Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Triển vọng tăng trưởng của ASEAN phụ thuộc nhiều vào vaccine ngừa Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Triển vọng tăng trưởng của ASEAN phụ thuộc nhiều vào vaccine ngừa Covid-19

Ricky Hồ

(TBKTSG Online) – Việt Nam được dự báo vẫn tiếp tục dẫn đầu tăng trưởng của ASEAN. Khu vực sẽ tập trung lấy lại đà tăng trưởng đạt được trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Các nhà phân tích nói rằng nhiều  nguy cơ tiềm ẩn vẫn tồn tại nếu nhìn kỹ vào những dự báo tăng trưởng.

Triển vọng tăng trưởng của ASEAN phụ thuộc nhiều vào vaccine ngừa Covid-19
Trang trí đón mừng Tết 2021 ở Singapore. Kinh tế của đảo quốc vẫn sẽ đạt mục tiêu tăng 4-6% trong năm nay nhờ vào xuất khẩu và hoàn tất chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: Reuters

Trong đó, các chiến dịch tiêm chủng đại trà vaccine ngừa Covid-19 đóng vai trò cốt lõi trong hồi phục kinh tế – Nikkei Asia bình luận nhân thông điệp đầu năm của nhiều nước ASEAN.

Trước dịch bệnh, Đông Nam Á đã đạt mức phát triển trung bình hàng năm 5% trong nhiều năm liền, giúp ASEAN trở thành một trong những khu vực tăng trưởng tốt nhất thế giới. Khu vực trở thành điểm thu hút đầu tư, với dân số trẻ, năng động và thị trường to lớn.

Những yếu tố thuận lợi này vẫn đóng góp cho phát triển của ASEAN trong năm nay, nhưng trước tiên khu vực cần khống chế hoàn toàn dịch bệnh.

Xuất khẩu vẫn là điểm sáng

Trong thông cáo chính phủ hôm 15-2, Singapore tuyên bố vẫn giữ mức dự báo tăng GDP 4-6% trong năm 2021, không thay đổi so với dự báo đưa ra vào tháng 11 năm ngoái. Nền kinh tế nước này suy giảm -5,4% trong năm ngoái, sau khi tăng trưởng trong quý 4-2020 đạt khả quan hơn với tỷ lệ -2,4% thay vì con số -3,8% công bố trong tháng 1 vừa rồi.

Singapore đã khống chế tốt dịch bệnh và đặt mục tiêu tiêm chủng đại trà toàn bộ dân số vào tháng 9 tới. Tăng tưởng ở mảng xuất khẩu hàng điện tử là dấu hiệu tích cực của nền kinh tế đảo quốc, mặc dù các hạn chế đi lại kéo dài đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp hàng không và du lịch.

“Do những phát triển tích cực ở các ngành kinh tế hướng ngoại chủ chốt đã bù đắp phần lớn những tác động tiêu cực, triển vọng của xuất khẩu Singapore vẫn sẽ duy trì như mức của quí cuối năm 2020”, thông cáo của chính phủ viết.

Triển vọng kinh tế của Singapore phần nào đó phản ánh các yếu tố vi mô của kinh tế khu vực. Trong khi xuất khẩu hàng tiêu dùng là một điểm sáng, các chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid đóng vai trò trọng yếu trong việc tái khởi động nền kinh tế, bao gồm ngành du lịch đóng vai trò cốt lõi ở nhiều nước Đông Nam Á.

GDP các nước Đông Nam Á sẽ bật tăng trong năm 2021. Đồ họa: CEIC / Nikkei Asia

 

Nhiều cạm bẫy phát triển mới

Các nhà hoạch định chính sách và các nhà phân tích trong khu vực vẫn lạc quan, nhưng vẫn rất thận trọng với những cạm bẫy phát triển trong năm 2021. Trong đó, tốc độ thực hiện chương trình tiêm chủng và hiệu quả của vaccine ngừa Covid-19 đang là hai yếu tố nổi trội.

Indonesia kỳ vọng tăng trưởng GDP đạt 4,5-5,5% trong năm nay, sau khi bị suy giảm -2,1% trong năm 2020. Giữa tháng 1-2021, Indonesia đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đại trà với mục tiêu tiêm được 181 triệu người, tức 70% tổng dân số, vào tháng 3-2022 để đạt miễn dịch cộng đồng. Chiến dịch này hứa hẹn sẽ giúp nhu cầu nội địa tăng trưởng sau khi kinh tế bị nhiều tổn thất với 1,2 triệu ca nhiễm Covid-19.

Tương tự, Philippines dự báo sẽ phát triển ở mức 6,5-7,5% trong năm nay, trái ngược với mức tăng trưởng âm -9,5% trong năm 2020 khi nền kinh tế nước này tái kích hoạt và các chiến dịch tiêm chủng sẽ khởi sự trong tuần sau.

Tuy nhiên, các chiến dịch tiêm chủng đối diện với các rào cản logistics, đặc biệt ở đất nước quần đảo trãi rộng như Indonesia. Tỷ suất hiệu quả cũng phụ thuộc vào loại vaccine được sử dụng. Ngân hàng United Overseas Banks (UOB) của Singapore ghi nhận rằng tăng trưởng GDP của Indonesia có thể bị giới hạn ở mức 2% trong kịch bản là hiệu quả vaccine của hãng Sinovac, Trung Quốc chỉ đạt 50% và mức độ phủ rộng tiêm chủng chỉ 35%.

Indonesia đã đặt mua 125,5 triệu liều từ Sinovac, và số lượng tương đương từ các hãng Moderna, Pfizer và AstraZeneca. Dự kiến nước này cần đến 425 triệu liều vaccine để tiêm cho 70% dân số mỗi người hai liều và cộng thêm tỷ lệ 15% hao hụt.

Hôm nay, Thái Lan cũng giảm dự báo tăng trưởng trong năm 2021 còn 2,5-3,5%, tức giảm từ mức dự báo 3,5-4,5% trong tháng 11 năm ngoái. Thiếu vắng thị trường du khách quốc tế thật sự là một tổn thất đau đớn ở nền kinh tế mà du lịch chiếm đến 20% GDP.

Danucha Phichayanan – Tổng thư ký Văn phòng Hội đồng phát triển kinh tế và xã hội quốc gia – ước đoán rằng ngành du lịch Thái Lan dự kiến sẽ hồi phục trong quí 4-2021. Ông nói rằng sự tăng trưởng của vương quốc phụ thuộc vào hiệu quả của vaccine ngừa Covid-19 và ổn định chính trị đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Tình trạng khẩn cấp vẫn đang kéo dài ở Malaysia mà không rõ hạn định sẽ chấm dứt. Ngân hàng Trung ương Malaysia đã không đưa ra dự báo tăng trưởng 2021 khi công bố mức suy giảm GDP trong năm ngoái là -5,6%. Đây là tình trạng tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 1997-1998.

“Trong năm 2021, tăng trưởng sẽ bật dậy và được nâng đỡ bởi nhu cầu thế giới hồi phục và các hoạt động kinh tế trong nước trở lại bình thường. Nhưng nguy cơ kéo tụt tăng trưởng vẫn tồn tại, với tốc độ và khả năng hồi phục tùy thuộc vào những diễn biến của Covid-19 trên toàn thế giới và tại Malaysia”, ngân hàng trung ương Bank Negara Malaysia nhấn mạnh.

Dẫn dắt tăng trưởng ở Đông Nam Á trong năm 2021 có thể vẫn là Việt Nam. Nền kinh tế nước đạt mức tăng 2,9% trong năm ngoái nhờ vào việc khống chế tốt dịch, cùng với xuất khẩu hàng điện tử và hàng tiêu dùng luôn tăng mạnh. Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng này, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng 6,5% trong năm nay.

“Xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục được nâng đỡ bởi các mức thuế đánh vào hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Các doanh nghiệp đã tìm kiếm nguồn cung ứng thay thế từ thị trường Việt Nam để hưởng thuế suất hạ hơn khi xuất sang Mỹ. Với khả năng quan hệ thương mại Mỹ – Trung tiếp tục giằng co trong nhiều năm tới, xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục duy trì”, nhà kinh tế cấp cao Gareth Leather của hãng Capital Economics nhận định.

Theo Bloomberg, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 4% trong năm nay, riêng khu vực Đông Á – Thái Bình Dương có thể chạm mức gần 8%. “Đừng nhầm lẫn giữa sự bật dậy với sự hồi phục. Sự bật nẩy của nền kinh tế chỉ giúp đưa mức thu nhập theo đầu người đến gần mức trước khi dịch bùng phát. Nếu gọi đó là hồi phục thì chúng ta tự gạt nhau”, nhà kinh tế trưởng Carmen Reinhart của WB cảnh báo.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới