(KTSG) - Bước sang năm 2022, các tín hiệu “tan băng” của hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng đang ngày một trở nên rõ nét.

Giá cổ phiếu “thức giấc”
Việc Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc mở cửa hoàn toàn và đưa khách Việt Nam đi nước ngoài là thông tin đáng chú ý nhất cho ngành du lịch nói chung và các cổ phiếu ngành du lịch nói riêng trong thời gian qua. Trước đó, các thông tin tích cực như việc mở lại đường bay quốc tế cùng việc thống nhất quan điểm cần đẩy nhanh mở cửa lại biên giới một cách an toàn tại Đối thoại Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) lần thứ 7 cũng đã tạo sự hứng khởi cho nhóm ngành này.
Cụ thể, nhiều cổ phiếu như VTD (của Công ty cổ phần (CTCP) Vietourist), OCH (của CTCP Khách sạn và dịch vụ OCH), CTC (của CTCP Hoàng Kim Tây Nguyên), VTR (của CTCP Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam - Vietravel), VNG (của CTCP Du lịch Thành Thành Công)… đã có bước tăng giá ấn tượng, với mức trung bình từ 20-30% trong hơn một tháng vừa qua.
Không chỉ cổ phiếu của các doanh nghiệp du lịch lữ hành, cổ phiếu của các doanh nghiệp dịch vụ lưu trú cũng có bước tăng giá mạnh. Điển hình là cổ phiếu CEO của CTCP Tập đoàn CEO. Trong ba tháng vừa qua, cổ phiếu này đã tăng gần 80%, còn nếu chỉ tính riêng từ Tết Nguyên đán tới nay, cổ phiếu này cũng đã tăng hơn 10%. Việc báo lãi trở lại sau hai năm thua lỗ, cùng những thông tin tích cực về hoạt động bán hàng ở các dự án trọng điểm như Vân Đồn (Quảng Ninh) hay Phú Quốc (Kiên Giang) là động lực cho đà tăng của cổ phiếu này trong giai đoạn vừa qua.
Trong khi đó, cổ phiếu FIT (CTCP Tập đoàn F.I.T) cũng ghi nhận đà tăng 10% trong hơn hai tuần qua sau thông tin doanh nghiệp này bắt tay với Tập đoàn Crystal Bay triển khai dự án Cap Padaran Mũi Dinh (tại xã Phước Dinh huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) với quy mô đầu tư 1 tỉ đô la Mỹ, trong đó, F.I.T góp 60% và Crystal Bay góp 40%.
Gây chú ý trong nhóm này còn có cổ phiếu VHD (CTCP Đầu tư phát triển nhà và đô thị Vinahud) với mức tăng 50% trong vòng gần một tháng. Sau tái cấu trúc cùng định hướng chuyển sang phát triển bất động sản nghỉ dưỡng, nhờ được R&H Group cùng Bamboo Capital bơm vốn, Vinahud đặt tham vọng lớn trong bối cảnh thị trường nghỉ dưỡng đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại.
Hồi cuối tháng 2 vừa qua, công ty đã ký kết hợp tác với CTCP Bất động sản Thế Kỷ (Cen Land) để cùng phát triển ba dự án: dự án Khu đô thị sinh thái, vui chơi giải trí Viên Nam (Kỳ Sơn, Hòa Bình), dự án Parahills (Cao Phong, Hòa Bình) và dự án Làng Hoa Tiền Phong (Mê Linh). Dự kiến các dự án sẽ ra hàng trong quí 2 và quí 3-2022 và Cen Land là đơn vị độc quyền tiếp thị và phân phối dự án.
Kỳ vọng hồi phục lớn
Theo thống kê của Fiinpro, du lịch và giải trí là một trong ba nhóm ngành có mức tăng điểm thấp nhất trên thị trường chứng khoán năm 2021, khi chỉ tăng 6,3%, trong khi chỉ số VN-Index đạt mức tăng lên đến gần 36%. Điều này là hoàn toàn hợp lý và dễ hiểu khi hai nhóm ngành này nằm trong số những ngành bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi dịch Covid-19 suốt hơn hai năm qua.
Tuy nhiên, bước sang năm 2022, các tín hiệu tan băng của hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng đang ngày một trở nên rõ nét. Từ đầu quí 1-2022, chỉ số Google Mobility (chỉ số thể hiện xu hướng di chuyển của cộng đồng) đang cho xu hướng nhích lên khá rõ so với mức thấp cuối tháng 9 năm ngoái khi việc đi lại không còn là trở ngại, đặc biệt là sau khi Chính phủ tiêm vaccine ngừa Covid-19 mũi thứ 3 cho công dân từ 12 tuổi trở lên.
Số liệu của Tổng cục Du lịch cho biết, chỉ trong chín ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2022, cả nước đã đón và phục vụ 6,1 triệu lượt du khách nội địa, doanh thu ước đạt hơn 25.000 tỉ đồng. Ngoài ra, việc mở hướng kinh doanh mới, đầu tư tài chính, tiết giảm chi phí… giúp nhiều doanh nghiệp du lịch cải thiện dần lợi nhuận từ cuối năm ngoái cũng là điểm cộng đối với kỳ vọng của nhà đầu tư trong trung và dài hạn.
Bản báo cáo công bố hồi đầu tháng 3-2022 của Savills Việt Nam cho thấy, số lượng dự án khách sạn và resort mang thương hiệu tại Việt Nam đã có sự tăng trưởng ấn tượng, từ 36 dự án (8.200 phòng) vào năm 2010 lên đến 120 dự án (32.000 phòng) vào cuối tháng 1-2022.
Nếu như trước đây các đơn vị điều hành quốc tế và khu vực có xu hướng chú trọng sự hiện diện tại các thị trường trọng điểm như TPHCM, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc thì hiện nay các điểm đến du lịch đang phát triển (Hồ Tràm, Đà Lạt, Phan Thiết, Quy Nhơn...) cũng đang nhận được nhiều sự quan tâm. Theo thống kê của Savills Hotels, khoảng 64 thương hiệu khách sạn khu vực và quốc tế đã hiện diện trên thị trường Việt Nam.
Việc đồng hành cùng với các đơn vị điều hành quốc tế giúp các khách sạn có thể tiếp cận tệp khách hàng rộng hơn, đặc biệt là thị trường khách nước ngoài. Điển hình như CTCP Vinpearl và Tập đoàn Khách sạn Meliá Hotels International mới đây đã công bố lộ trình hợp tác chiến lược nhằm khai thác lợi thế của hai bên.
Để có thể cạnh tranh và khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch quốc tế, ngành du lịch Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động truyền thông, quảng bá và xúc tiến du lịch. Điều này cần một sự phối hợp đồng bộ từ các cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương đến các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực.
Được biết, trong Chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2022-2026 vừa được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch từ 2022-2023 sẽ phấn đấu phục hồi được khoảng 8-9 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (bằng 45-50% so với năm 2019), 65-70 triệu lượt khách du lịch nội địa (bằng 75-80% so với năm 2019) và tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 400.000-450.000 tỉ đồng (bằng 50-55% so với năm 2019).