể giải quyết triệt để SIM rác?

Trước câu hỏi của đại biểu Quốc hội về việc vì sao vấn đề SIM rác mà xử lý mãi chưa xong, vẫn còn tình trạng này... Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, các đại biểu rất mong muốn là bao giờ chúng ta xử lý triệt để được. Song nếu muốn triệt để theo nghĩa bằng 0 thì chắc cuộc sống không làm được. Nó vẫn phải có tồn tại và tạo ra động lực để mình làm tiếp. Tức là chúng ta sẽ đưa nó về mức chấp nhận được.

Ông Hùng cho hay cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ra đời là một trong những biện pháp quan trọng để chúng ta giải quyết SIM rác một cách căn bản. Trước khi cơ sở dữ liệu quốc gia đưa vào vận hành, khai thác thì Bộ Thông tin và Truyền thông đã loại 22 triệu SIM thông tin không đầy đủ - việc này theo bộ trưởng vất vả và  phải làm trong gần 3 năm. Bộ này đã thanh tra toàn diện và có công văn nhắc nhở trực tiếp chủ tịch, tổng giám đốc của các doanh nghiệp viễn thông, đưa ra quy định là nhà mạng nào lần thứ ba còn để nhắc nhở sẽ xem xét trách nhiệm của tổng giám đốc và chủ tịch các công ty – đây là biện pháp rất mạnh mẽ.

Vị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, khi cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư ra đời thì hiện nhà mạng đang tổ chức đối soát thông tin được ¼ số thuê bao di động. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo là cơ bản trong năm nay cùng lắm là đến đầu năm 2023 phải xong, tức là dữ liệu đó được chính xác.

Kiến nghị nhiều giải pháp phòng chống mua bán, thu thập dữ liệu cá nhân

Về vấn đề mua bán, thu thập dữ liệu cá nhân, ông Hùng cho hay Bộ Thông tin và Truyền thông đặt chương trình trong năm 2022 thanh tra toàn diện các nhà mạng. Sang năm sau sẽ thanh tra các doanh nghiệp bưu chính. Năm 2022 đã có 11 đoàn liên ngành đi kiểm tra về dữ liệu cá nhân và đã chuyển hai vụ việc sang Bộ Công an để xử lý hình sự.

Cũng trả lời về tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu và thông tin cá nhân trước Quốc hội phiên họp ngày 4-11, ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết tình trạng này hiện nay đang diễn ra rất phức tạp. Để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn ông kiến nghị 4 giải pháp.

Một là phải hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách đặc thù về bảo vệ an ninh, an toàn thông tin mạng. Trong đó đã đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sớm cho ý kiến về dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân, vì Nghị định này rất quan trọng. Ông Lâm cho hay cơ quan này đã hoàn thành dự thảo một thời gian rồi, đang xin ý kiến các cơ quan chuyên môn. Nên ông đề nghị việc này Quốc hội và Thường vụ Quốc hội cũng quan tâm.

Thứ hai là các ban, bộ, ngành, các địa phương chủ động đầu tư, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, đảm bảo an ninh hệ thống, an ninh thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, kiểm soát chặt chẽ quy trình bảo đảm an ninh chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ, lưu trữ thông tin dữ liệu cá nhân.

Thứ ba là phải xây dựng chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin, an ninh dữ liệu - để bố trí đội ngũ nhân sự có khả năng, có năng lực để hoàn thành được nhiệm vụ này (không chỉ riêng đối với cơ quan của Bộ Công an mà với các cơ quan có liên quan đến vấn đề bảo vệ dữ liệu đều phải làm việc này).

Thứ tư là cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên lĩnh vực an ninh mạng, an ninh dữ liệu và mở rộng quan hệ hợp tác với quốc gia, các tổ chức, doanh nghiệp, bảo mật an ninh mạng hàng đầu trên thế giới. Tích cực tham gia xây dựng các sáng kiến, các cơ chế phối hợp, các Bộ quy tắc, tiêu chuẩn về dữ liệu bảo vệ an ninh mạng và an ninh dữ liệu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới