Thứ năm, 7/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Triển khai cơ chế đặc thù phát triển TPHCM: Cần quán triệt tư tưởng dân giàu thì thành phố mạnh

Phạm Đỗ Chí - Phan Thanh Hà

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Singapore là tấm gương thực tế gần gũi cho TPHCM: trong vòng 30 năm, từ một vùng đất thiếu tài nguyên thiên nhiên, đã trở thành trung tâm tài chính của khu vực, nơi nhiều công ty quốc tế đến đặt trụ sở, với cơ sở hạ tầng giao thông và viễn thông đáp ứng nhu cầu phát triển. Cơ chế đặc thù kinh tế cùng với giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam, duy trì “nét phương Đông” trong phát triển sẽ giúp thành phố trở nên hấp dẫn, độc đáo.

Singapore cải thiện đến 10 bậc trong bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu mặc cho “mùa đông khắc nghiệt” đang đông cứng dòng vốn mạo hiểm cho startup. Ảnh: Nikkei Asia

Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM bao gồm 44 cơ chế, chính sách với 7 lĩnh vực nhưng cần xoay quanh 3 trụ cột kinh tế, gồm 1) Phát triển kinh doanh, thương mại (ngay từ năm 2023); 2) Xây dựng thành phố trở thành công xưởng chế tạo linh kiện điện tử, bán dẫn (2027); 3) Thành lập và phát triển Trung tâm Ngoại hối TPHCM vào năm 2025, tiến tới Trung tâm Tài chính TPHCM vào năm 2030.

Huy động nguồn vốn nhà nước từ nguồn thu thuế và ngoài thuế cho đầu tư phát triển của thành phố, tìm kiếm nguồn tài chính khác cho các dự án, dù là của Nhà nước hay tư nhân là vấn đề hàng đầu để đạt mục tiêu phát triển. Đó là lý do cần xây dựng trung tâm tài chính ở thành phố, mặc dù cơ chế đặc thù không đề cập lĩnh vực này như một ưu tiên đầu tư và thành phố không được trao quyền lựa chọn nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực này.

Để đạt được mục tiêu phát triển thịnh vượng, điều kiện cần thiết là xây dựng kinh tế thị trường đúng nghĩa cho thành phố, từ đó có nguồn tài chính để thực hiện các mục tiêu, thể hiện ở chế độ tiền lương công chức, viên chức và hệ thống an sinh xã hội (trường học, bệnh viện và cơ sở chăm sóc người khuyết tật, trẻ em mồ côi và người cao tuổi).

Vai trò của Nhà nước là xây dựng nền tảng xương sống, phần còn lại để cho các nhà đầu tư và nhân dân tự phát triển. Quy luật kinh tế thị trường sẽ dẫn dắt họ tiến tới mục tiêu thịnh vượng. Trong khuôn khổ luật pháp hiện hành, chính quyền thành phố cần quán triệt tư tưởng dân giàu, thành phố mạnh: cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, chứ không tạo rào cản cho doanh nghiệp. Đây là tiêu chí hàng đầu đánh giá một trung tâm tài chính.

Huy động nguồn vốn nhà nước từ nguồn thu thuế và ngoài thuế cho đầu tư phát triển của thành phố, tìm kiếm nguồn tài chính khác cho các dự án, dù là của nhà nước hay tư nhân là vấn đề hàng đầu để đạt mục tiêu phát triển. Đó là lý do cần xây dựng trung tâm tài chính ở thành phố.

Kinh tế thị trường đòi hỏi cơ sở nền tảng là quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, tức là quyền cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

Thành phố có nguồn vốn lớn là tài sản thuộc quyền quản lý, sử dụng của mình. Khai thác nguồn tài sản này đem lại nguồn kinh phí không thua kém ngân sách được phân cấp hàng năm. Thành phố cần đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm kê và công nhận tài sản thuộc sở hữu của thành phố, bao gồm trước hết là các trụ sở của cơ quan nhà nước và doanh nghiệp thuộc quyền quản lý của thành phố; trên cơ sở đó quản lý tài sản của thành phố (sử dụng, cho thuê, liên kết khai thác, cổ phần hóa và quản lý phần vốn của thành phố tại các doanh nghiệp cổ phần hóa).

Phát triển đô thị theo phương thức TOD không hoàn toàn mới: phát triển đô thị dựa trên quy hoạch, bao gồm quy hoạch giao thông và không chỉ là đường bộ hay đường sắt đô thị mà cả cảng biển (Cần Giờ), cảng hàng không được kết nối với nhau.

Trong quản lý đầu tư, vai trò cần thiết của Nhà nước trong tạo thuận lợi cho kinh doanh là nâng cao tính minh bạch của các quy hoạch và quy định đầu tư. Thành phố cần công khai rõ ràng quy hoạch ở tất cả quận huyện với bản đồ chi tiết, phân biệt đất thổ cư hay đất nông nghiệp, đất xây dựng thương mại công nghiệp; hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hoàn chỉnh hệ thống đăng ký tài sản, bao gồm quyền sử dụng đất.

Cơ chế đặc thù cho phép thành phố thu hút doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng dưới hình thức BOT và thậm chí BT thanh toán bằng ngân sách thành phố, mở rộng cho tư nhân tham gia trong các lĩnh vực thể thao, văn hóa. Đối với dự án đầu tư PPP, thành công phụ thuộc vào cân bằng lợi ích của nhà đầu tư tư nhân và số đông người sử dụng dịch vụ công mà thành phố giao cho tư nhân thực hiện. Thăm dò, khảo sát ý kiến người dân một cách khách quan là bước cẩn trọng trước khi xây dựng dự án đầu tư PPP. Cần làm rõ sự khác nhau giữa dự án BT thanh toán bằng tiền và đầu tư từ ngân sách nhà nước với công ty tư nhân thắng thầu.

Tổng kinh phí đầu tư hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2025 dự kiến khoảng 266.000 tỉ đồng, gồm ngân sách TPHCM là 92.000 tỉ đồng, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là 174.000 tỉ đồng (gấp 1,9 lần vốn ngân sách thành phố). Nhưng cần lưu ý rằng các nhà đầu tư tư nhân chỉ sử dụng một tỷ lệ nhỏ vốn chủ sở hữu trong tổng vốn đầu tư (10-20%), phần còn lại phải huy động từ các tổ chức tài chính. Tín dụng ngân hàng không phải là cách thu xếp tài chính phù hợp cho các dự án phát triển (của tư nhân và chính quyền thành phố) do sự khác biệt giữa kỳ hạn huy động và nhu cầu sử dụng vốn làm tăng nghĩa vụ trả nợ rất lớn; cần huy động vốn từ thị trường tài chính, gồm cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp. Thành phố được vay vốn từ các nguồn khác (các tổ chức không phải là tổ chức tài chính) nhưng cần lưu ý điểm này.

Về quản lý đất đai thì các tổ chức được thành phố cho thuê đất hàng năm được quyền thế chấp là hợp lý nhưng cho phép chuyển nhượng, cho thuê lại là ảnh hưởng đến quyền của đại diện chủ sở hữu.

Vào thời điểm hiện nay, để giúp doanh nghiệp phục hồi, cần giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, trong khi đó cơ chế đặc thù lại dự kiến tăng thu phí, tăng biên chế bộ máy hành chính, kể cả số lượng cấp phó.

Người dân trông chờ nhiều nhất từ cơ chế đặc thù là đem lại sự thay đổi trong hoạt động của chính quyền thành phố, từ cấp thành phố, đến quận/huyện và xã/phường: giảm nhu cầu chi cho bộ máy đang cần được tinh giản, nâng cao hiệu quả hoạt động bằng cách tiếp tục triển khai chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử.

Việc đề xuất giải pháp, giao nhiệm vụ phải được thực hiện trên cơ sở đề án có tính đến điều kiện bộ máy, khả năng tài chính và năng lực cán bộ. Cơ chế đặc thù cho phép xây dựng bộ máy chuyên nghiệp: tuyển chọn đội ngũ giỏi chuyên môn, có kiến thức công nghệ là các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc các trường đại học và cao đẳng trên cơ sở đầu tư xây dựng hệ thống giáo dục, từ phổ thông đến đại học, đào tạo nghề vào nhóm hàng đầu Đông Nam Á. Xây dựng tiêu chí đánh giá hoạt động của bộ máy hành chính thông qua tổ chức hiệp hội nghề nghiệp về mức độ thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước cũng là phương thức đánh giá hiệu quả.

Một số vấn đề khác là tổ chức thực hiện quyền hiến định của người dân, các tổ chức kinh tế xã hội, các chuyên gia: được tham gia xây dựng các quy định hành chính và kinh tế áp dụng trên địa bàn thành phố trước khi ban hành và đánh giá trong quá trình thực hiện. Đẩy nhanh việc xét xử các tranh chấp trong kinh doanh, căn cứ vào quy định luật pháp. Tòa án xét xử minh bạch, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân là yếu tố quan trọng đánh giá môi trường kinh doanh.

Trên đây là một vài ý chính cấp thiết cho việc triển khai và tận dụng cơ chế đặc thù mới cho TPHCM. Cần tiến hành nhanh và mạnh các việc này trong nửa cuối năm 2023 và sang năm 2024 để vực dậy nền kinh tế thành phố như đầu tàu kéo theo kinh tế cả nước đang được dự báo vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Để đẩy nhanh cổ phần hóa, cần chia các doanh nghiệp nhà nước cần cổ phần hóa thành hai loại:

(1) Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà thành phố nhất thiết phải nắm giữ quyền kiểm soát. Trong các DNNN loại này, tư nhân có thể tham gia nhưng chỉ có tính chất như hình thức hợp tác công tư (PPP) trong đầu tư phát triển các dịch vụ hàng hóa công ích. Nên lựa chọn các nhà đầu tư tổ chức làm cổ đông chiến lược, hơn là các nhà đầu tư đại chúng.

(2) DNNN mà Nhà nước sẽ không nắm quyền kiểm soát mà muốn thoái vốn theo cách đảm bảo lợi ích lớn nhất cho Nhà nước: Bán khoảng 5-10% cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược và khoảng 5-10% cổ phần cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Nhà nước vẫn nắm giữ từ 80-90% cổ phần. Cần xác định rõ lộ trình sẽ thoái toàn bộ vốn khỏi các doanh nghiệp này ngay từ đầu trong phương án cổ phần hóa. Việc thoái vốn từ từ, giao quyền điều hành cho hội đồng quản trị: Với tỷ lệ cổ phần bán ra không nhiều trong lần đầu, giá trị của doanh nghiệp có thể chưa chính xác. Mục đích chính là chuyển các DNNN này thành các doanh nghiệp cổ phần. Sau khi niêm yết, giá trị của doanh nghiệp sẽ do thị trường quyết định. Mặc dù nắm giữ tỷ lệ cổ phần lớn nhưng Nhà nước sẽ không nắm toàn bộ quyền kiểm soát doanh nghiệp mà giao cho hội đồng quản trị.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới