Thứ năm, 21/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Trí tuệ nhân tạo và quyền tác giả – vẫn chưa ngã ngũ!

Lê Thiên Hương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Gần đây, một nhóm các nhà văn, trong đó có những tên tuổi nổi tiếng như John Grisham, Jonathan Franzen, Elin Hilderbrand hay cả tác giả của Game of Throne - George R.R. Martin, đã đâm đơn kiện công ty OpenAI ra tòa án New York.

Các tác giả cho rằng công ty này đã vi phạm quyền tác giả khi sử dụng các tác phẩm của họ như dữ liệu để “đào tạo” phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) ChatGPT. Trong đơn kiện nói trên, bên nguyên đơn cũng tuyên bố rằng ứng dụng AI ChatGPT của OpenAI đã có thể tạo ra các tác phẩm phái sinh, bắt chước phong cách viết của tác giả. Điều này có thể có tác động tiêu cực tới vị trí của các tác giả đích thực trên thị trường sách, trong khi họ không hề được công ty OpenAI đền bù, hay thậm chí thông báo về việc sử dụng này.

Hiện nay, OpenAI không tiết lộ những tác phẩm nào được sử dụng để đào tạo ChatGPT nhưng cũng không phủ nhận thực tế đã sử dụng những nội dung được luật bản quyền bảo hộ mà không hề xin phép tác giả. “Trong mỗi thuật toán của ChatGPT là hành vi ăn trộm một cách có hệ thống trên diện rộng”, luật sư của các tác giả nêu. Hiện nay, OpenAI và các công ty tương tự cũng là đối tượng khiếu kiện của nhiều tác giả hay nhà lập trình khác.

Kể từ khi ChatGPT cũng như các phần mềm AI khác như Stability AI, Midjourney et DeviantArt (còn gọi là Generative AI – AI tạo nội dung/hình ảnh mới) ra đời, các chủ sở hữu quyền tác giả ngày càng lo ngại trước việc AI sử dụng tự do các tác phẩm bảo hộ để tạo ra nội dung mới. Đây cũng là vấn đề mới mẻ trong lĩnh vực luật bản quyền, vì thế chưa có luật nào được thông qua để đưa AI vào khuôn khổ pháp lý.

Gần đây, lo ngại về hiện tượng sách chuyên ngành do AI tạo nội dung xuất hiện ngày càng nhiều trên Amazon, Hội nghiên cứu và phát triển Nấm New York đã phải ra thông báo khuyến cáo công chúng không nên mua vì chất lượng khoa học đáng ngờ của loại sách này. Amazon cũng có động thái để kiểm soát và kìm hãm dòng sách “tác giả” AI.

Vừa qua, công ty bán lẻ trực tuyến hàng đầu thế giới này đã ra một số tài liệu yêu cầu các tác giả tự xuất bản phải thông báo có sử dụng AI hay không trong quá trình tạo nội dung. Theo đại diện Amazon, có khả năng trong tương lai doanh nghiệp sẽ công khai những đầu sách do AI tạo ra để người mua được thông tin minh bạch.

Các chủ sở hữu quyền tác giả ngày càng lo ngại trước việc AI sử dụng tự do các tác phẩm bảo hộ để tạo ra nội dung mới. Đây cũng là vấn đề mới mẻ trong lĩnh vực luật bản quyền, vì thế chưa có luật nào được thông qua để đưa AI vào khuôn khổ pháp lý.

Ở thời điểm này, các nghệ sĩ, nhà văn và nhiều tổ chức khác đang đấu tranh để các nhà làm luật quốc gia đưa vào khuôn khổ pháp lý việc AI sử dụng nội dung, hình ảnh mà luật bản quyền bảo hộ.

Nhiều người trong số họ yêu cầu cấm hoàn toàn việc sử dụng nói trên trong trường hợp không có sự cho phép rõ ràng của chủ sở hữu quyền tác giả, đồng thời buộc các công ty về AI phải đền bù thiệt hại cho các tác giả bị ảnh hưởng quyền lợi hợp pháp.

Trong khi OpenAI không có động thái gì cụ thể, thì Microsoft - nhà đầu tư chính của ChatGPT lại thông báo rằng sẽ cung cấp một sự hỗ trợ pháp lý cho khách hàng bị cáo buộc vi phạm quyền tác giả đối với nội dung do các công cụ phần mềm AI của công ty này tạo ra.

Trong bối cảnh này, các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp khác nhau. Một số cho rằng hành vi sử dụng tác phẩm không xin phép này là vi phạm quyền tác giả, một số khác lại cho rằng AI tạo ra tác phẩm mới hoàn toàn khác với các tác phẩm được sử dụng để “đào tạo” AI, thì cần phải coi đây là trường hợp “ngoại lệ sử dụng hợp lý”, vốn được cho phép trong luật bản quyền.

Gần đây, trước những lo ngại của chủ sở hữu quyền tác giả, Liên minh châu Âu khẳng định rằng khuôn khổ pháp lý của tổ chức này có thể đảm bảo một sự cân bằng giữa quyền lợi, lợi ích của các công ty trong lĩnh vực AI và sự tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của các nghệ sĩ. Theo Ủy ban châu Âu, những ngoại lệ mà luật bản quyền của Liên minh châu Âu công nhận liên quan tới việc phân tích và sử dụng dữ liệu chọn lọc có thể được áp dụng trong trường hợp của AI.

Cụ thể, những quy định hiện tại đủ để cho phép chủ sở hữu quyền tác giả từ chối việc AI khai thác các nội dung được bảo hộ, và vì thế, không cần ra luật mới để điều chỉnh hành vi AI sáng tạo nhờ “khai thác” các tác phẩm đã có. Tuy không cần sửa luật nhưng Ủy ban châu Âu cũng cho biết sẽ “theo dõi sát sao” những tiến bộ của AI, để đảm bảo không có tác động tiêu cực tới hoạt động sáng tạo trong liên minh này.

Như thế, Liên minh châu Âu cũng có phần ngả theo khuynh hướng cho chủ sở hữu được chọn giải pháp opt-out (lựa chọn đưa tác phẩm ra khỏi dữ liệu training data của AI). Tuy nhiên, điều khó khăn có thể nằm trong chính việc áp dụng quy định này. Ví dụ, tác giả và nhà xuất bản chọn giải pháp opt-out để không cho phép AI sử dụng trang bìa sách như dữ liệu đào tạo, trong khi cho phép nhà bán lẻ đưa trang bìa lên trang web của họ để quảng cáo sách. Nếu nhà bán lẻ sách không có quyền chọn giải pháp opt-out, trang bìa này hoàn toàn có thể bị AI đưa vào dữ liệu đào tạo để sử dụng.

Trên thực tế, từ 2019 đến nay, hàng triệu hình ảnh và nội dung được luật bản quyền bảo hộ đã bị thu thập để tạo dữ liệu cho AI, trước khi các tác giả hay chủ sở hữu quyền tác giả kịp phản ứng. Chỉ từ vài tháng gần đây, khi chứng kiến khả năng tạo nội dung của AI từ dữ liệu đã có, làn sóng phản đối từ các nghệ sĩ, tác giả mới được dấy lên. Không chỉ thế, theo các nhà khoa học, các hệ thống AI tạo nội dung mới sẽ còn tiếp tục phát triển đổi mới, tạo ra thêm nhiều khả năng cũng như nguy cơ mới cho các nhà sáng tạo “truyền thống”.

Trong trường hợp giải pháp opt-out có thể được thực hiện một cách hiệu quả, câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ xảy ra với những nội dung mới đã được tạo ra từ những nội dung thuộc nhóm opt-out, hay với những thuật toán đã sử dụng những nội dung này.

Ngoài ra, cũng cần phải bổ sung rằng các hệ thống AI tạo nội dung mới hiện nay đang sử dụng những dữ liệu cá nhân mà không tôn trọng các quy định pháp lý về đời tư hay về việc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Gần đây, Ủy ban liên bang của Mỹ về cạnh tranh (Federal Trade Commission) đã xử phạt một số doanh nghiệp vì vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và buộc các doanh nghiệp này phải hủy bỏ các chương trình máy tính phát triển dựa trên những thông tin thu thập một cách bất hợp pháp đó. Đây cũng có thể là một giải pháp để các nhà làm luật xem xét, trong trường hợp AI sử dụng dữ liệu bất hợp pháp.

Việc đạt được một sự cân bằng giữa phát triển các hệ thống AI và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sẽ vẫn là một mục đích khó khăn, nếu như không có sự minh bạch trong việc thu thập và xử lý dữ liệu ở các doanh nghiệp tư nhân. Vì thế hiện nay nhiều chuyên gia kêu gọi nâng cao yêu cầu về tính minh bạch đối với các chủ sở hữu cơ sở dữ liệu. Không có sự minh bạch này, các tác giả nghệ sĩ sẽ khó có thể bảo vệ quyền lợi bản thân và các doanh nghiệp phát triển AI càng được thế “tự tung tự tác”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới