Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Triển vọng lợi nhuận ngân hàng nhìn từ những cuộc họp đại hội đồng cổ đông

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hoạt động kinh doanh của các ngân hàng dự kiến đối mặt với nhiều khó khăn như chi phí vốn và chi phí dự phòng gia tăng, tín dụng tăng chậm trong năm 2023.

Vì sao tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng chưa đạt kỳ vọng?

Trung tâm phân tích của Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) mới đây đã công bố ước tính kết quả kinh doanh quí 1-2023 của 10 ngân hàng niêm yết với 8 ngân hàng có lợi nhuận tăng và 2 ngân hàng có lợi nhuận giảm.

Với nhóm ngân hàng quốc doanh, SSI Research cho biết lợi nhuận quí 1-2023 của nhóm này tiếp tục tăng trưởng nhưng giảm tốc so với năm ngoái. Cụ thể, dẫn đầu lợi nhuận ngành ngân hàng là Vietcombank với lợi nhuận trước thuế ước đạt 10.500-11.000 tỉ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận trước thuế của VietinBank dự kiến đạt khoảng 6.000 tỉ đồng, tăng 3%.

Còn dẫn đầu về mức độ tăng trưởng lợi nhuận quí 1 là BIDV với đà tăng khoảng 32-39% so với cùng kỳ năm trước.

Toàn cảnh cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Ảnh: H.T

Với nhóm ngân hàng tư nhân, SSI Research ước tăng trưởng lợi nhuận trước thuế phổ biến ở mức 10-20% trong quí 1-2023. Trong đó, Sacombank được dự đoán đạt mức tăng trưởng lợi nhuận lên tới 70% từ mức nền thấp tại cùng kỳ năm 2022.

Nhưng xét về số lợi nhuận tuyệt đối thì MB là ngân hàng có mức lợi nhuận cao nhất với lợi nhuận trước thuế ước khoảng 6.500-7.000 tỉ đồng, tăng 10-18%. ACB dự kiến lợi nhuận trước thuế khoảng 4.800-5.000 tỉ đồng, tăng 16,7-21,6%. Còn VIB dự kiến lợi nhuận trước thuế khoảng 2.500-2.700 tỉ đồng.

Hai ngân hàng được SSI dự báo có tăng trưởng lợi nhuận trong quí 1 giảm so với cùng kỳ là MSB và Techcombank. Ước tính, lợi nhuận trước thuế của MSB chỉ đạt khoảng 1.300 - 1.500 tỉ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ. Techcombank được dự báo có kết quả lợi nhuận thiếu tích cực trong quí 1 do NIM giảm và chi phí tín dụng cao hơn dự kiến.

Trước đó, kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quí 2-2023 của Vụ Dự báo, Thống kê Ngân hàng Nhà nước cũng đánh giá lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quí 1-2023 có tăng trưởng nhưng chưa đạt được như kỳ vọng.

Thực tế, thông tin được lãnh đạo một số ngân hàng chia sẻ tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 cũng cho thấy điều này.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, cho biết lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ VPBank chỉ đạt 4.000 tỉ đồng trong quí 1, giảm 62% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo ông Vinh, nguyên nhân chính dẫn tới kết quả này là mức nền so sánh cao do quí 1-2022 là giai đoạn VPBank ghi nhận khoản phí hỗ trợ từ thỏa thuận độc quyền phân phối bảo hiểm với AIA Việt Nam. Ngoài ra, ngân hàng phải trích lập dự phòng tới 2.600 tỉ đồng rủi ro tín dụng.

Bên cạnh đó, FE Credit - công ty con của VPBank - vẫn gặp nhiều khó khăn và báo lỗ trong quí 1 cũng ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh chung của ngân hàng.

Với SHB, bà Ngô Thu Hà, Tổng giám đốc, cho biết ngân hàng ghi nhận 3.600 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng hơn 10%. Nhưng mức tăng trưởng này thấp hơn nhiều nếu so với mức tăng trưởng lợi nhuận ghi cùng kỳ năm trước là 94%.

Với MSB, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc, cho biết lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt hơn 1.500 tỉ đồng trong quí 1, tăng 2%. Còn lợi nhuận sau thuế đạt 1.200 tỉ đồng.

Không chia sẻ kết quả kinh doanh cụ thể, nhưng ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank, cho biết kết quả kinh doanh quí 1-2023 hiện đã vượt so với kế hoạch được ban lãnh đạo ngân hàng đưa ra theo hướng “thận trọng nhất” với lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023 dự kiến khoảng 22.000 tỉ đồng.

Thực tế, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng năm 2023 chậm lại không phải thông tin bất ngờ trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn.

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN, cho biết tăng trưởng tín dụng tới ngày 28-3 chỉ tăng 2,06% so với cuối năm 2022. Mức này tăng hơn 11% so với cùng kỳ, nhưng theo đánh giá của lãnh đạo NHNN là "không cao" so với giai đoạn cuối năm 2022. Diễn biến này vì cả lý do khách quan và chủ quan, trong đó một phần do sức cầu yếu từ phía doanh nghiệp.

"Khó khăn doanh nghiệp hiện nay là một vấn đề. Nhu cầu tín dụng của một số lĩnh vực chững lại", Phó thống đốc Đào Minh Tú nói tại buổi họp báo tổng kết kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong quí 1.

Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank, cho biết ba khó khăn lớn nhất của hệ thống ngân hàng gồm tín dụng tăng thấp trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn, thị trường trái phiếu tồn tại yếu tố bất ổn, dòng tiền chảy vào tiền gửi kỳ hạn nhiều hơn.

Với Techcombank, ông Jens Lottner cho biết những sự việc phát sinh trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã khiến các khoản thu từ tư vấn, phát hành trái phiếu của ngân hàng giảm. Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng bị hạn chế trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp khó khăn đã khiến nhiều khách hàng tìm nguồn vốn ngoài ngân hàng, qua đó ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng.

Cũng với lý do thị trường bất động sản gặp khó khăn, Tổng giám đốc Techcombank cho biết nhiều khách hàng có xu hướng tìm các kênh đầu tư khác, chẳng hạn tiền gửi có kỳ hạn khiến lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) giảm sút. “Techcombank là ngân hàng có thị phần đối với phân khúc khách hàng giàu có cao hơn các ngân hàng nội địa. Do đó, khi thị trường bất động sản, trái phiếu biến động thì khách hàng giàu có, vốn dĩ có nhiều kênh đầu tư, đã chuyển sang tiền gửi có kỳ hạn vì có cảm giác an toàn hơn. Bên cạnh đó, khi tăng trưởng tín dụng bị hạn chế, khách hàng cũng tìm cách tiếp cận nguồn vốn khác, khiến cho nguồn CASA không còn dồi dào như trước. Bởi vậy, dòng tiền ở Techcombank thực ra là dịch chuyển từ tiền gửi không kỳ hạn sang có kỳ hạn”, ông Jens Lottner phân tích.

Kỳ vọng chuyển mình nhờ “lối đi riêng”

Bối cảnh kinh tế khó khăn khiến không ít ngân hàng đưa ra định hướng kinh doanh thận trọng. Chẳng hạn, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 12.200 tỉ đồng năm 2023 - tăng 15,3%, nhưng chỉ bằng một nửa so với mức tăng năm 2022. NamABank cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.400 tỉ đồng năm 2023 - tăng khoảng 6% và thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 26% của năm 2022. Eximbank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 lên tới 34,8% - cao hơn nhiều so với các ngân hàng khác, nhưng thấp hơn nhiều kết quả đạt được năm 2022 với mức tăng 207%.

Ngược lại, Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 22.000 tỉ đồng năm 2023, giảm 14% so với năm 2022.

Đánh giá triển vọng năm 2023, Vụ Dự báo, Thống kê Ngân hàng Nhà nước cho biết có 88,7% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trong năm 2023 tăng trưởng dương so với năm 2022, thấp hơn tỷ lệ 95,3% ở kỳ điều tra trước. Ngoài ra, có 5,7% TCTD lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2023 và 5,7% TCTD ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Lý giải thực trạng trên, Công ty chứng khoán VNDirect cho biết tín dụng dự kiến tăng 12% trong năm 2023 do lãi suất cho vay quá cao, thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc. Ngoài ra, thanh khoản hệ thống, dù có cải thiện, song vẫn hạn hẹp cũng là nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm lại.

Những yếu tố trên sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong bối cảnh 80% thu nhập của ngành tới từ tín dụng.

Bên cạnh nỗi lo tín dụng tăng chậm lại, biên lãi thuần của các ngân hàng (NIM) cũng bị thu hẹp, do lãi suất huy động tăng mạnh thời gian qua, trong khi lãi suất cho vay có xu hướng điều chỉnh giảm để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Với bối cảnh trên, VNDirect cho biết chỉ một số ngân hàng như Vietcombank, Techcombank, MB ít bị ảnh hưởng về chi phí vốn nhờ tỷ lệ vốn huy động không kỳ hạn cao.

Với hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), vốn là “gà đẻ trứng vàng” của các ngân hàng những năm gần đây, VNDirect dự báo tăng trưởng từ hoạt động này sẽ chậm lại do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhu cầu của người tiêu dùng giảm và các cơ quan quản lý đang đẩy mạnh thanh - kiểm tra hoạt động bán bảo hiểm của ngân hàng.

Đánh giá chung về triển vọng lợi nhuận ngành ngân hàng năm nay, chuyên gia phân tích đến từ các công ty chứng khoán đều đưa ra dự báo thận trọng. Cụ thể, VNDirect nhận định, năm nay, lợi nhuận ngành ngân hàng chỉ tăng 11%. Trước đó, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng năm nay chỉ khoảng 10% và có sự phân hóa mạnh ở các ngân hàng.

Bổ sung, ông Jens Lottner cho biết nền kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 5-6,5% trong năm 2023, với khá nhiều biến động, cũng như khó khăn tiềm ẩn từ các yếu tố trong nước và quốc tế. Ngoài ra, lĩnh vực bất động sản kém sôi động, giao dịch tiếp tục trầm lắng trong hai tháng đầu năm 2023 dẫn tới rủi ro nợ xấu tiềm ẩn của các chủ đầu tư và các ngành liên quan đến lĩnh vực bất động sản.

Để thích ứng với bối cảnh mới, Tổng giám đốc Techcombank cho biết ngân hàng sẽ tiếp tục chiến lược dịch chuyển tín dụng sang mảng bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Hiện tại, nhu cầu tín dụng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ không nhiều như các năm trước nhưng vào nửa sau của năm nay, khi nền kinh tế phục hồi thì nhu cầu tăng trưởng tín dụng của nhóm doanh nghiệp này sẽ tăng trở lại”, ông Jens Lottner nói.

Cũng theo vị này, ngân hàng sẽ tiếp tục chủ trương huy động nguồn vốn tiền gửi không kỳ hạn (CASA), tối ưu nguồn vốn dư thừa của ngân hàng, gia tăng thu nhập từ phí quản lý dòng tiền, bảo hiểm, thẻ do là mô hình rủi ro thấp, nhất là trong bối cảnh hoạt động ngân hàng đầu tư dự báo còn nhiều khó khăn.

Với VPBank, ông Nguyễn Đức Vinh cho biết động lực tăng trưởng năm 2023 của ngân hàng đến từ ba mảng chính.

Thứ nhất, phân khúc chiến lược gồm bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Trong đó, mảng bán lẻ dự kiến tăng 40% trong quí 1-2023. Tỷ lệ này với mảng SME là 35%.

Thực tế, VPBank hiện là một trong những ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ cao nhất, với tỷ trọng khách hàng cá nhân và SME chiếm hơn 60% danh mục cho vay của ngân hàng riêng lẻ. Đây cũng là hai  phân khúc khách hàng có sự tăng trưởng tốt năm 2022 khi đều tăng 37% so với năm 2021.

Thứ hai, phân khúc khách hàng là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Ông Vinh cho biết ngân hàng đang phục vụ 80 doanh nghiệp FDI, nhưng con số này dự kiến sẽ sớm tăng lên 300-600 doanh nghiệp.

“VPBank đang hướng tới phát triển cung cấp dịch vụ cũng như tăng huy động từ nhóm khách hàng này. Mục tiêu của ngân hàng là nâng doanh số huy động của nhóm doanh nghiệp FDI từ 2.000 tỉ đồng lên 10.000 tỉ đồng”, ông Vinh nói và cho biết VPBank đã thành lập bộ phận riêng về khách hàng FDI, với sự hỗ trợ từ SMBC, để hiện thực hoá mục tiêu này.

Thứ ba, mảng chứng khoán và bảo hiểm. Cụ thể, công ty chứng khoán mới hoạt động từ năm 2022 nhưng đã đóng góp tới 500 tỉ đồng vào lợi nhuận hợp nhất của VPBank và dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần trong năm nay nhờ được tăng vốn.

“Dù  lợi nhuận quí 1 mới chỉ đạt 4.000 tỉ đồng, nhưng mục tiêu 24.000 tỉ đồng không quá xa. Bởi lẽ, vào quí 3 và 4, ngân hàng thường bứt tốc mạnh hơn và nợ xấu cũng sẽ giảm”, ông Vinh nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới