Thứ Bảy, 17/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Triển vọng thương mại từ ACFTA

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Triển vọng thương mại từ ACFTA

Nguyễn Sơn

Các thương lái mua trái vải khô ở Lạng Sơn để xuất khẩu sang Trung Quốc. Hiện nay hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc chủ yếu vẫn là nông sản, nguyên liệu thô nên giá trị rất thấp. Ảnh: Sơn Nghĩa.

(TBKTSG) – Ngày 7-1-2010, tại thành phố Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, diễn ra lễ kỷ niệm sự kiện Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) được thiết lập đầy đủ. Bên cạnh các cơ hội, ACFTA cũng mang lại không ít thách thức cho các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.

Quá trình hình thành khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới này được phát động năm 2002 với việc ký kết Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN – Trung Quốc. Tiếp đó Hiệp định về Thương mại hàng hóa (2005), Hiệp định về Thương mại dịch vụ (2006), Hiệp định về Đầu tư (2009) lần lượt được ký kết, hình thành ba trụ cột hợp tác trong ACFTA.

Những đối tác tiềm năng

Với gần 2 tỉ người tiêu dùng, ACFTA là thị trường có quy mô lớn nhất thế giới. Về GDP, với 2.000 tỉ đô la Mỹ, khu vực mậu dịch tự do này còn kém Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ, Liên hiệp châu Âu. Nhưng điều đáng nói là ACFTA bao gồm các nền kinh tế được coi là năng động, đầy tiềm năng đang hướng tới thiết lập vị thế mới của mình trong kinh tế thế giới.

Liên tục từ năm 1992, ASEAN là bạn hàng lớn thứ năm của Trung Quốc. Kim ngạch thương mại hai khối đạt tốc độ tăng trưởng trung bình trên 20% mỗi năm. Nếu năm 2003 (thời điểm trước khi thực hiện Chương trình Thu hoạch sớm) tổng kim ngạch ASEAN – Trung Quốc là 78,2 tỉ đô la Mỹ, thì năm 2008 con số này đã đạt trên 192 tỉ. ASEAN cũng đồng thời là một nhà đầu tư quan trọng vào thị trường Trung Quốc với trên 40 tỉ đô la Mỹ vốn đăng ký.

Với Việt Nam, cả ASEAN và Trung Quốc hiện đang là các đối tác thương mại hàng đầu. Tổng giá trị thương mại với các nước này chiếm tới 35% tổng kim ngạch thương mại của nước ta với thế giới (xem bảng 1).

Những cơ hội cho thương mại

Trong ba hiệp định đã ký kết, những cơ hội rõ rệt nhất đối với Việt Nam liên quan tới Hiệp định Thương mại hàng hóa (TIG).

Do hạn chế về năng lực, xuất khẩu dịch vụ và đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam còn thấp nên ta chưa tranh thủ được nhiều lợi ích từ các hiệp định dịch vụ và đầu tư.

Từ năm 2004, nông thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu được hưởng lợi từ Chương trình Thu hoạch sớm. Theo đó, các nhóm hàng từ chương 1 đến chương 8 của Biểu thuế (nhóm hàng nông, thủy sản) sẽ cắt giảm thuế trước trong khi chưa đạt được thỏa thuận cắt giảm chung cho toàn bộ biểu thuế.

Từ năm 2006, toàn bộ các mặt hàng này được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu sang Trung Quốc và ASEAN. Nông sản, thủy sản là các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam và chiếm khoảng 28% tổng kim ngạch xuất khẩu. Việc loại bỏ thuế quan bao gồm cả các dòng thuế trên 15% sẽ cải thiện đáng kể sức cạnh tranh của các mặt hàng này trên thị trường Trung Quốc.

Đối với các mặt hàng cắt giảm theo lộ trình thông thường, Việt Nam sẽ hoàn thành cắt giảm thuế xuống 0% vào năm 2015.

Trong khi đó, từ 1-1-2010 Trung Quốc đã hoàn thành việc loại bỏ thuế quan với trên 90% danh mục hàng hóa nhập khẩu từ ASEAN (ngoại trừ một số ít mặt hàng nhạy cảm).

Như vậy, giai đoạn từ nay tới năm 2015 là cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam khi hàng xuất khẩu của ta không phải chịu hàng rào thuế quan trong khi chúng ta vẫn duy trì được mức bảo hộ nhất định cho thị trường trong nước.

Từ năm 2013, Việt Nam bắt đầu cắt giảm sâu hàng rào bảo hộ thuế quan để tiến tới loại bỏ thuế với khoảng 90% danh mục hàng hóa vào năm 2015. Đây sẽ là giai đoạn thách thức cho các doanh nghiệp trong nước nếu chúng ta không tận dụng được các cơ hội ACFTA đang mở ra hiện nay.

Trên thực tế, từ năm 2004 thương mại với Trung Quốc tăng mạnh, nhưng xuất khẩu chậm hơn nhập khẩu (bảng 2) dẫn tới tình trạng nhập siêu. Nguyên nhân không phải do tác động trực tiếp của ACFTA. Bởi như phân tích ở trên, lộ trình cắt giảm thuế của Việt Nam chậm hơn năm năm so với Trung Quốc và chúng ta đang trong giai đoạn có lợi thế tăng kim ngạch xuất khẩu.

Ngoại trừ các yếu tố khách quan như sức cạnh tranh của hàng Trung Quốc, chính sách tỷ giá đồng nhân dân tệ… thì nguyên nhân chính của thâm hụt thương mại là do sự hạn chế về năng lực của doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ nhất, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu là nguyên liệu thô, hàm lượng chế biến thấp, do đó giá trị không cao. Ngoài ra, những mặt hàng này vốn đã có thuế rất thấp hoặc 0% nên không hưởng lợi nhiều từ ACFTA.

Thứ hai, cơ cấu hàng hóa đơn giản, tập trung vào một số mặt hàng chính nên rất dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động thị trường. (Trên 40 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 triệu đô la Mỹ chiếm tới 80% toàn bộ kim ngạch xuất khẩu).

Tăng cường tiếp cận lợi ích của ACFTA

Sau năm năm ACFTA bắt đầu vận hành, vấn đề được mọi thành viên quan tâm là làm sao tận dụng hiệu quả các cơ hội từ tự do hóa thương mại theo các thỏa thuận. Theo số liệu công bố của Ban Thư ký ASEAN, chỉ khoảng 7% thương mại song phương được hưởng lợi từ cắt giảm thuế. Con số này của Việt Nam là trên 9%, đứng sau Thái Lan 11%.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tận dụng tốt hơn nữa các cơ hội của ACFTA, các quốc gia đều hướng tới những biện pháp tuyên truyền quảng bá về nội dung cam kết, cải cách thủ tục và quy trình cấp Chứng nhận xuất xứ (C/O mẫu E) để giúp doanh nghiệp giảm chi phí…

Riêng đối với Việt Nam, ngoài các giải pháp chung nêu trên, chúng tôi cho rằng cần có một sách lược dựa trên các lợi thế của quốc gia để giúp chúng ta khai thác tốt hơn lợi ích của ACFTA. Mỗi nước ASEAN đều có cơ hội như nhau trong việc tiếp cận thị trường Trung Quốc theo cam kết trong ACFTA nên mỗi quốc gia phải tự xác định và phát huy tốt lợi thế cạnh tranh của mình.

Đối với Việt Nam, đó là vị trí địa lý tiếp giáp với khu vực phía Nam Trung Quốc. Lợi thế này giúp chúng ta rút ngắn thời gian, giảm chi phí vận chuyển… tới một thị trường đang phát triển và rất năng động. Bản thân Chính phủ Trung Quốc cũng có nhiều chính sách tạo điều kiện phát triển cho khu vực này bao gồm cả các cơ chế, chính sách tăng cường cơ hội giao thương, tiếp cận thị trường khu vực Đông Nam Á.

Các tỉnh phía Nam Trung Quốc có những yếu tố bổ trợ với kinh tế nước ta. Các tỉnh Tây Nam Trung Quốc là các thị trường lớn (tỉnh Vân Nam dân số 44,5 triệu, tỉnh Quảng Tây 49 triệu…), có tương quan phát triển kém hơn các tỉnh phía Đông. Thị trường này không quá khó tính. Đây sẽ là các bạn hàng lớn nếu chúng ta biết chọn sách lược tiếp thị.

Trong khi đó Quảng Đông lại là địa phương phát triển hàng đầu Trung Quốc với GDP xấp xỉ 520 tỉ đô la Mỹ. Với vị trí địa lý thuận lợi kết hợp với các lợi thế về nhân lực, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam có thể trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn sản xuất tại trung tâm kinh tế hàng đầu của Trung Quốc này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới