(KTSG Online) - Chiều 27-11, tiếp tục kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
- Điện hạt nhân – từ chỗ bị xa lánh đến giải pháp cho bài toán năng lượng sạch
- Xem xét khởi động lại các dự án điện hạt nhân phục vụ kinh tế – xã hội
Theo Baochinhphu.vn, trình bày tờ trình, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là cần thiết, có cơ sở và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Trong đó, bốn mục tiêu cụ thể được đưa ra là cung cấp nguồn điện nền, đóng góp đáng kể trong cơ cấu sản xuất điện, đa dạng hóa năng lượng sơ cấp, bảo đảm an ninh năng lượng, ổn định hệ thống điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Tiếp theo là xây dựng và đưa các nhà máy điện hạt nhân vào khai thác vận hành an toàn, giảm thiểu thấp nhất rủi ro về môi trường; xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ cho chương trình dài hạn về phát triển điện hạt nhân, từng bước nâng tỷ lệ điện hạt nhân đạt mức hợp lý trong tổng sản lượng điện năng quốc gia.
Bên cạnh đó là thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh cho các cơ sở hạt nhân; kiện toàn cơ quan quản lý nhà nước, hệ thống văn bản pháp luật về kiểm soát an ninh, an toàn hạt nhân và an toàn bức xạ; hoàn thiện khung pháp lý để phát triển điện hạt nhân; xây dựng văn hóa an toàn hạt nhân và phổ biến rộng rãi trong xã hội.
Dự án còn có mục tiêu xây dựng chương trình phát triển khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng cho các giai đoạn phát triển điện hạt nhân.
Bàn về nhiệm vụ, giải pháp, Phó thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển điện hạt nhân; hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, phát triển, vận hành, bảo vệ, định mức tiêu chuẩn, quy phạm quản lý chất thải các nhà máy điện hạt nhân; xây dựng kế hoạch nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực điện hạt nhân.
Chính phủ cũng nghiên cứu khả năng nội địa hóa công nghệ điện hạt nhân, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với đó là sử dụng tối ưu nguồn lực đã có trong lĩnh vực điện hạt nhân; tận dụng các kết quả đã thực hiện đối với dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và điện hạt nhân Ninh Thuận 2 trong quá trình nghiên cứu, triển khai các dự án này; xây dựng chương trình, kế hoạch hành động nhằm đạt được sự đồng thuận rộng rãi của xã hội đối với chương trình phát triển điện hạt nhân.
Báo cáo thẩm tra vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề xuất Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và đưa nội dung này vào Nghị quyết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ủy ban đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất chương trình phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam gắn với nhiệm vụ tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ của đất nước, từng bước làm chủ công nghệ điện hạt nhân; nghiên cứu mô hình quản lý phù hợp về điện hạt nhân; hoàn thiện pháp luật có liên quan.
Chính phủ cũng chú trọng đào tạo nhân lực, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia đầu ngành, gắn với chương trình tổng thể phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân; nâng cao năng lực trong nước nội địa hóa thiết bị điện hạt nhân.
Hai vấn đề điện năng quan trọng nhất đòi hỏi phải giải trình kỹ hai tiêu chí: Nguồn lực năng lượng tiêu hao và hạn chế nhất định/ An toàn môi trường sống bền vững. Xét theo các tiêu chí này, điện hạt nhân không phải là phương án khả thi. Nguồn lực hạt nhân có thể kéo dài, nhưng không phải vô tận, ta cũng không thể làm chủ về nguyên liệu. Mặt khác, độ an toàn hạt nhân đối với môi trường vẫn là vướng mắc kỹ thuật lớn nhất chưa được giải quyết rốt ráo, sự lệ thuộc công nghệ của ta là rất cao. Nhìn về dài hạn, chỉ có năng lượng tái tạo có khả năng đáp ứng hai tiêu chí nói trên. Sự tiến bộ về công nghệ vẫn là vấn đề then chốt đối với chiến lược tăng cường phát triển năng lượng tái tạo trong nhiều năm đến.
Lập luận cơ bản của các tổng sơ đồ phát điện, thường tiếp cận theo hướng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng không ngừng tăng lên, bất chấp tác động xấu đến sự bền vững lâu dài của hệ sinh thái môi trường sống. Đây là nguy cơ cần cảnh báo khẩn. Một số chủ trương thu hút đầu tư lớn, như phát triển ngành chip, thiên về lựa chọn công nghệ tiêu tốn rất nhiều năng lượng và tài nguyên nước (Đài Loan đang phải vật vã với tác hại này).