Thứ Hai, 22/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Triển khai kế hoạch thực hiện cam kết phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050

N.Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó lồng ghép các nội dung thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng hướng dẫn cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; đấu giá, chuyển giao, vay mượn và nộp trả hạn ngạch phát thải khí nhà kính.

Việt Nam đẩy mạnh phát triển điện gió, điện mặt trời để thực hiện cam kết phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050. Trong ảnh là dự án điện giớ ngoài khơi La Gàn (tỉnh Bình Thuận) do các nhà đầu tư Đan Mạch phát triển. Ảnh minh hoạ: DNCC

TTXVN đưa tin, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Quyết định số 739/QĐ-BTNMT về kế hoạch của bộ triển khai thực hiện đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Hội nghị COP 26).

Theo đó, kế hoạch phân công nội dung, nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng thời, xác định danh mục các nhiệm vụ nhằm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án trong phạm vi quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhằm thực hiện mục tiêu cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Về xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó lồng ghép các nội dung thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26; rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để triển khai thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bộ hướng dẫn lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch; rà soát, cập nhật các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển phù hợp với mục tiêu cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Các đơn vị thuộc bộ tập trung xây dựng các quy định hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; đấu giá, chuyển giao, vay mượn và nộp trả hạn ngạch phát thải khí nhà kính…

Về thực hiện các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, bộ sẽ triển khai đánh giá tiềm năng, trữ lượng các loại khoáng sản phục vụ sản xuất pin năng lượng, lưu trữ năng lượng, ứng dụng trong lắp ráp các thiết bị, phương tiện thân thiện với môi trường; điều tra, khảo sát, đánh giá tổng thể tiềm năng năng lượng bức xạ, gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam phục vụ phát triển năng lượng tái tạo.

Các cơ quan chức năng ngành môi trường sẽ thử nghiệm công nghệ khí hóa than, thu hồi, chôn lấp các-bon tại các vỉa than ngầm bể sông Hồng; nghiên cứu, triển khai thí điểm các giải pháp thu hồi, lưu giữ các-bon từ các nguồn phát thải lớn cho một số lĩnh vực, vùng có tiềm năng; nghiên cứu, áp dụng các biện pháp chôn lấp chất thải rắn có thu hồi khí phát điện và chôn lấp bán hiếu khí, phát điện sinh khối.

Về thực hiện các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, bộ triển khai rà soát, cập nhật kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng, triển khai các nhiệm vụ thực hiện sáng kiến của Liên hợp quốc về “Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái”.

Các đơn vị điều tra, đánh giá và đề xuất mô hình phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu đối với khu vực miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung; bảo vệ, phục hồi và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, hệ sinh thái biển và các hệ sinh thái ngập nước quan trọng. Cải thiện, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước…

Về giám sát, đánh giá, bộ sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới