(KTSG) - Cho dù loài người còn xa thời đại của trí tuệ nhân tạo (AI) trong các bộ phim viễn tưởng khoa học, nơi robot có thể suy nghĩ, có cảm xúc hay... nổi loạn, thì những tiến bộ công nghệ gần đây như máy học (machine learning) hay AI tạo sinh (Generative AI - loại trí tuệ nhân tạo nhằm tạo ra dữ liệu mới dựa trên nền tảng dữ liệu hiện có) đang thu hút sự chú ý của công chúng và của các nhà làm luật.
- Quyền nhân thân và trí tuệ nhân tạo: không dễ dung hòa!
- Tham vọng của Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo
Giờ đây không ai còn sửng sốt khi chứng kiến AI trao đổi về bất cứ chủ đề nào, hay viết thơ, sáng tác nhạc và vẽ tranh.
Với tốc độ phát triển hiện nay, AI đang làm thay đổi toàn thế giới theo hướng tích cực, như cải thiện vấn đề chăm sóc sức khỏe (nhất là trong chẩn đoán và dự đoán bệnh), nâng cao năng suất nông nghiệp, thúc đẩy an toàn, an ninh. Tuy nhiên AI cũng mang lại vô số những nguy cơ tiềm tàng, như thiếu minh bạch, phân biệt đối xử, vi phạm quyền riêng tư cá nhân, đó là chưa nói tới việc sử dụng AI với mục đích bất hợp pháp. Không chỉ thế, các công ty tư nhân chuyên về AI thường đánh giá thấp các nguy cơ nói trên và thiếu các biện pháp bảo vệ người dùng các ứng dụng AI, nhất là trong bối cảnh chưa có các quy định pháp lý rõ ràng trong lĩnh vực này
AI là sự kết hợp của nhiều công nghệ khai thác dữ liệu, thuật toán và khả năng tính toán. Sự phát triển của AI dựa trên hai “xương sống” là những tiến bộ vượt bậc trong năng lực tính toán cũng như khối lượng dữ liệu ngày càng tăng. Có thể nói, AI cũng là một trong các ứng dụng quan trọng nhất trong nền kinh tế dựa trên dữ liệu. Chúng ta cũng đang ở thời điểm cho phép khẳng định rằng sự tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của xã hội sẽ ngày càng dựa vào các giá trị do dữ liệu tạo ra. Hiện nay, phần lớn các dữ liệu đang được lưu giữ và sử dụng là các dữ liệu liên quan tới người tiêu dùng. Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán rằng trong tương lai gần, các dữ liệu sẽ ngày càng phong phú hơn và một phần lớn sẽ đến từ các ngành công nghiệp, các doanh nghiệp cũng như trong khu vực công.
Nhiều chính phủ đang nỗ lực xây dựng một hệ sinh thái AI trong đó mục tiêu chính là cải thiện dịch vụ y tế, hệ thống giao thông cũng như các dịch vụ công khác đáp ứng nhu cầu cho người dân, doanh nghiệp có thể phát triển các thế hệ dịch vụ, hàng hóa mới.
Thị trường dữ liệu - điều kiện phát triển AI
Như chúng ta đã biết, không thể tách rời AI và dữ liệu. Để phát triển và quản lý hiệu quả AI, cần phải có chính sách cụ thể và hợp lý trong việc quản lý dữ liệu.
Hãy lấy ví dụ là Liên minh châu Âu. Theo Sách Trắng của Ủy ban châu Âu đưa ra năm 2020 thì dữ liệu là yếu tố then chốt trong việc hình thành các hệ thống AI. Vì thế, các câu hỏi liên quan tới khả năng sử dụng dữ liệu được đặt ra. Theo tài liệu này, Ủy ban châu Âu có tham vọng phát triển dữ liệu trong một vài khu vực trọng điểm như y tế, năng lượng, dữ liệu tài chính... cũng như thúc đẩy sự dịch chuyển trao đổi dữ liệu từ khu vực công tới các doanh nghiệp và ngược lại, cũng như giữa các doanh nghiệp với nhau.
Không thể tách rời AI và dữ liệu. Để phát triển và quản lý hiệu quả AI, cần phải có chính sách cụ thể và hợp lý trong việc quản lý dữ liệu.
Về sự chia sẻ và sử dụng dữ liệu cá nhân giữa các doanh nghiệp, Ủy ban châu Âu cho rằng hiện nay Liên minh châu Âu còn chưa đạt được mức độ hợp lý. Lý do của sự thiếu chia sẻ hợp tác có nhiều, như việc còn thiếu những biện pháp khuyến khích từ chính phủ, các doanh nghiệp lo ngại sẽ mất đi năng lực cạnh tranh trên thị trường nếu như chia sẻ dữ liệu của doanh nghiệp với các doanh nghiệp khác, sự thiếu tin tưởng giữa các doanh nghiệp cũng như thiếu một khuôn khổ pháp lý rõ ràng và cụ thể, giúp xác định rõ giới hạn sử dụng dữ liệu.
Vì thế, mục tiêu hiện nay của Liên minh châu Âu là tạo ra một khuôn khổ thúc đẩy dịch chuyển dữ liệu trong liên minh, như trước mắt là áp dụng nguyên tắc tự do dịch chuyển dữ liệu phi cá nhân và các nước thành viên chỉ có thể áp dụng các hạn chế trong lĩnh vực này dựa trên lý do an ninh công cộng mà thôi. Cũng xin bổ sung rằng, Liên minh châu Âu hiện nay đang đi đầu trong chương trình xây dựng, phát triển AI dựa trên các giá trị cá nhân căn bản, như phẩm giá cá nhân và bảo vệ quyền đời sống riêng tư của cá nhân.
Gần đây, Ủy ban quốc gia về thông tin và tự do của nước Pháp (CNIL) - vốn là quốc gia coi trọng việc bảo vệ dữ liệu cá nhân hàng đầu thế giới - cũng kêu gọi ý kiến của các chuyên gia liên quan tới việc đưa việc phát triển các hệ thống AI vào khuôn khổ, nhằm mục đích đảm bảo quyền cá nhân đồng thời khuyến khích, hỗ trợ đổi mới sáng tạo.
Quyền sở hữu trí tuệ và AI
Một trong các câu hỏi đặt ra gần đây chính là việc AI sử dụng dữ liệu được luật về sở hữu trí tuệ bảo hộ (nội dung, hình ảnh, âm nhạc...) để tạo ra nội dung mới (Generative AI). Trong lĩnh vực này, chưa có khuôn khổ pháp lý cụ thể nào được thông qua. Trên thực tế, thay vì xin phép các tác giả và nghệ sĩ sử dụng nội dung bảo hộ, thì các công ty AI lại đang chọn cách sử dụng tự do một khối lượng khổng lồ các dữ liệu này như “training data” (dữ liệu đào tạo - dữ liệu ban đầu được đưa vào các thuật toán machine learning để đào tạo cách đưa ra dự đoán hoặc thực hiện các hoạt động sáng tạo nội dung). Hiện nay, nhiều nghệ sĩ đã khởi kiện Midjourney, Stability AI hay DeviantArt vì lý do này.
Câu hỏi này hiện đang được thảo luận ở Ủy ban Thượng nghị viện Mỹ từ vài tháng nay. Trong một phát biểu tại Ủy ban, Karla Ortiz, nghệ sĩ tạo hình nổi tiếng người Mỹ từng tham gia vào các phim bom tấn Marvel như Guardians of the Galaxy Vol. 3, Loki, The Eternals, Black Panther, Avengers: Infinity War và Doctor Strange tuyên bố rằng “Tôi không còn chắc chắn về tương lai của mình - một công nghệ mới nổi lên đe dọa sự nghiệp của các nghệ sĩ như tôi - đó chính là AI tạo sinh. Công nghệ này đã sử dụng những sáng tạo của tôi mà không xin phép, không công nhận cũng như không có bất cứ đền bù nào... Tôi không phản đối AI, nhưng AI cần phải công bằng và tuân thủ các nguyên tắc đạo đức. AI cần phải công bằng với khách hàng sử dụng AI, cũng như đối với những người sáng tạo như tôi, người tạo ra “nguyên liệu” mà AI phụ thuộc vào”. Cô cũng là người cùng các nghệ sĩ khác đâm đơn khởi kiện Stable Diffusion, Midjourney và DreamUp - ba công ty sáng tạo hình ảnh bằng AI.
Giới học giả và chuyên gia Mỹ có nhiều ý kiến trái chiều trong vấn đề này. Người thì cho rằng nên sử dụng ngoại lệ “sử dụng hợp lý” (fair use) để áp dụng trong trường hợp AI sử dụng nội dung được bảo hộ, vì lý do “bất khả kháng” trên thực tế: không công ty phát triển AI nào có khả năng liên hệ từng chủ sở hữu một để xin phép và trả tác quyền. Đây cũng là lập luận của Google trong dự án số hóa sách tại một số thư viện của Mỹ (xem vụ kiện Authors Guild, inc v. Google, Inc.). Tất nhiên, cách tiếp cận này không làm cho người sở hữu quyền tác giả hài lòng. Một cách tiếp cận khác được đề xuất là opt-out: chủ sở hữu có thể lựa chọn tuyên bố không cho phép sử dụng ngay từ đầu, để các tác phẩm của họ được loại ra khỏi dữ liệu training data của AI.
Đối với nội dung AI tạo ra dựa trên các dữ liệu có sẵn, các ý kiến tham gia tại Ủy ban Thượng viện Mỹ cũng nghiêng về quan điểm không bảo hộ các nội dung này, vì nguyên tắc tồn tại hiện nay không cho phép bảo hộ các tác phẩm do máy móc tạo ra.
Có thể nói, ở thời điểm hiện nay, đứng trước khả năng ngày càng có nhiều tranh chấp xảy ra liên quan tới AI và sử dụng dữ liệu, các quốc gia càng cần sớm xây dựng khuôn khổ pháp lý, để đảm bảo quyền lợi cho các nghệ sĩ đích thực, cũng như khuyến khích sáng tạo và đổi mới.